Ông Lương Văn Trường, Phó chủ tịch UBND xã Lử Thẩn (Si Ma Cai), cho biết, thời gian gần đây, nhiều người Trung Quốc chặn từ sớm ở các chợ hoặc đến tận nhà dân để thu mua xác tổ, ong đất. Mức giá những người này đưa ra dao động 300.000-500.000 đồng/kg. Một số người dân thấy được giá nên vào rừng tìm tổ của ong đất còn nhỏ về nhà nuôi. Ngoài mua xác tổ, thương lái còn mua những tổ ong người dân đang nuôi.
Ông Trường thông tin, ong đất làm tổ tự nhiên, xuất hiện nhiều ở các vùng núi Lào Cai. "Một tổ to bán được khoảng 3-5 triệu đồng nhưng chẳng bõ bởi nếu người nuôi bị một con đốt thôi có thể còn mất nhiều tiền hơn thế, thậm chí tử vong. Vì vậy, xã cũng đang khuyến cáo người dân nên cảnh giác loài ong này", ông nói.
Tổ ong đất nặng 30kg, đường kính 1,5m được bán cho Trung Quốc. Ảnh: Minh Châu. |
Ong đất là loại khá dữ nên không phải ai cũng sẵn sàng nuôi. Hiện tại, ở xã Lử Thẩn, chỉ vài hộ gia đình nuôi loại này. Người nuôi phải có kỹ thuật cao mới tránh được tình trạng bị thương do ong đốt.
Anh Giàng Seo Lù (xã Mản Thẩn) vừa bán tổ ong nặng 30kg, đường kính 1,5m cho một thương lái Trung Quốc. Tổ ong này đã được anh bắt về nuôi từ lúc nặng 3kg. Sau 4 tháng, tổ phát triển hơn 30kg. Anh cho hay nếu ở dạng tự nhiên, tổ có thể lên tới 35-40kg song loại này không nhiều. Thông thường mỗi tổ chỉ nặng trung bình 10-15kg.
"Đặc tính loài ong đất là có thể tấn công bất cứ đối tượng nào xâm phạm tổ của nó. Vì thế, khi lấy về, chúng tôi thường đặt tổ cách xa nhà, rào chắn bằng cây gai. Tránh tình trạng bị đốt đột ngột, tôi thường quan sát từ xa và cần mặc áo mưa bảo hộ khi đến gần", anh Lù chia sẻ.
Bất chấp nguy hiểm, nhiều người dân vào rừng tìm tổ ong đất về nuôi để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Minh Châu. |
Theo anh Lù, việc thu hoạch loại này cũng phải cẩn trọng. Thông thường, người nuôi sẽ đốt chết hết ong già hoặc bắt từng con cho đến hết mới lấy tổ. Điều đặc biệt, chỉ cần bắt được con ong chúa là cả đàn sẽ bỏ đi. Song, người nuôi thường bắt loại này cuối cùng vì những con ong lớn trong tổ được bán với giá 5.000 đồng một con.
Theo người dân địa phương, loại ong này thường không thể gây giống được bởi chúng mang tính bầy đàn, khó gây đàn khi thiếu ong chúa.
Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn (Si Ma Cai, Lào Cai) Giàng Seo Châu cho biết, cuối thu và đầu đông là thời điểm nhiều nhộng nhất. Vì vậy, thương lái Trung Quốc sang mua rất đông. Ngoài canh ở các chợ, những người này còn tìm tới tận nhà dân để thu mua.
Thương lái thu mua ong lớn với giá 5.000 đồng một con. Ảnh: Minh Châu. |
Người Trung Quốc thường đi theo dạng nhập cảnh giao thương, hoặc "đi chui" dưới hình thức thăm người thân. Họ mua cả xác ong đất và con lớn.
Theo thông tin từ một số thương lái, nhộng trong tổ ong sẽ được đem về Trung Quốc bán cho đại gia với giá 500 nhân dân tệ/kg (gần 1,8 triệu đồng). Ong mẹ được mua với giá 5.000 đồng một con để ngâm rượu thuốc.
Ông Châu cho biết, 1kg tổ ong thường có 8-9 lạng nhộng. Với giá đắt như vậy, dân bản địa không có tiền để mua. Vì thế, hầu hết ong nuôi đều được bán cho Trung Quốc.
"Trước đây, khi thương lái Trung Quốc chưa thu mua, người dân tìm thấy tổ thường bắt lấy nhộng đem về ăn. Song, gần đây, tổ ong được lùng mua với giá cao nên dân đem bán hết lấy tiền tiêu", ông cho hay.
Theo Zing