Bữa ăn gia đình như một bữa ăn “liên hiệp quốc” với đủ xuất xứ thực phẩm. Những bữa ăn mua thực phẩm từ người quen, từ các cửa hàng treo bảng thực phẩm sạch đang trở nên quen thuộc tại các đô thị như Hà Nội, TP.HCM.
"Các thực phẩm được công bố tiêu chuẩn chất lượng, được bày bán ở những cơ sở bảo đảm vệ sinh là đáng tin cậy. Tuy nhiên có thể có rủi ro, như cơ sở bán rau an toàn có lúc trà trộn sản phẩm không an toàn vào"
Ông NGUYỄN THANH PHONG (cục trưởng Cục An toàn thực phẩm)
Mua bằng niềm tin
Hơn một năm nay, gia đình chị Nguyễn Thị Lan - một công chức sống ở quận Cầu Giấy, Hà Nội - đã thử mua đủ thứ thực phẩm qua nhiều nguồn vì không biết loại nào là sạch. Ban đầu, chị đặt mua thịt heo được quảng cáo là heo của người dân tộc nuôi, không cho ăn cám tăng trọng.
Một lần chị Lan mua 3kg thịt và xương dành ăn cả tuần, nhưng khi đem thịt ra chế biến thì chồng chị chê thịt có mùi hôi, chị đành phải bỏ cả chỗ thịt gần 500.000 đồng vào sọt rác.
Không mua thịt “dân dã”, chị quay lại cửa hàng có biển thịt sạch ở chợ gần nhà. Tuy nhiên mua ba rọi về rang cháy cạnh thì ba rọi không ra mỡ.
“Ra chợ mua cửa hàng thịt bình thường, cả cô bán thịt heo nói ngay nhà cô ấy phải nấu nước sôi chần thịt rồi mới chế biến, kể cả nội tạng cũng phải chần, nếu không chần thì nước nấu thịt có mùi hôi”- chị Lan hoang mang kể.
Trong khi đó, tại TP.HCM, một số cửa hàng bán thực phẩm được quảng cáo là sạch thường thu hút khách hàng là người có thu nhập trung bình khá bởi giá cả của các loại thực phẩm này không rẻ.
Sáng 11-11, trước cửa hàng V ở đường Hai Bà Trưng, Q.1, TP.HCM, nhiều phụ nữ đi ôtô đến cửa hàng này mua rau và các loại thực phẩm khác. Chị T.N.Đ., 40 tuổi, ở Q.7, đến mua thực phẩm vì tiện đường đón con đi học về.
Chị Đ. băn khoăn tuy giá ở đây mắc nhưng chị vẫn chưa an tâm thực phẩm này có sạch không! Song vẫn chọn mua vì khi nấu, chị thấy chất lượng ngon hơn thực phẩm mua ở bên ngoài. Hay như chị N.T.H., 35 tuổi, ở Q.1, chọn thực phẩm ở cửa hàng này vì nghĩ nhà có trẻ em nên càng phải chọn thực phẩm kỹ.
Tại cửa hàng này giá súp lơ xanh 75.000 đồng/kg, cải bó xôi 70.000 đồng/kg... Đây là những mức giá cao hơn các loại rau xanh cùng loại được bán ở chợ, siêu thị.
Cũng với tâm lý lo lắng về nguồn thực phẩm không an toàn, nhiều người "nhờ" người quen, dịch vụ đặt mua cả trái cây, sữa “xách tay” từ nước ngoài.
Đầu tư làm thực phẩm sạch
Theo quy định, chỉ những sản phẩm đảm bảo an toàn mới được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào một bó rau ngoài chợ cũng có thể được kiểm soát có an toàn không ngoài những đợt kiểm tra định kỳ.
Vì vậy, người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách tự trồng rau tại nhà. Một số khác tự bảo vệ mình khi đi chợ bằng cách mua các thiết bị kiểm tra nhanh hàm lượng phân bón hóa học trong thực phẩm để phòng tránh.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây chỉ là biện pháp tình thế và lãng phí. Quan trọng và hiệu quả nhất là kiểm soát tại nguồn sản xuất thông qua quy trình, chỉ những sản phẩm đảm bảo chất lượng mới được đưa ra thị trường.
Đến nay, tiêu chuẩn thực phẩm an toàn phổ biến nhất vẫn là VietGAP (tiêu chuẩn thực hành tốt nông nghiệp theo tiêu chuẩn VN). Nhưng theo đánh giá của Cục Trồng trọt, đến nay diện tích các loại rau, củ, quả của VN đạt chứng nhận này vẫn chưa đạt 5% tổng diện tích canh tác.
Theo GS Nguyễn Quốc Vọng - Đại học RMIT (Úc), tiêu chuẩn VietGAP triển khai nhiều năm nhưng diện tích áp dụng còn rất hạn chế. Tiêu chuẩn này quá phức tạp với trình độ sản xuất của nông dân VN và có nhiều yêu cầu không cần thiết nếu chỉ tiêu dùng trong nước.
Ngược lại, với các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu thì tiêu chuẩn này không đáp ứng được nhu cầu. Do đó nảy sinh tình trạng rau VietGAP sản xuất ra bán bằng giá với rau thường và không thể xuất khẩu vì khách hàng không chấp nhận tiêu chuẩn này.
Để xuất khẩu vào thị trường khó tính và nhu cầu của khách hàng cao cấp tại VN, một số đơn vị đầu tư quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn toàn cầu như Global GAP hay Organic (tiêu chuẩn hữu cơ).
Hào hứng với việc cung ứng thực phẩm sạch, ông Võ Minh Khải - giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau), đơn vị sản xuất gạo hữu cơ đầu tiên tại VN - cho hay không chỉ trên thế giới mà tại VN nhu cầu dùng thực phẩm chất lượng cao ngày một tăng lên.
Vấn đề là nhà nước cần có khung pháp lý phân loại những nhà sản xuất làm theo những tiêu chuẩn sạch thật sự và các nhà sản xuất “ăn theo”.
Ở VN ai cũng có thể tự gọi sản phẩm của mình là hữu cơ. Điều này không chỉ thiệt thòi cho các nhà sản xuất thật sự mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Nói về tình hình thực phẩm sạch đang có mặt trên thị trường, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết từ năm 2013 đến nay có 73 doanh nghiệp, cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi thực phẩm an toàn với tổng sản lượng thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường đạt 37.418 tấn/năm.
Đã có những sản phẩm của chuỗi có mặt tại siêu thị, các cửa hàng, tuy nhiên hiện nay thị phần thực phẩm theo chuỗi chưa nhiều.
Các sản phẩm gồm rau quả (TP.HCM, Lâm Đồng), trà (Lâm Đồng), thủy sản (TP.HCM, Hậu Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp), nước mắm (Phú Quốc - Kiên Giang), thịt gà (Đồng Nai, Bình Dương), thịt heo (Củ Chi - TP.HCM, Đồng Nai), trứng gà (Đồng Nai, Bình Dương).
Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã cho phép các sản phẩm tham gia chuỗi sử dụng logo để người tiêu dùng nhận biết. Đồng thời trong một cuộc họp gần đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã yêu cầu các siêu thị mở rộng cửa cho các sản phẩm vô chuỗi vào siêu thị.
"Không đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng"
Trao đổi về câu chuyện thực phẩm sạch, ông Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho rằng thực phẩm được cơ quan nhà nước chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt hoặc rau an toàn là chứng nhận đáng tin cậy. Các thực phẩm đã được công bố tiêu chuẩn chất lượng, được bày bán ở những cơ sở bảo đảm vệ sinh là đáng tin cậy.
Tuy nhiên có thể có rủi ro, như cơ sở bán rau an toàn có lúc trà trộn sản phẩm không an toàn vào. Như năm 2014 đã có công ty rau an toàn bị phát hiện mua rau ngoài chợ về dán mác công ty mình vào rồi cung cấp cho siêu thị. Điều đó đã làm mất lòng tin của người dân.
Nhận định về hiện trạng còn vàng thau lẫn lộn như hiện nay, ông Phong nói: "Hiện cả nước có 11 triệu hộ sản xuất kinh doanh liên quan đến thực phẩm, cơ quan nhà nước có ba đầu sáu tay cũng không thể phát hiện được hết các vi phạm. Nếu người dân phát hiện, báo tin thực phẩm bẩn cho cơ quan chức năng thì việc xử phạt sẽ được nhiều hơn.
Nói như vậy không phải chúng tôi đẩy trách nhiệm cho người tiêu dùng, vì cơ quan chức năng bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm chính".
Ông Phong cũng nhận định muốn chứng nhận VietGAP chi phí tới 1.000 - 2.000 USD, như vậy là quá cao so với mặt bằng chung của các hộ sản xuất nông nghiệp ở nước ta có đặc thù là sản xuất nhỏ.
Nếu sản xuất nhỏ mà chi phí chứng nhận cao thì các hộ sẽ e ngại, mà nếu làm thì cũng sợ lẫn lộn với các sản phẩm khác hiện đang tự phong là sạch trên thị trường.
Rau an toàn khác rau hữu cơ Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), hiện hoạt động chứng nhận rau an toàn đã được phân cấp cho các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn địa phương. Rau an toàn được hiểu là rau không có dư lượng hóa chất, kim loại, ký sinh trùng vượt ngưỡng và không tồn dư nitrat có trong phân bón. Cũng theo ông Hồng, các địa phương đã cấp các chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn, cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và hướng dẫn với các hộ nhỏ lẻ. Trong khi đó, rau hữu cơ (hay còn gọi là rau organic) là loại rau canh tác hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học, hóa chất kích thích sinh trưởng, thuốc diệt cỏ, giống biến đổi gen trong quá trình nuôi trồng. Đây là điểm phân biệt với rau an toàn (cho phép sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng có giới hạn và yêu cầu dư lượng không vượt ngưỡng). |
Nỗi sợ “chết vì ăn” Ở Bệnh viện K, chúng tôi gặp ông Vũ Trọng Hùng (53 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) bị ung thư đại tràng giai đoạn một hiện đang điều trị tại khoa nội. Ông Hùng cho biết do làm nghề lái xe đường dài nên ông quen cơm hàng cháo chợ. “Tôi không thích ăn rau, uống ít nước và thường xuyên ăn uống không đúng giờ. Sau này bác sĩ nói mới biết ăn ít rau, ăn nhiều thịt, mỡ là yếu tố liên quan tới bệnh ung thư” - ông Hùng kể. Giống như ông Hùng, ông Phạm Đình Nhã (59 tuổi, ở Thái Nguyên, làm nghề xây dựng cầu đường) vài năm trước có các triệu chứng bất thường, khi đi khám được xác định bị ung thư trực tràng giai đoạn hai. Ông Nhã rầu rĩ: “Rau, thịt đâu đâu cũng tồn dư hóa chất nhưng không ăn thì chết ngay và chúng tôi cũng không có điều kiện để tiếp cận với thực phẩm sạch. Từ khi được phát hiện mắc bệnh tôi cảm thấy hoảng loạn. Không phải lo cho bản thân mình vì ai cũng phải chết, nhưng tôi thương cho thế hệ trẻ con cháu mình...”. Các ung thư đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư thực quản... đều nằm trong danh sách những ung thư thường gặp nhất ở VN. Đã đến lúc các bộ cùng phụ trách an toàn thực phẩm phải có những động tác mạnh nhằm đánh giá mối liên quan này, và trả lời người dân bằng cách chỉ cho họ thấy thực phẩm bẩn có liên quan như thế nào đến căn bệnh ung thư, muốn mua thực phẩm sạch thì mua ở đâu, làm sao cho người dân hoàn toàn yên tâm đó là thịt rau sạch? |
Theo TTO