Cuộc chiến mua mía khốc liệt ở ĐBSCL

Thứ năm, 12/11/2015, 09:56
“Cuộc chiến” tranh giành mua mía căng thẳng đến mức có doanh nghiệp phải năn nỉ doanh nghiệp khác đừng đến địa bàn của mình mua mía.

Giá mía tại ĐBSCL đang nhích dần lên. Ngày 10/11, tại Sóc Trăng và Hậu Giang thương lái mua mía với giá 1.000-1.200 đồng/kg, tăng khoảng 200 đồng/kg so với hồi đầu vụ.

“Với giá mía như hiện nay, nông dân đạt lợi nhuận tối thiểu là 30 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Thế Tự, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, nhận định.

“Xin đừng tranh mua với chúng tôi”

Nhưng điều trớ trêu là khi giá mía tăng thì lại không có mía để mua. Do thiếu mía nguyên liệu nên các nhà máy phải tranh giành nhau thu mua mía, đẩy giá lên cao nhằm gom đủ nguyên liệu phục vụ chế biến đường.

Cuộc chiến tranh giành mua mía căng thẳng đến mức có doanh nghiệp (DN) phải lên tiếng năn nỉ các DN khác đừng tranh mua mía với mình nữa. Thậm chí đã xuất hiện tình trạng “bao chắn - xí phần” vùng nguyên liệu tại địa bàn của một số nhà máy, thu mua cả mía non.

“Diện tích trồng mía nguyên liệu ở Cà Mau giảm 50% trong vòng một năm qua, từ 1.400ha giảm còn 700ha. Nếu các nhà máy đường ở nơi khác đến Cà Mau mua mía thì nhà máy đường ở địa phương sẽ thiếu nguyên liệu. Vì vậy rất mong các nhà máy trong vùng đừng đến đây tranh mua với chúng tôi”, ông Vưu Văn Út, Giám đốc Xí nghiệp đường Cà Mau, nói như van nài.

Ông Út cho biết thêm năm nào nhà máy sản xuất cũng lỗ. “Bản thân tôi thấy quê và xấu hổ, không dám đi họp… ngành mía đường!”, ông Út tâm sự. Đây cũng là thực trạng chung của không ít nhà máy đường trong vài năm trở lại đây.

Nông dân ở Hậu Giang thu hoạch mía.

Mạnh ai nấy làm

Câu hỏi đặt ra là vì sao thiếu mía để chế biến đường? Vì sao các nhà máy lỗ? Câu trả lời là liên tiếp trong ba năm qua, giá mía nguyên liệu rất thấp, chỉ dao động quanh mức 700-800 đồng/kg. Với mức giá này, nông dân chỉ huề vốn hoặc thua lỗ nên họ đành phá bỏ mía để trồng cam hoặc chăn nuôi thủy sản.

Để có vùng nguyên liệu ổn định, các DN phải liên kết với nông dân trồng mía. Rất tiếc các hợp đồng bao tiêu thu mua mía lâu nay giữa DN và nông dân chỉ là “hình thức”, chưa có ràng buộc pháp lý nên mạnh ai nấy đi.

Hệ quả là mía có lúc thừa bán chẳng ai mua, phải chặt bỏ, lúc lại thiếu. “Thực tế các nhà máy đường chưa quan tâm đến việc chia sẻ lợi ích với nông dân khi giá cao, lúc giá xuống thì lại dồn gánh nặng hết lên vai nông dân” - một chuyên gia bình luận.

Nhiều năm nay các nhà máy đường cũng gặp khó khăn, thua lỗ do công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, giá thành cao, không có vùng nguyên liệu ổn định. Theo một số chuyên gia, người dùng trong nước thường phải mua đường với giá đắt hơn 3.000-5.000 đồng/kg so với giá đường thế giới.

Thậm chí có thời điểm người Việt phải mua đường với giá cao gấp rưỡi, gấp đôi so với giá thế giới. Điều này lý giải vì sao đường Việt không cạnh tranh nổi trước đường nhập khẩu và đường lậu Thái Lan, dẫn đến thua lỗ.

Soi lại mình

Khi diện tích mía nguyên liệu teo tóp, các nhà máy đường mới bừng tỉnh đẩy giá thu mua nhằm níu kéo nông dân trồng mía trở lại. Song thực tế cho thấy những nông dân còn trồng mía hiện nay phần lớn do chẳng biết phải chuyển đổi sang trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả hơn.

“Cuộc cạnh tranh mua mía đang khốc liệt. Chẳng nhà máy đường nào dám hạ giá mua mía bởi mía còn bao nhiêu đâu mà hạ giá. Tuy nhiên, các nhà máy đường không nên vì thế mà làm khó nhau bằng cách bắt các nhà máy đường nơi khác đến mua mía phải “đăng ký”, lãnh đạo một nhà máy đường ở Long An than thở.

Để giải quyết bế tắc, ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng: “Có lẽ đây là thời điểm để các nhà máy đường soi lại chính mình và hợp lực để cùng nông dân trồng mía tồn tại và phát triển vùng nguyên liệu ổn định, tăng chất lượng đường và năng suất mía”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang nói: “Hiện tại giá thành sản xuất mía của nông dân trên 700 đồng/kg. Chúng tôi đưa ra nhiều biện pháp để giúp nông dân hạ giá thành sản xuất xuống còn khoảng 500 đồng/kg. Nếu làm được điều này thì với giá mía bán hiện khoảng 1.000 đồng/kg, nông dân có thể tăng gấp hai lợi nhuận”.

Cũng theo ông Đồng, nếu không quyết liệt đầu tư cho vùng mía nguyên liệu, cứ duy trì tình trạng mạnh ai nấy sống như hiện nay thì cây mía sẽ biến mất.

Một số ý kiến khác thì đề xuất để ngành đường có thể “lớn lên”, Nhà nước cần xóa bỏ bảo hộ như hàng rào thuế quan, lãi suất ưu đãi, hạn chế nhập đường… Nếu không xóa bỏ bảo hộ thì ngành này sẽ luôn trong tâm thế ỷ lại, không chịu đổi mới để cạnh tranh và hội nhập.

Gắn camera giám sát việc mua mía

Niên vụ mía 2015-2016, lần đầu tiên ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đưa các thiết bị đo chữ đường đến tận ruộng mía để hỗ trợ cho nông dân. Cụ thể, ngành nông nghiệp lấy tổng độ đường ở gốc và giữa thân cây mía sau đó chia ra trung bình để có độ đường chuẩn. Từ đó giúp nông dân xác định chính xác chữ đường để quyết định việc thu hoạch, bán sản phẩm.

Bên cạnh đó, một số DN cũng tăng cường tính minh bạch trong việc thu mua mía của nông dân. Chẳng hạn Công ty Mía đường Cần Thơ trang bị bốn camera cùng màn hình hiển thị việc cân đo chữ đường, mua mía. Qua đó nông dân có thể giám sát quá trình cân đo mía, tránh bị gian lận.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết diện tích mía niên vụ mía 2015-2016 ở vùng ĐBSCL chỉ còn 41.880ha, giảm hơn 6.000ha so với vụ rồi. Song nhiều DN cho rằng trên thực tế diện tích mía giảm nhiều hơn con số trên.

Theo Zing

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn