Lo bia Tết bị kích giá

Thứ bảy, 14/11/2015, 10:55
Các nhà bán lẻ, đại lý bắt đầu đặt/trữ bia để bán Tết. Trong khi bia nội đang bị “làm giá” thì bia ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam, chia nhau thị phần đồ uống vô cùng hấp dẫn

Những ngày này, tại các siêu thị và đại lý lớn, bia mẫu Xuân đã được bày lên kệ, chuẩn bị cho mùa kinh doanh cuối năm.

Tạo khan hiếm để... làm giá

“Từ 1 tháng trước, các nhà bán lẻ, đại lý cấp 1 đã đặt hàng bia Tết. Do nhu cầu tiêu dùng của người Việt quá cao, nhất là trong mùa Tết nên các công ty, đại lý bia thường tung chiêu làm giá, tạo khan hiếm giả để đẩy giá. Hiện giá bia Heineken đã tăng 5.000 đồng/thùng. Mới đây, thông tin Nhà máy Bia Việt Nam bị sự cố, lập tức thị trường bia chộn rộn và các đại lý đua nhau trữ hàng. Tuy nhiên, kinh nghiệm bán hàng những năm gần đây cho thấy thị trường bia có thể “nóng” trước Tết, đến cận Tết sẽ ổn định trở lại và không lo thiếu hàng” - chủ một đại lý bia cấp 1 tại TP.HCM cho biết.

Chiếm số lượng áp đảo và tiêu dùng phổ biến vẫn là các loại bia Heineken, Tiger, 333… Tuy nhiên, từ 2 năm trở lại đây, đặc biệt là Tết 2015, bia ngoại nhập bắt đầu xác lập được vị trí và có lượng khách hàng riêng. Các siêu thị Maximark, Lotte Mart, Aeon… đã dành diện tích khá lớn bày bán nhiều loại bia ngoại nhập.

Trên thị trường, ngoài các nhãn hiệu bia quen thuộc còn có bia Staropramen (Czech), Budweiser (nhập từ Mỹ), Chimay (Bỉ), Leffe (Bỉ), Duvel (Bỉ), Corona Extra (Mexico), Heineken (nhập từ Pháp, Hà Lan), Hertog Jan (Hà Lan)… có các kích cỡ chai/lon 330 ml (giá trên dưới 1 triệu đồng/thùng) và lon 500-550 ml. Bên cạnh đó còn có các loại bia thượng hạng nhập từ Hà Lan, Bỉ như La Trappe Quadrupel, Rocherfoet, Bush Amber Triple, Piraat, Kasteel Bruin… với giá trên dưới 2 triệu đồng/thùng.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc Maximark Cộng Hòa, mặc dù xác định là tăng nhập hàng để đa dạng sản phẩm và doanh thu từ bia ngoại chiếm chưa đến 10% doanh thu mặt hàng bia nhưng bia ngoại đang tăng nhanh về số lượng, sức mua. Thị trường bia ngoại rất đa dạng, ngoài lượng bia nhập khẩu chính thức, các nhãn hiệu bia ngoại đang sản xuất tại Việt Nam như Sapporo, Budweiser cũng đẩy mạnh hoạt động, chinh phục thị trường. Hiện các siêu thị đã “gút sổ” mặt hàng bia nhưng trên thị trường, tùy theo sức mua, các doanh nghiệp sẽ nhập thêm nhiều loại mới để bán trong dịp Tết.

Chia lại thị phần!

Theo đánh giá của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, Việt Nam hiện xếp thứ 5 trong 10 nước châu Á về tiêu thụ bia, rượu bình quân, chỉ đứng sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc. Thị trường bia Việt Nam với mức tăng trưởng trên 7%/năm là miếng bánh hấp dẫn đối với các tập đoàn bia ngoại. Thực tế những năm gần đây, thị phần của các doanh nghiệp bia trong nước có sụt giảm, nhường chỗ cho bia nhập và các thương hiệu bia ngoại sản xuất tại Việt Nam.

Công ty TNHH Sapporo Việt Nam sau 4 năm vào Việt Nam thông qua liên doanh đã mua lại hết phần hùn của đối tác và trở thành công ty 100% vốn Nhật Bản. Ngay sau khi công bố thông tin mua lại phần hùn của đối tác, đầu tháng 10, Sapporo Việt Nam lập tức ra mắt thị trường nhận diện thương hiệu mới, điều chỉnh khẩu vị bia lon và chai 330 ml.

Ông Mikio Masawaki, Tổng Giám đốc Sapporo Việt Nam, cho biết sẽ chủ động hơn trong mọi chiến lược, định hướng phát triển cũng như kế hoạch tiếp thị linh hoạt, đẩy mạnh doanh số bán hàng thông qua chiến lược mở rộng mạng lưới phân phối trên cả nước. “Hiện nhà máy đang hoạt động với công suất thiết kế 40 triệu lít bia/năm, trong tương lai sẽ triển khai giai đoạn 2 là 100 triệu lít/năm và giai đoạn 3 là 150 triệu lít/năm. Mục tiêu của chúng tôi là đưa doanh thu Sapporo Việt Nam chiếm 50% doanh thu nước ngoài của Tập đoàn Sapporo tại Nhật, xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Úc…” - ông Masawaki cho biết.

Trước đó, tháng 5-2015, Công ty Anheuser - Busch Inbev (AB InBev - Mỹ) đã khánh thành nhà máy sản xuất bia công suất 50 triệu lít/năm tại tỉnh Bình Dương để sản xuất bia bán trong nước và xuất khẩu. Thị trường bia còn khẳng định sức nóng với thông tin nhiều tập đoàn nước ngoài muốn mua lại cổ phần nhà nước tại Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Thông tin Bộ Công Thương thoái vốn tại Sabeco đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ngoại với các tên tuổi như Thai Beverage, Singha Bia, Asia Pacific Breweries, Sabmiller, Asahi Breweries, Kirin Brewery...

Sắp tới, theo cam kết từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ giảm dần thuế nhập khẩu bia từ 35% hiện tại xuống còn 0%, giá bia nhập khẩu sẽ giảm mạnh. Đây là cơ hội hấp dẫn cho các nhà kinh doanh rượu bia trong khối TPP (đặc biệt là Mỹ) tận dụng cơ hội để nhảy vào chia thị phần.

Trao quyền làm giá cho đại lý

Theo các siêu thị, do tâm lý người Việt Nam quá “mê” bia và tiêu thụ lượng bia khổng lồ trong mỗi dịp Tết nên vô tình đã trao cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh bia quyền làm giá. Ngoài việc chỉ bán theo đơn đặt hàng, các doanh nghiệp kinh doanh bia còn có cách bán hàng khá lạ lùng: giao hàng theo tuần, nếu trong đợt giao hàng tuần này nhà phân phối không nhận thì sẽ mất luôn lượng hàng đó chứ không giao bù vào tuần sau. Đó là chưa kể đến hẹn lại lên, gần Tết là xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn