Khi phải lựa chọn, hầu hết người dân trên khắp thế giới thà từ bỏ điện thoại di động hơn là máy tính và thà sống mà không có mạng xã hội hơn là không có TV.
Theo một cuộc thăm dò do hãng nghiên cứu thị trường Ipsos thực hiện cho hãng tin Reuters đối với 19.271 người trưởng thành từ 25 quốc gia, nhiều công nghệ truyền thống và giải trí vẫn là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng.
Theo Reuters, 2/3 người được khảo sát nói họ sẽ giữ lại máy tính và bỏ điện thoại di động nếu bị buộc phải chọn một trong hai thứ đó. 58% lựa chọn bỏ mạng xã hội thay vì phải bỏ TV.
Tình dục thậm chí còn giữ khoảng cách xa hơn khi gần 80% người được hỏi nói họ thà sống mà không có điện thoại còn hơn là phải bỏ sex.
"Khi người ta bị buộc phải lựa chọn giữa hai thứ quan trọng thì một bức tranh về giá trị và sự ưu tiên sẽ hiển hiện", Keren Gottfried, giám đốc nghiên cứu của Ipsos nói.
Cuộc thăm dò tiết lộ những sự khác biệt rõ rệt giữa giới tính và tuổi tác, với phụ nữ và những người trẻ tuổi hơn 35 ít mong muốn bỏ điện thoại đi động của mình so với nam giới.
Gần 40% phụ nữ nói họ sẽ bỏ máy tính trong khi chỉ có 31% có ý kiến tương tự. Chỉ có hơn 40% người trẻ tuổi sẵn sàng bỏ máy tính vì điện thoại di động.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy người trẻ tuổi thành thạo sử dụng smartphone hơn và người ta đã hy vọng những người trẻ tuổi sẽ ưu tiên các công nghệ mới trong thăm dò này.
"Tỷ lệ người trẻ tuổi thường xuyên sử dụng mạng xã hội là cao hơn đáng kể", Gottfried cho biết.
Kết quả thăm dò cũng rất khác nhau ở các nước khác nhau. Người Canada chọn máy tính hơn so với điện thoại (tương ứng 80% và 20%), nhưng chỉ có 49% người Ả rập Xê-út chọn máy tính. Ở Nam Phi, 52% lựa chọn máy tính hơn điện thoại.
Người Anh và Pháp hầu như chọn TV thay vì mạng xã hội trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ lại ít nhất.
Khi nói đến chọn lựa giữa sex hay điện thoại, Gottfried nói "điều thú vị là các kết quả cũng phản ánh khuôn mẫu văn hóa giữa các khu vực khác nhau, với người Mỹ Latinh thà bỏ sex để chọn điện thoại ít nhất còn người châu Á-Thái Bình Dương lại nhiều nhất".
Theo Reuters, khảo sát này có độ sai số ±3,1 - 4,5 điểm phần trăm.