Sắp tới, sẽ có thêm 64 tấn xoài tiếp tục được xuất sang nước này. Đây là tín hiệu hết sức lạc quan cho quả xoài Việt ở xứ sở mặt trời mọc.
Thông tin này đã được ông Nguyễn Xuân Hồng (ảnh), Cục trưởng Cục BVTV cho biết trong cuộc trao đổi với NNVN về triển vọng của xoài Việt Nam tại thị trường Nhật.
Theo ông Hồng, ngay sau khi Nhật Bản và Việt Nam đạt được thỏa thuận về việc cho phép xoài Việt Nam XK sang Nhật kể từ ngày 17/9/2015, thời gian qua, đã có tổng cộng 3 lô xoài được XK thí điểm sang Nhật bằng đường hàng không với tổng sản lượng 2 tấn.
Ông Nguyễn Xuân Hồng , Cục trưởng Cục BVTV |
Mới đây, ông có nói xoài Việt Nam tại Nhật sẽ phải cạnh tranh với xoài của nhiều nước khác, nhất là với xoài Thái Lan. Vậy tình hình những lô xoài đầu tiên của ta ở Nhật ra sao thưa ông?
Ngay sau khi 2 Cty Yasaka (Bình Dương) và Cty Good Life (TP.HCM) đưa xoài sang Nhật, các DN này cũng đã tổ chức các sự kiện quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị. Thông tin ban đầu cho thấy xoài Việt Nam tiêu thụ rất tốt, được người tiêu dùng Nhật rất ưa thích, bán giá cao.
Cụ thể giá xoài giao cho đơn vị phân phối tại Nhật là từ 7,5 – 8 USD/kg, đơn giá này cao hơn cả xoài Thái Lan (hiện trung bình chỉ khoảng 5 USD/kg). Có thể nói giống xoài Cát Chu của Việt Nam hiện nay được đánh giá là có chất lượng hàng đầu thế giới.
Tại các siêu thị ở Nhật, xoài Việt Nam được họ bán theo quả với giá khoảng 7,5 – 8 USD/quả (trọng lượng trung bình khoảng 3 quả/kg). Điều này cho thấy giá trị XK xoài sang Nhật là vô cùng cao.
Với tín hiệu tốt này, hiện tại, cùng với 2 Cty Yasaka và Good Life, Cty TNHH Hoàng Phát Fruit cũng đã lên kế hoạch XK xoài sang Nhật thời gian tới. Cả 3 Cty này đã có kế hoạch sẽ XK sang Nhật tổng cộng 6 lô hàng, với tổng sản lượng 64 tấn, trong đó có 4 lô sẽ được XK sang đường biển và 2 lô XK bằng đường hàng không.
Vừa qua, Cty Yasaka và Good Life cũng đã có thư cảm ơn Cục BVTV vì đã tạo điều kiện, hướng dẫn tháo gỡ thủ tục về KDTV giúp các lô xoài XK sang Nhật thuận lợi nhất.
Quy trình KDTV đối với xoài XK sang Nhật hiện còn có vướng mắc gì nữa không thưa ông?
Có thể nói mọi thủ tục, quy trình KDTV cho xoài XK sang Nhật đến thời điểm này đã vận hành tốt. Cả 3 đơn vị XK đều có hệ thống xử lý hơi nước nóng đáp ứng yêu cầu của Nhật. Các lô hàng trong quá trình xử lý KDTV đều có sự phối hợp giám sát của chuyên gia Nhật ngay tại các DN nên mọi thủ tục thông quan được diễn ra rất nhanh chóng.
Kiểm dịch viên kiểm tra chất lượng xoài xuất sang Nhật |
Một lợi thế của chúng ta khi XK xoài sang Nhật đó là khoảng cách ngắn, nếu đi đường hàng không từ TP.HCM chỉ mất hơn 5h, nếu đi bằng đường biển, tính từ nhà vườn tới siêu thị tại Nhật cũng chỉ mất dưới một tuần. Quãng thời gian này vừa để giúp xoài chuyển từ xanh sang chín trong quá trình vận chuyển, nhưng vẫn giữ được độ tươi ngon khi tới tay người tiêu dùng tại Nhật. Vì vậy thời gian tới, việc XK số lượng lớn sẽ được các DN vận chuyển chủ yếu bằng đường biển nhờ cước vận chuyển thấp.
Nhiều loại rau, hoa quả của Việt Nam từng không ít lần dính vi phạm về điều kiện ATTP tại các thị trường lớn như EU, Mỹ. Với một thị trường ngặt nghèo như Nhật, ông đánh giá thế nào về nguy cơ này?
Đúng là mở được thị trường đã khó, giữ được thị trường còn khó hơn. Tuy nhiên đối với xoài của Việt Nam XK sang Nhật, tôi đánh giá khá yên tâm về điều này.
Bởi thứ nhất, chúng ta có lợi thế là đã có kinh nghiệm xây dựng vùng xoài nguyên liệu tại phía Nam để XK sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Newzeland suốt từ năm 2008 đến nay chứ không phải bây giờ mới làm.
Đến nay, ước khoảng 50% diện tích vùng xoài lớn tại ĐBSCL và Đông Nam bộ đều đã được xây dựng SX theo VietGAP, được Cục BVTV cấp mã số vùng trồng, nông dân đã tương đối có kinh nghiệm và chấp hành quy trình SX theo VietGAP rất tốt, nhất là sử dụng thuốc BVTV.
Thứ hai, các Cty tham gia XK xoài sang Nhật đều là các DN có kinh nghiệm và quan hệ thương mại rất tốt ở thị trường Nhật. Họ có hẳn đội ngũ chuyên gia người Nhật rất uy tín, am hiểu cặn kẽ quy định ATTP của Nhật và đã tiến hành chặt chẽ tất cả các khâu tiền kiểm tra, lựa chọn vùng trồng; giám sát kỹ thuật, thu hoạch, đóng gói, xử lí xông hơi chiếu xạ…
Hiện tại, các vùng xoài XK đi Nhật còn phải bắt buộc tiến hành biện pháp bọc quả trong thời gian nhất định trước ngày thu hoạch, sau đó còn phải trải qua khâu sàng lọc tuyển chọn bằng nhiều thiết bị kỹ thuật, đặc biệt là thiết bị “mắt thần” để sàng lọc ra quả không đạt tiêu chuẩn về kích cỡ, chất lượng… Vì vậy xoài XK sang Nhật đều tăm tắp, chín đồng loạt rất đẹp, chứ không lộ cộ như tiêu thụ trong nước.
Có thể nói việc kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc BVTV hay các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP đối với xoài XK sang Nhật như vậy là rất chặt chẽ. Đối với những nhóm hàng hóa được kiểm tra ngay tại gốc theo dạng này, cơ quan chức năng của Nhật cũng sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi, không yêu cầu phải kiểm tra quá nhiều.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta cứ thế buông lỏng cho DN. Giải pháp nào thời gian tới để chúng ta ổn định nguyên liệu trong nước thưa ông?
Cục BVTV đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan BVTV trực thuộc và đề nghị các địa phương tham gia rất rốt ráo trong vấn đề này, nhất là cùng hệ thống khuyến nông, BVTV cơ sở giám sát, hướng dẫn SX theo GAP. Tuy nhiên, điểm yếu nhất của chúng ta hiện nay đó là vẫn chưa hình thành được các HTX đủ mạnh để liên kết với DN, đồng thời xây dựng vùng xoài nguyên liệu phục vụ XK, mà mới chỉ dừng lại ở các nhóm liên kết hộ.
Thời gian tới, các địa phương cần phải xây dựng cho được các HTX. HTX ấy có thể chỉ chuyên về trồng xoài XK sang Nhật mà thôi, không làm thêm cái gì nữa. Bởi chỉ cần làm tốt, như hiện tại giá xoài DN mua XK sang Nhật đã cao hơn thị trường ít nhất gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi rồi. Xa hơn, có thể còn phải gắn thêm với làm du lịch nhà vườn, tổ chức tham quan, làm truyền thông, quảng bá sản phẩm nữa.
Ngoài xoài vừa XK đi Nhật, từ nay đến cuối năm, những loại hoa quả nào sẽ được tập trung mở cửa thị trường thưa ông?
Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục BVTV trong năm nay, trọng tâm sẽ tiếp tục đàm phán, mở cửa thêm các loại hoa quả sang một số thị trường trọng điểm gồm: đàm phán mở cửa cho xoài XK sang Úc; thanh long XK sang Đài Loan; chôm chôm XK sang Newzeland; vú sữa và xoài sang Mỹ; thanh long ruột đỏ và vải thiều sang Nhật… Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến các quy định, thủ tục để kêu gọi các DN vào cuộc.
Một tin vui tại phía Bắc đó là ngay sau vụ vải thiều 2015, vừa qua đã có 4 – 5 DN tại phía Bắc liên hệ đăng ký để chuẩn bị cho XK vải thiều sang các nước trong niên vụ 2016. Cục BVTV đang phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn thủ tục cho các DN này.
Hiện NM chiếu xạ Hà Nội cũng đã nâng cấp xong dây chuyền chiếu xạ, nhà xưởng… Viện Năng lượng Nguyên tử (Bộ KH-CN) đã hứa chậm nhất quý I/2016, sẽ hoàn tất để đưa Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội đủ tiêu chuẩn vận hành chiếu xạ cho hoa quả phục vụ XK tại khu vực phía Bắc.
Thời gian tới, Cục sẽ lập kế hoạch mời cơ quan KDTV của Mỹ và Úc sang kiểm tra công nhận cơ sở chiếu xạ này để đưa vào vận hành trong năm 2016.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông nghiệp Việt Nam