Dệt may đang là ngành hàng hưởng lợi lớn từ TPP. |
Long An, Việt Nam – một tỉnh chuyên trồng dứa và xoài phía Nam TP Hồ Chí Minh, được đánh giá là nơi tuyệt vời để minh chứng cho sự ảnh hưởng của làn sóng thương mại toàn cầu.
Hiện tại, hàng loạt các nhà máy lớn đã được xây dựng tại đây để gia công hàng hóa cho những thương hiệu từ phương Tây, đơn cử như hãng sản xuất đồ thể thao Nike. Các doanh nghiệp này coi lực lượng lao động trẻ tuổi và chi phí nhân công tại Việt Nam chỉ bằng một nửa tại Trung Quốc như một lợi thế hàng đầu thúc đẩy họ chuyển các công xưởng của mình tới đây.
Vốn là một tỉnh nông nghiệp, nằm gần thành phố đông dân nhất của Việt Nam, Long An giờ đây mọc lên những khu công nghiệp lớn, với năng suất lao động cũng như vốn đầu tư ngày càng tăng. Tính tới tháng 5, Long An đã thu hút được 3,67 tỷ USD vốn đầu tư từ nước ngoài, trong đó ngành may mặc và dệt may chiếm khoảng 40%.
Các nhà kinh tế nhận định sự tăng trưởng này thậm chí có thể tốt hơn nữa nếu Mỹ và 11 quốc gia thuộc Pacific Rim (vành đai Thái Bình Dương) phê chuẩn các điều khoản trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một thỏa thuận thương mại mới kết thúc đàm phán hồi đầu tháng này.
Theo dự kiến, TPP sẽ giúp loại bỏ một số hàng rào thuế quan nhất định giữa các thành viên, chủ yếu mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia đang phát triển như Việt Nam và Malaysia – các nền kinh tế có mức tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.
Các hiệp định thương mại sẽ "vô cùng tuyệt vời nếu trở thành hiện thực", dẫn lời ông Frank Smigelski, phó chủ tịch của Avery Dennison Corp và là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới chuyên cung cấp nhãn mác quần áo. Trong tháng 7, công ty có trụ sở tại Glendale, Calif này đã xây dựng một cơ sở sản xuất rộng 3 hécta tại Long An, nhằm sản xuất và in ấn nhãn mác cho thương hiệu quần áo Uniqlo của Nhật Bản, hay thương hiệu quần áo thể thao dành cho các hoạt động ngoài trời North Face.
Chi phí nhân công, lượng vốn FDI và kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam |
TPP "sẽ khuyến khích các nhà sản xuất hàng may mặc tăng mức sản lượng tại đây," ông Smigelski nói. "Họ càng đến nhiều, chúng tôi càng có lợi."
Tiền lương tăng vọt và tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc được cho là một trong những lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn. Tăng trưởng của Việt Nam đã được cải thiện từ những năm 1980 khi chính phủ quyết định cải cách nền kinh tế theo hướng thị trường.
Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 12,4 tỷ USD, tăng gần 25% so với năm 2009. Một trong những nhà đầu tư lớn nhất là Samsung Electronics Co. của Hàn Quốc, công ty này thậm chí đang có kế hoạch tăng gấp đôi số vốn đầu tư hiện tại ở mức 4,5 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử nội địa.
Nếu thỏa thuận thương mại được thông qua, nền kinh tế của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất bởi các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tiếp cận được các thị trường tiêu dùng lớn trên thế giới, theo nhận định của Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington.
“Thỏa thuận này sẽ cho phép các quốc gia thành viên được giao dịch thương mại quốc tế với Mỹ và Nhật Bản, với mức thuế quan giảm đi cùng các quy định ngặt nghèo khác", Chris Clague, chuyên gia tư vấn cao cấp của Economist Intelligence Unit cho biết.
Chính phủ Việt Nam ước tính TPP có thể thúc đẩy nền kinh tế và mang đến cho Việt Nam 33,5 tỷ USD trong thập kỷ tới, chiếm khoảng 20% GDP hiện nay. Xuất khẩu hàng may mặc và giày dép sẽ là một trong những ngành chủ chốt do được hưởng lợi nhiều nhất nhờ TPP. “May mặc có thể tăng đến 46% lên mức 165 tỷ USD vào năm 2025 khi các mức thuế quan dần giảm xuống bằng 0”, theo nghiên cứu của Viện Peterson.
Luồng tiền đổ vào các nền kinh tế khu vực Đông Nam Á có khả năng biến Việt Nam trở thành một trong hai nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới từ nay đến 2050, cùng với Nigeria, nếu các hạn chế trong thương mại tự do được gỡ bỏ, theo báo cáo của công ty PricewaterhouseCoopers.
Tại tỉnh Long An, nhà máy sản xuất 3 tầng của Avery Dennison nằm trong khu công nghiệp ngập tràn các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, đang tăng tốc năng suất để chuẩn bị cho một sự tăng trưởng đột biến trong các đơn đặt hàng về nhãn mác của các mặt hàng may mặc.
Hàng chục ngôi nhà bê tông cho các công nhân của nhà máy mọc lên giữa đám cỏ dại cao, khuất lấp cả một khu vực là một minh chứng rõ rệt cho sự đổ bộ của các thương hiệu lớn vào đây.
“Tỉnh Long An nên cấp quyền sử dụng đất cho nhiều nhà máy hơn nữa đến năm 2020, bởi công ty sẽ xem xét việc mở rộng quy mô sản xuất để phục vụ cho các đơn hàng với số lượng ngày càng tăng”, ông Smigelski nói.
Sự tăng trưởng của các nhà máy sản xuất nói riêng hay ngành công nghiệp may mặc tại Việt Nam nói chung sẽ phụ thuộc vào những điều khoản cuối cùng của TPP.
Nhiều nhà phân tích mong đợi thỏa thuận này sẽ giúp các nguyên liệu thô và sản phẩm may mặc hoàn thiện từ các nước thành viên có đủ điều kiện được gỡ bỏ thuế quan, điều được các nhà sản xuất của Mỹ ủng hộ.
Điều khoản này sẽ khiến các nhà sản xuất phải tìm cách giải quyết bởi Việt Nam hiện nay gần như nhập khẩu hoàn toàn sợi vải từ Trung Quốc và các quốc gia khác không nằm trong TPP. Về lâu dài, việc này có thể thúc đẩy các doanh nghiệp may mặc nội địa phát triển hơn khi các nguyên liệu thô giờ đây phải được sản xuất trong nước như quy định, ông Smigelski cho biết.
Nhà máy Avery Dennison gia công tại Việt Nam đã bắt đầu áp dụng công nghệ sản xuất tân tiến hơn ở Việt Nam, như việc sử dụng các khung dệt cỡ lớn để sản xuất mũ và giày của Nike. Các máy móc sản xuất khác cũng được trang bị tốt hơn nhằm tạo ra những sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn của hãng.
Người lao động Việt Nam có tay nghề ngày càng cao, tăng lên theo cấp số nhân mỗi năm, và hoàn toàn có thể gia công được những sản phẩm đòi hỏi những kỹ năng và tiêu chuẩn phức tạp.
"Nếu như Trung Quốc cần tới 30 năm thì Việt Nam chỉ cần 10 năm thôi", ông Smigelski khẳng định, “đó là lý do tại sao ngày càng nhiều công ty muốn thâm nhập vào Việt Nam đến vậy.”
Theo Tri Thức Trẻ