Một cửa hàng kinh doanh xăng E5 thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex Sài Gòn |
Cho đến thời điểm hiện tại, các tỉnh thành nằm trong lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học (xăng E5) đều gặp khó khăn khi thực hiện mở rộng mạng lưới phân phối xăng E5, trong khi chỉ còn chưa đến hai tuần là đến thời hạn 8 tỉnh, thành phải đạt tỷ lệ 50% cửa hàng xăng dầu bán E5.
Các doanh nghiệp đầu mối cũng gặp khó khăn không ít trong việc chuyển đổi, tăng cường số lượng trụ bơm bán xăng E5.
Khó khăn lớn nhất là việc thuyết phục đại lý (tư nhân) chuyển sang bán xăng E5, thay thế cho xăng khoáng Mogas 92, vì các đại lý e ngại doanh thu có thể bị sụt giảm do người tiêu dùng vẫn có tâm lý quen sử dụng xăng khoáng Mogas 92.
Một số doanh nghiệp cho rằng các tỉnh, thành phải tích cực ra văn bản chỉ đạo 100% cửa hàng xăng dầu (kể cả cửa hàng tư nhân) phải chuyển sang bán xăng E5. Nếu chỉ có cửa hàng trực thuộc doanh nghiệp đầu mối bán xăng E5; người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua xăng khoáng ở các cửa hàng xăng dầu tư nhân (đại lý).
Đồng thời, một số doanh nghiệp cũng cho rằng chỉ nên bán một loại xăng E5 (RON 92), không nên bán song song với xăng khoáng Mogas 92 nhằm tạo sự thuận lợi trong kinh doanh cho các cửa hàng xăng dầu.
Thành phố Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu tập trung cung cấp xăng sinh học E5 thay thế cho xăng Mogas 92. Điều này đã giúp cho Cần Thơ tăng nhanh số lượng cửa hàng bán xăng E5, đạt tỷ lệ hơn 40% từ đầu tháng 11-2015. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số cửa hàng chưa bán xăng E5.
Trong khi đó, tại một số tỉnh, thành khác nằm trong lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học như TPHCM hiện tại mới chỉ đưa ra các văn bản vận động, kêu gọi các đại lý chuyển sang bán xăng E5. Tại TPHCM, trong khi các doanh nghiệp đầu mối như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro… đang tích cực tăng thêm số cửa hàng bán xăng E5, thì các đại lý vẫn có tâm lý chần chừ, chưa muốn chuyển qua bán xăng E5 thay cho xăng khoáng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… vẫn đang thiếu động lực để tập trung bán xăng E5. Với giá bán chỉ chênh lệch có 500 đồng so với xăng khoáng Mogas 92 thì xăng E5 sẽ khó lòng thu hút người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, xăng E5 phải có giá bán thấp hơn xăng khoáng từ 700 đồng cho đến 1.000 đồng thì mới có thể đẩy mạnh khâu phân phối xăng E5.
Theo đại diện công ty Timexco Thủ Đức, để tăng cường khâu phân phối xăng E5, công ty đã đưa ra chính sách thưởng cho nhân viên bán xăng E5 có doanh thu cao. Điều này đã góp phần giúp cho doanh thu bán xăng E5 của Timexco Thủ Đức tăng lên trong thời gian vừa qua.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ về giá, thuế cho các doanh nghiệp tham gia phân phối xăng E5 vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Nếu xăng E5 không thu hút được người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm doanh thu một khi chuyển toàn bộ cửa hàng sang bán xăng E5. Thiếu đòn bẩy cần thiết, doanh nghiệp sẽ khó lòng thực hiện đúng theo lộ trình phân phối nhiên liệu sinh học vào cuối tháng này.
Theo Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng, phân phối nhiên liệu sinh học (xăng E5), đến cuối tháng 11-2015 các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng đại lý, đại lý… tại 8 tỉnh thành gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bà Rịa-Vũng Tàu phải đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán xăng E5 trong hệ thống phân phối. |
Theo TB KTSG