Chuyện đời "đại gia" lò bún với khối tài sản ngàn tỉ

Thứ hai, 11/06/2012, 07:41
Bà Phấn (sinh năm 1946, tên thường gọi bà Năm, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) được nhiều người biết đến với nghề làm bún, nui khô bỏ mối dọc khắp các tỉnh từ miền Trung đến Sài Sòn. Cách đây nhiều năm, bà Năm chuyển sang nghề kinh doanh bất động sản. Nhiều kho xưởng trên địa bàn quận Tân Phú được bà mua dần và chẳng mấy chốc sở hữu trong tay số tài sản lớn. Đến khi qua đời, nhiều hàng xóm mới ngỡ ngàng về khối gia sản kếch xù bà đã để lại.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, bà Năm làm nghề bún từ thuở cha mẹ bà vừa đặt chân đến Sài Gòn. Học chỉ mới hết lớp 4, bà Năm tập tành làm nghề từ lúc còn nhỏ. Cái nghề cha truyền con nối như giúp bà Năm tự tin và nối nghiệp một cách dễ dàng hơn.
 
Người nhà của bà Năm kể lại, nếu không muốn nói, thời đó, có lẽ gia đình bà Năm là một trong những lò bún khô đầu tiên của xứ Sài Gòn. Người dân nơi đây biết đến với loại bún mang tên “Phúc Kiến” nổi danh khu Sài Gòn – Chợ Lớn.
 
Từ một lò bún thuộc nhỏ dạng gia đình tự công sản xuất, gia đình bà Năm tạo dựng được uy tín với các thương lái. Những lô hàng được ra lò và bán hết một cách nhanh chóng. Quy mô của cơ sở sản xuất bún khô dần nâng cấp với lượng công nhân ngày một tăng thêm.   
 
Sau ngày giải phóng, lò bún của gia đình bà Năm tiếp tục gặp thời và mở rộng số lượng sản xuất. Cuộc sống gia đình của bà Năm khá hơn. Cha mẹ bà và 7 người con trai còn lại sang Đức sinh sống và lập nghiệp.
 
Ở nước ngoài, những người anh và em trai mở nhà hàng phục vụ các món ăn Việt. Một số người còn lại lập võ đường nơi xứ người. Cuộc sống xa quê hương với bản tính cần cù, hầu hết các anh em gia đình bà Năm đều thành đạt.
 
Toàn bộ cơ nghiệp được để lại cho các các con gái nối dõi. Gia đình bà Năm có tất cả 10 người con gồm 7 người con trai và 3 người con gái.
 
Từ khi cha mẹ sang định cư tại nước ngoài, những năm đầu thập niên 80, 3 chị em gái bắt đầu tách ra mở lò bún riêng. Công việc của họ vẫn luôn phát triển. Thị trường phân phối bún khô “Phúc Kiến” nổi danh một thời từ các tỉnh miền Trung trở vào đến Sài Gòn như càng thuận lợi hơn.
 
Với hệ thống phân phối hàng có sẵn, bà Năm càng mở rộng cơ sở sản xuất và xây dựng nên một thương hiệu riêng. Bà tự mò mẫm nghiên cứu thị hiếu của người dân và cho cho ra đời nhiều loại bún khô, nuôi.
 
Một thương hiệu mới lạ xuất hiện với cái tên gọi “Ông Thọ”. Thời kỳ vàng son của nghề làm bún, làm những con nui khô, trong cơ sở của bà Năm có đến hàng trăm công nhân. Những công nhân được bà Năm nhận vào làm tại đây đều được trả công hậu hĩnh và bà không quên chăm lo đến đời sống của nhân viên.
 
Họ gắn bó với cơ sở sản xuất của bà trong quãng thời gian khá lâu. Những công nhân gặp khó khăn đều được bà Năm ân cần giúp đỡ và hỗ trợ nhiệt tình. Họ chẳng bao giờ nghe bà la mắng bắt cứ điều gì. Công nhân nào làm sai quy trình sản xuất cũng đều được bà nhẹ nhàng khuyên bảo.
 
Người ta thường xuyên thấy, một bà chủ lò bún nhiều khi cũng xắn tay áo để hòa vào nhóm công nhân đang gia công sản xuất ở một công đoạn nào đó. Bà Năm vừa làm vừa hướng dẫn các công nhân làm theo đúng quy tắc.
 
Thời điểm đó, bún khô được sản xuất hoàn toàn làm thủ công, các công đoạn đổ sợi, nấu bún cho đến phơi khộ đều phải hết sức tỉ mỉ. Giả dụ như việc phơi bún, gặp trời mưa, các công nhân không chạy kịp là xem như… mất vốn.
 
Ông Toàn, một công nhân kỳ cựu trong cơ sở sản xuất bún khô Ông Thọ vẫn còn nhớ như in những ngày còn làm việc tại đây. Chẳng có công nhân nào phải chịu cảnh quá chật vật. Những lúc đời sống gặp khó khăn, nhiều công nhân tìm đến bà Năm đều được hỗ trợ để vượt qua cơn bỉ cực.
 
Thậm chí, đến lúc bà Năm nghỉ làm bún và chuyển hẳn sang cho thuê những khu nhà xưởng, các công nhân đều được bà gọi lên phòng làm việc hỗ trợ một số tiền để tạo vốn và đổi nghề.  
 
Hồi còn trẻ, bà Năm sống cùng 2 người bạn gái rất thân trong căn biệt thự trên đường Tô Hiệu (quận Tân Phú). Hằng ngày, người ta thấy một chị đi chợ lo việc nội trợ, người bạn còn lại chăm việc nhà.
 
Nhờ vậy, bà Năm có cơ hội để làm ăn và hướng về cộng đồng và nghĩ đến người nghèo. Không ai nhớ 2 người bạn của bà Năm sống chung từ khi nào, nhưng chỉ độ khoảng từ những năm của thập niên 80.
 
Sau đó vài năm, bà Năm cùng người cậu họ đến một bệnh viện trên địa bàn TP để xin người con gái về làm con nuôi. Một cô gái bé nhỏ nằm trong chiếc cũi có đôi mắt long lanh và rạng rỡ. Bỗng dưng bà Năm cảm nhận cô bé như đang cười với bà.
 
Bà Năm thích thú rồi bế cô bé về và làm các thủ tục nhận con. Bà rất yêu quý cô con gái. Bà đặt tên cho cô bé theo họ ghép của nội và ngoại. Cái tên cô con gái nuôi của bà Năm rất mỹ miều mà quả thực, chắc hẳn đã ấn tượng với bà từ rất lâu rồi. (Vì lý do tế nhị nên chúng tôi xin không nêu tên của cô gái ra đây và tạm thay đổi tên nhân vật là Lê). Lê sinh năm 1987.  
 
Lê dần lớn lên theo năm tháng. Bao nhiêu tình yêu thương của người phụ nữ cô độc đều được bà năm dồn hết cho Lê. Cô bé được chăm sóc từng li từng tí. Lê đi đến đâu cũng đều được mọi người khen rất lễ phép và ngoan ngoãn.
 
Cô gái có tính thương người vốn có từ người mẹ nuôi. Cô con gái nuôi được bà Năm dạy dỗ và cho ăn học chu đáo. Lê được học thêm các môn học ngoại khóa để rèn luyện kỹ năng cho bằng chúng bạn. Được đến trường, thấy các bạn đều có cha nhưng Lê thì không.
 
Có lần về nhà hỏi bà Năm về cha của mình nhưng bà chỉ xoa đầu cô con gái rồi mĩm cười. Tình yêu mà bà Năm dành cho Lê quá lớn khiến cô con gái vơi đi câu hỏi miên man trong đầu về thân phận của mình và được giữ kín cho đến ngày bà Năm mất.
 
Lê lớn lên trong tình yêu thương của cả 3 người mẹ, trong đó có 2 người bạn gái của bà Năm. Học hết cấp 3, bà Năm tiếp tục cho Lê đi du học tại Đức. Nhẩm tính, nếu hoàn thành khóa học, Lê phải xa bà đến 6 năm.
 
… Âm thầm trở thành nữ tỷ phú bất động sản
 
Nghĩ đến chuyện mua đất để cho thuê làm nhà xưởng, bà Năm đặt niềm tin sẽ mang lại nhiều thành công. Bà quyết tâm tích cóp tiền để sở hữu những mảnh đất đang thuê mướn. Hàng tháng, bà Năm đều đóng các khoản thuế thuê các mảnh đất làm nhà xưởng.
 


Lô đất được bà Năm cho thuê làm nhà xưởng và mặt bằng kiếm tiền lãi
hàng chục triệu đồng mỗi tháng cho mỗi lô.

 
Thời cơ đến, những miếng đất bà Năm thuê mướn và có đóng thuế hàng tháng được hóa giá. Bà chẳng ngần ngại bỏ tiền ra mua lại tất cả. Lân cận đó, nhiều mãnh đất rộng hàng ngàn mét vuông đều được bà Năm lần lượt mua lại.
 
Sau đó, bà Năm cho các công ty thuê mướn làm để nhà xưởng hoặc xây dựng công ty trong thời gian dài hạn. Chuyện làm ăn của bà Năm khá kín tiếng. Người dân sống cạnh đó và những người bà con xa chẳng hề hay biết bà Năm sở hữu bao nhiêu miếng đất, cho bao nhiêu công ty để thuê nhà xưởng. Người ta chỉ biết rằng, bà Năm có cuộc sống rất khá giả.
 
Chẳng mấy chốc, trong tay bà Năm sở hữu khối gia sản kếch xù. Đầu tư vào những mảnh đất lớn ở các quận vùng ven Thành phố đã không còn gặp thời như trước, bà Năm nghĩ đến việc tìm về các tỉnh lân cận.
 
Từ Tây Ninh hay Bình Dương đều có dấu chân của bà Năm đi đến để ngỏ lời mua các lô đất giá rẻ. Có lẻ, cuộc sống đơn độc của một người phụ nữ chỉ biết làm ăn và không nghĩ đến chuyện lập gia đình thì bà chỉ chí thú đến công việc.
 
Mà lạ một điều, dù bà Năm có trở nên giàu có nhưng mọi người vẫn thấy bà rất giản dị và chan hòa với mọi người xung quanh. Chằng bao giờ bà thể hiện bản thân là một người giàu và có của ăn của để. Trong xóm, gia đình nào gặp khó khăn cũng đều được bà Năm tận tình giúp đỡ.
 
Những đợt quyên góp tiền ủng hộ lũ lụt, bà Năm là một trong những người tiên phong đóng góp. Nhiều gia đình neo đơn hoạn nạn, các ban ngành đoàn thể trong địa phương kêu gọi hỗ trợ, bà Năm chẳng nề hà.
 
Mỗi năm ngày Tết đến, người dân trong Phường, Quận cần giúp đỡ, bà Năm sẵn sàng đóng góp cho các hộ chính sách đón một cái Tết cổ truyền tươm tất hơn. Nhiều lúc, bà Năm hỗ trợ bằng 3 kg bún, khi thì cân thịt hoặc có lúc ủng hộ tiền mặt đến từng gia đình.
 
Từ những việc làm có ích cho người dân, bà Năm được các cấp chính quyền tặng nhiều giấy khen, bằng khen trong công tác thiện nguyện. Thuở sinh thời bà Năm luôn tâm niệm, làm ăn thuận lợi như được trời phú nên trả ơn đời bằng cách giúp những người nghèo khó hơn.
 
Một điều lạ, sự giàu có của gia đình họ Thạch ở quận Tân Phú không một ai ngoài những anh em của bà Năm hay biết. Mà sống ở Sài Gòn, người ta cũng chẳng quan tâm nhiều đến chuyện của nhà xóm làm gì, thường thì “việc ai làm nấy biết”.
 
Bà hết lòng thương yêu đùm bọc những anh em chẳng may gặp sa cơ lỡ vận. Nghe kể lại, người em trai thứ Tám trong gia đình thất bại trong công việc kinh doanh tại Đức và về nước tìm kiếm cơ hội mới.
 
Đặt chân trở lại Việt Nam, bà Năm tạo điều kiện làm ăn và không bao lâu sau đó, người em gặp thời trở nên giàu có. Nhờ cuộc sống của đại gia đình họ Thạch sung túc, thỉnh thoảng người dân xung quanh thấy anh em bà Năm về thăm quê nhà.
 
Ngôi biệt thự lại trở ấm áp hơn. Họ tổ chức những buổi họp mặt gia đình và dòng tộc vào những dịp đặc biệt. Trong gia đình bà Năm lại đẩy ắp tiếng cười mà chưa khi nào có tiếng cãi vã hay gây gỗ nhau bao giờ.
 
Mặc dù trở nên giàu có nhưng cách sống của bà Năm rất lạ. Bà luôn ra đường với sự giản dị vốn có. Mọi người chỉ luôn biết đến bà Năm với dáng dấp người phụ nữ bình dị, thường điều khiển xe Dream II đã cũ.
 
Không muốn nói quá, chiếc xe này cũng hơn 20 năm đồng hành cùng bà Năm xây dựng cơ nghiệp. Nếu như những đại gia mới nổi hoặc thuộc dạng “trọc” phú thường thích phô trương vẻ bề ngoài thì bà Năm lại không thuộc mẫu người trên.
 
Dân xung quanh chỉ thấy một người phụ nữ bình dị đến lạ thường. Một phong cách đơn giản, dễ gần gũi với mọi người xung quanh. Người ta không thể lầm lẫn dáng người phụ nữ ngồi trên chiếc xe gắn máy áo sơ mi trắng hoặc nâu với cái quần đen mỗi khi bà Năm thoáng chạy qua trước mặt.
 
Tại Tây Ninh, người dân ở đây ắt hẳn biết đến bà Năm khá nhiều. Bà đầu tư xây dựng nhà dưỡng lão khá quy mô. Nghe đâu là, căn nhà dưỡng lão rất bề thế và khang trang bậc nhất của tỉnh. Bà muốn người già cả neo đơn có được nơi chia sẻ tuổi già.
 
Chắc hẳn, tuổi càng xế chiều, bà Năm càng nghĩ ngợi hơn đối với người già cả neo đơn có nơi nương tựa. Khi công trình nhà dưỡng lão hoàn tất, cũng là lúc bà Năm đột ngột qua đời.
 
Những ngày gần đây, căn biệt thự nơi bà Năm sống đóng cửa im lìm. Phủ bên ngoài lớp rêu phong theo thời gian, chuyện bà Năm qua đời để lại khối tài sản lớn đã thu hút dư luận. Người ta khá ngỡ ngàng với cách sống bình dị của bà Năm không như một “đại gia” nhưng để lại số tài sản khá lớn.
 
Nếu trước đây, ở TP Đà Lạt, cụ bà Phạm Thị Hiền sống cuộc sống cô độc để lại 50 lượng vàng thì trường hợp bà Năm là tương tự. Nhưng, số gia sản của bà Năm để lại gấp nhiều lần hơn. Chuyện những người có cuộc sống bình dị, đến cuối đời để lại khối tài sản lớn không còn là hiếm.
 
Nhưng, kết cục về số tài sản đó sẽ được giải quyết như thế nào mới đáng để mọi người quan tâm và thu hút dư luận.
 
Đi tìm đoạn kết cho khối tài sản trong két sắt
 
Lê học xong cấp 3, bà Năm cho cô bé sang Đức tiếp tục du học. Chỉ mới học được 3 năm thì mẹ nuôi mất vào đầu năm 2011, Lê trở về nước chịu tang mẹ. Tang lễ của bà Năm người dân đi viếng rất đông.
 


Rất nhiều nhà kho và sân bãi của bà T.K.P đang được
cho thuê tại quận Tân Phú - TPHCM.

 
Nhiều tổ chức và những người từng được bà cưu mang đến tiễn biệt bà Năm lần cuối đông ngẹt đường. Anh em ở nước ngoài cũng có mặt để tiễn đưa bà lần cuối. Ngày đưa tang bà Năm, đoàn người và xe kéo thành hàng dài thẳng tắp.
 
Cả đời bà Năm gầy dựng sản nghiệp và chuyên làm việc thiện giúp đỡ người nghèo, đến cuối đời ít ai có thể quên. Mọi người đến viếng bà trong niềm thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của người phụ nữ đôn hậu.
 
Lo hậu sự cho bà Năm xong, người thân trong gia đình bắt đầu nghĩ đến việc mở 3 két sắt được cất kỹ trong phòng của bà. Khối tài sản của bà vẫn nằm im trong két sắt. Mọi người trong gia đình và cô con gái nuôi của bà Năm lục tung tất cả đồ đạc nhưng vẫn không thể tìm kiếm được di chúc.
 
Nhiều người trong gia tộc lờ mờ hiểu rằng, trước khi mất, rất có thể bà Năm đã để lại khối gia sản lớn. Cũng từ đó, Lê ở lại Việt Nam trông coi và tạm giữ khối tài sản trên. Trước đây, cô con gái nuôi có nghe loáng thoáng đến mật mã để mở tài khoản, nhưng nhớ hoài không thể nào biết chính xác.
 
Một năm sau, được sự đồng ý của Hội đồng gia tộc, con gái nuôi và người em trai của bà Năm đã đến Văn phòng Thừa phát lại để lập vi bằng xác nhận tình trạng của các két sắt. Đại diện hôm kiểm kê tài sản, cơ quan chức năng đã đến chứng kiến.
 
Dưới sự giám sát của luật sư, các cánh được hé mở. Hàng đống vàng thỏi, nữ trang, tiền mặt, kim cương và đá quý hiển hiện ngay trước mắt mọi người. Toàn bộ số tài sản lần lượt được kiểm đếm. Ngoài ra, 19 cuốn sổ tiết kiệm có tổng giá trị hàng triệu USD được kiểm kê.
 
Lượng vàng và tiền quá nhiều đến nỗi phải mất nhiều ngày sau đó mới có thể được xác định. Ước tính, bà Năm đã để lại số gia tài khoảng 1.000 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD.
 
Khi mở két sắt, Hội đồng gia tộc còn phát hiện thêm hàng chục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai, nhà xưởng đang được cho thuê trên địa bàn quận Tân Phú, tỉnh Bình Dương và Tây Ninh. Toàn bộ số tài sản trên được cô con gái nuôi và người em trai bà Năm mang gửi tại ngân hàng Sacombank từ tháng 3/2011.
 
Quá hạn, phía đại diện ngân hàng yêu cầu giải quyết dứt điểm số tài sản trên nhưng gia đình bà Năm vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cách xử lý. Từ ngày phát hiện bà Năm có khối tài sản lớn, cuộc sống của cô con gái nuôi trở nên khép kín hơn trước.
 
Đôi khi, bà con chòm xóm thấy Lê ra đường đều được các vệ sĩ hộ tống một cách cẩn thận. Những lúc đi khỏi nhà, các vệ sĩ luôn theo sát Lê để đảm bảo an toàn. Sau khi hộ tống cô gái lên xe, người tài xế điều khiển ô tô vòng vèo qua nhiều tuyến đường rồi nhanh chóng mất hút giữa dòng người qua lại.
 
Lúc sắp về, cánh cửa cổng gần như được mở hờ và có vệ sĩ bên trong chực chờ đón sẵn. Cô gái có dáng người cao gần 1,6 mét, nét mặt ưa nhìn đã phải sống khép kín trước ánh mắt của mọi người xung quanh.
 
Câu chuyện về cuộc sống của cô con nuôi được người dân thêu sống gần đó bàn tán xôm xao. Họ nói, ban đêm Lê ngủ, phía bên ngoài phòng phải có đến 2 vệ sĩ túc trực canh cửa. Những lúc cô gái ăn uống, thôi thì phải có người thử trước thức ăn chứ không nhỡ bị đầu độc.
 
Ở đầu đường, một chị trạc tuổi 40 còn thì thầm to nhỏ, trong căn biệt thự cũ kỹ đã ngã màu ấy, có đến 6 vệ sĩ đang ở bên trong cùng những chú chó béc-giê để bảo vệ cô chủ. Mà giả dụ, nếu có chuyện đó xảy ra đi nữa cũng là điều bình thường.
 
Một người mợ họ hàng xa của bà Năm cho rằng, nếu số tiền 1.000 tỷ được đưa ra làm từ thiện thì cô con gái nuôi này rất có thể trở thành chủ nhân của 12 miếng đất lớn nhỏ khác. Họ còn nhẩm tính, cứ mỗi tháng cho thuê những mảnh đất trên khoảng 50 triệu đồng thì hàng tháng cô Lê cũng thu được ngót ngét nửa tỷ đồng.
 
Gần đây, bà con họ hàng trong gia đình bà Năm có nghe thông tin, toàn bộ số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng có thể sẽ được làm từ thiện. Đây cũng là ước nguyện của bà Năm lúc sinh thời. Bà mong muốn tạo dựng được sự nghiệp và được giúp ích lại cho đời, cho người.
 
Nói không ngoa, số tiền trong phần gia sản trên của bà Năm được mang đi làm quỹ từ thiện là hoàn toàn có thể vì chỉ còn chờ sự đồng ý của 3 người anh em hiện đang sinh sống tại Đức. Xin được nói thêm 1 chữ “nếu” nữa, đây có thể là số tiền gây quỹ từ thiện lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.


Theo Phunutoday

Các tin cũ hơn