Dù sẽ mất khá nhiều thời gian để WTO đưa ra phán quyết, vụ kiện này chắc chắn sẽ làm xáo động thị trường đường toàn cầu do Brazil và Thái Lan là hai nước sản xuất đường lớn nhất thế giới.
Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2015, các nhà sản xuất đường Brazil đã thu thập nhiều chứng cứ sẵn sàng kiện Thái Lan và Ấn Độ.
Phía Brazil cho rằng các chính sách ưu đãi của Thái Lan đối với ngành sản xuất đường đã giúp quốc gia này tăng thị phần xuất khẩu của đường Thái Lan ra thế giới từ 12,1% lên mức 15,8% trong vòng 4 năm qua.
Cùng trong thời điểm này, thị phần của Brazil trên thị trường đường giảm sút từ mức 50% xuống mức 44,7%.
Phía Brazil cũng cho biết thêm việc hỗ trợ của Chính phủ Thái Lan đối với người nông dân trồng mía và các nhà sản xuất đường phải cần tuân thủ các cam kết thương mại quốc tế.
Việc lợi dụng kẽ hở để tăng thị phần tại thị trường thế giới có tác động không nhỏ đối với các nhà sản xuất đường Brazil.
Phản ứng về những cáo buộc của Brazil, Bộ Công nghiệp Thái Lan cho rằng đây là những nhận định không có căn cứ. Chính phủ Thái Lan không trợ giá nhà sản xuất và luôn tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định về thương mại quốc tế.
Về khoản tiền của các nhà sản xuất đường hỗ trợ người nông dân, Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết đây là khoản tiền được trích từ Quỹ ngành mía đường Thái Lan và hoàn toàn là tự gây quỹ.
Trong trường hợp không đủ ngân sách, tiền hỗ trợ sẽ được vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác Nông nghiệp và Chính phủ Thái Lan không có vai trò gì trong hoạt động này.
Vào năm 2004, Brazil từng giành chiến thắng trong vụ kiện Liên minh châu Âu (EU) về chính sách sản xuất đường có ảnh hưởng đến thị trường thế giới. Nước này cũng đã từng thắng kiện Mỹ về chính sách trợ giá ngành bông.
Theo VietnamPlus