Ý tưởng điều chỉnh giá xăng lên xuống hằng ngày được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ với báo chí cách đây không lâu. Nội dung được quan tâm là với cơ chế điều hành giá này, doanh nghiệp (DN) và người dân sẽ được lợi và bị thiệt gì?
Khó kiểm soát hơn
Từ thực tế giá xăng dầu trên thị trường thế giới liên tiếp tuột dốc trong suốt cả năm 2015 và đặc biệt là đầu năm 2016, các chuyên gia kinh tế trong nước không ít lần lên tiếng cho rằng cần rút ngắn thời gian giảm giá xăng càng sớm càng tốt để tạo điều kiện cho các ngành sản xuất cũng như người dân giảm gánh nặng.
Nếu không, trước diễn biến giá xăng dầu giảm sâu, nền kinh tế sẽ hứng chịu cú sốc nặng bởi nó là một trong những nguyên nhân tạo áp lực đến chỉ tiêu thu ngân sách mà không tận dụng được bất cứ lợi ích nào để tiết giảm chi phí đầu vào. Do đó, ý tưởng điều hành giá xăng theo ngày được khá nhiều chuyên gia tán thành vì sẽ đưa hoạt động kinh doanh mặt hàng này về mức phù hợp với thị trường hơn.
Cơ chế điều hành giá xăng dầu theo ngày được chuyên gia hoan nghênh nhưng người dân và doanh nghiệp chưa quen Ảnh: Tấn Thạnh |
Tuy vậy, có một băn khoăn được cả giới chuyên gia và DN tính đến là với cơ chế điều hành giá theo từng ngày chắc chắn quyền điều hành giá xăng chuyển sang cho DN “tự xử”. Khi đó, giá xăng có thể sẽ khó kiểm soát hơn và trong những thời điểm cần sự can thiệp để bình ổn giá, nhà nước sẽ không phát huy được vai trò của mình nữa.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) đánh giá định hướng điều hành giá xăng theo ngày có thể thực hiện được nhưng trước hết, các cơ quan chức năng phải sửa Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ không thể điều hành giá mà phải chuyển về DN bởi việc tính toán giá, ra quyết định điều hành hằng ngày sẽ tốn rất nhiều thời gian. Như thế, sẽ dẫn đến tình trạng một số DN tư nhân lợi dụng cơ chế này để trục lợi.
“Công ty tư nhân có lợi thế là có thể kiểm kê và quyết định thay đổi giá rất nhanh theo thị trường bởi không phải qua các thủ tục kiểm kê, báo cáo rất lâu như DN nhà nước. Tuy nhiên, cũng có thể dẫn đến tình trạng mỗi lần tăng/giảm giá, DN kê số lượng đã bán không đúng với thực tế để ăn chênh lệch, chẳng hạn khi tăng giá thì kê số lượng đã bán nhiều lên và ngược lại” - đại diện Saigon Petro chỉ ra.
Cũng theo đầu mối xăng dầu lớn này, việc điều hành giá xăng theo từng ngày cũng sẽ khiến thị trường phải đối mặt với những thời điểm giá xăng dầu tăng liên tiếp. Trong khi tâm lý người dân chắc chắn sẽ chưa quen và không thích với việc giá cả tăng lên từng ngày, còn DN lại rất ngại dân “kêu”.
Lực lượng đâu để kiểm kê?
Đại diện Saigon Petro cho hay cơ chế điều hành giá theo ngày đã được các nước trên thế giới thực hiện. Chẳng hạn, giá xăng dầu đến tay người dân Mỹ thay đổi hằng ngày. Tuy nhiên, tại Mỹ, do cơ chế giá xăng giao cho các DN tư nhân tự điều phối theo thị trường nên việc này có thể thực hiện được dễ dàng. Còn với Việt Nam, mỗi lần điều hành giá đều phải tiến hành công tác kiểm kê, báo cáo nên bản thân DN thấy rất khó thực hiện.
“Hiện giờ, mình làm bất cứ việc gì cũng đều phải kiểm kê, phải thành lập tổ gồm ít nhất 2-3 người để bảo đảm giám sát nhau, tránh nạn “bắt tay” sinh ra tiêu cực. Nếu áp dụng cơ chế điều chỉnh giá xăng hằng ngày thì lực lượng đâu mà làm việc đó?” - vị đại diện này đặt vấn đề.
Theo ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thực tế hiện nay, mỗi lần điều hành giá, các DN, đại lý đều phải đóng cửa để tổ chức kiểm kê với thời gian ít nhất khoảng 20-30 phút với rất nhiều công việc. Nếu chuyển từ điều hành giá 15 ngày/lần sang mỗi ngày một lần thì phải xem xét đến tính hiệu quả cũng như lựa chọn giải pháp hợp lý bởi việc này không chỉ đòi hỏi thời gian, nhân lực và cả công tác tổ chức để tránh tiền hàng bị thất thoát.
Ông Trần Ngọc Năm cho rằng hiện tại, rất khó có thể nói điều hành theo cơ chế nào người dân sẽ được lợi hơn. Bởi lẽ, điều hành giá theo chu kỳ 15 ngày cũng chính là dựa trên cơ sở biến động hằng ngày để tạo ra con số bình quân.
Cơ chế này tạo ra sự chậm nhịp với thị trường thế giới nhưng giá cả sẽ được ổn định trong một chu kỳ. Còn nếu điều hành theo ngày sẽ có lợi thế bảo đảm được nhịp điệu của thị trường nhưng phải có sự theo dõi và đánh giá thực tế mới biết được độ chênh lệch giữa 2 phương thức có lớn hay không” - ông Năm nói.
Thực tế, ngay khi chia sẻ với báo chí về ý tưởng trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng giải thích thêm rằng để tiến tới cơ chế đậm dấu ấn thị trường này cần thời gian để DN có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ, nhân lực và cơ quan quản lý nhà nước đủ năng lực để kiểm tra, kiểm soát. Do đó, đây chỉ là mong muốn trong tương lai, còn hiện nay chưa thể thực hiện được.
Giá xăng xuống thấp nhất trong 6 năm Từ 15 giờ ngày 19-1, giá xăng RON 92 giảm 590 đồng/lít, bán lẻ là 15.440 đồng/lít - mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua, kể từ mức giá 15.220 đồng/lít vào ngày 1-10-2009. Ngoài ra, xăng E5 giảm 580 đồng/lít, xuống mức giá 14.750 đồng/lít; dầu diesel giảm 910 đồng/lít, còn 10.200 đồng/lít; dầu ma dút giảm 301 đồng/lít, còn 7.240 đồng/lít; dầu hỏa giảm 886 đồng/lít, còn 9.380 đồng/lít. |