Trong phiên 4/3, giá thế giới tăng 650.000 đồng, trong khi vàng nội chỉ điều chỉnh thêm 120.000 đồng, khiến chênh lệch giữa 2 thị trường được ước tính ở mức 280.000 đồng. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, giá vàng trong nước đã rẻ hơn thế giới. Đến sáng nay, độ vênh co hẹp lại nhưng giá vàng SJC vẫn còn rẻ hơn thế giới khoảng 70.000 đồng mỗi lượng.
Mặc dù diễn biến này khiến thị trường chú ý song giao dịch trong nước vẫn không hấp dẫn người mua. Đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) thừa nhận, giao dịch vàng ngày hôm qua hết sức tẻ nhạt, sức mua rất yếu. Tại DOJI, xu hướng mua bán cũng khó đoán định. Chốt ngày 4/3, lượng khách mua vàng tại DOJI chiếm 60% tổng giao dịch.
Đã có hiện tượng xuất vàng qua biên giới khi giá trong nước rẻ hơn thế giới. |
Tuy vậy, diện biến giá nêu trên lại khiến hiện tượng vàng xuất lậu xảy ra ở biên giới. Điều này đã trở thành quy luật từ nhiều năm nay. "Thậm chí, có thời điểm khi giá vàng trong nước rẻ hơn vài trăm đến cả triệu đồng thì các nhà buôn nước ngoài còn sang tận nơi để mua", một chuyên gia cho biết.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng xác nhận hiện tượng "chảy máu vàng" qua biên giới đã xuất hiện. Qua trao đổi với phía công an TP.HCM, ông có ghi nhận việc này song lưu ý quy mô thực tế là rất nhỏ, khối lượng ít.
Ngoài ra, vị này cho biết vàng xuất đi chủ yếu là các loại vàng nhẫn, bị cắt xén ra với số lượng không đáng kể, không phải vàng nguyên liệu. Do đó, ông cho rằng diễn biến này chưa có tác động tiêu cực đến thị trường Việt Nam, chưa làm cho vàng trong nước bị khan hiếm...
Riêng con đường xuất khẩu chính ngạch, ông Minh cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt vấn đề có nên khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu vàng hay không? Tuy nhiên, khi cơ quan này đối chiếu lại với Nghị định 24 (chỉ cho xuất khẩu vàng nữ trang) và các chính sách về thuế thì thấy rằng đây chưa phải là thời điểm thích hợp vì mức chênh còn quá nhỏ, chưa thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
"Do đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố hiện nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu nhằm có những giải pháp và đề xuất hợp lý để vừa có thể hỗ trợ doanh nghiệp mà lại ổn định được thị trường vàng, tỷ giá", ông nói.
Trong 10 năm qua, đây là lần thứ tư giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới. Ba lần trước xảy ra vào năm 2008, 2010 và 2011, khi giá vàng miếng tại Việt Nam xuống thấp hơn hàng trăm nghìn đồng, thậm chí có lúc cả triệu đồng mỗi lượng.
Theo các chủ hiệu kim hoàn, giá vàng trong nước tại những thời điểm đó thấp hơn thế giới là do chịu nhiều áp lực lớn. Nhu cầu tích trữ vàng miếng của người dân suy giảm, giá thế giới lại có những đợt điều chỉnh mạnh. Ngoài ra, hàng loạt thông tin ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư như xuất hiện vàng giả, vàng trộn vonfram... Quan trọng nhất là việc chờ đợi quy định chính thức về kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do khiến cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều phải án binh bất động và khiến giá trong nước liên tục giảm.
Cũng vào lúc đó, lượng vàng trang sức xuất khẩu tăng mạnh. Đại diện một doanh nghiệp là thành viên Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam lúc đó xác nhận với PV phải "đi đường vòng" để xuất khẩu mỗi khi giá trong nước thấp hơn nhiều so với thế giới.
Cụ thể, trong 2 năm 2009-2010, doanh nghiệp phải có quota mới được xuất khẩu vàng miếng, trong khi quota này chỉ cấp theo đợt với số lượng có hạn. Trong khi đó, xuất khẩu nữ trang dễ dàng hơn mà không bị đánh thuế. Vì vậy, không ít đơn vị đã chế tác vàng miếng thành nữ trang hàm lượng cao để xuất đi. Giá bán cho đối tác được tính theo giá vàng miếng.
Cũng vì lý do này, từ 1/1/2011, các bộ ngành liên quan cùng Bộ Tài chính đã thống nhất áp dụng thuế suất 10% với các loại vàng nguyên liệu, miếng, thỏi, dạng bột và trang sức có hàm lượng cao, thay cho mức cũ là 0%.
Sau đó, từ đầu năm 2014, nhà quản lý bỏ mức thuế suất này và đưa về lại 0%. Tuy nhiên, đến ngày 7/5/2015, Thông tư số 36 của Bộ Tài chính lại tiếp tục quy định các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng khác có hàm lượng vàng từ 95% trở lên sẽ phải chịu thuế xuất khẩu 2% thay vì 0%.
Theo VnExpress