Giữa tháng 6, những vườn vải tại Lục Ngạn (Bắc Giang) đã chính thức vào mùa. Năm 2016, sản lượng vải thiều toàn huyện ước đạt 70.000 tấn, giảm khoảng 10% so với năm trước. Từ đầu tháng 5, gần 1.500 thương lái Việt Nam, Trung Quốc đã đến đặt điểm cân thu mua vải tại gần 3.000 điểm cân lớn nhỏ.
Vải được người dân thu hoạch từ sáng sớm và tiêu thụ ngay trong ngày để bán được giá và đảm bảo độ tươi, ngon.
Năm nay, dù vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang giảm sản lượng nhưng lại được giá nên người trồng vải cảm thấy rất phấn khởi.
Bà Trương Thị Bảy (thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) cho biết, đầu vụ vải chín muộn nhưng giá mỗi kg dao động 30.000–32.000 đồng tùy loại, gấp rưỡi cùng kỳ. Nếu là hàng “tuyển”, giá có thể lên tới 35.000–40.000 đồng/ kg.
Mỗi ngày, gia đình ông Trần Văn Hành (thôn Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) thu hoạch và bán được một tấn vải thiều chín muộn.
Từ 5h sáng, người dân xã Giáp Sơn đã tất bật thu hoạch vải từ vườn nhà, chuẩn bị xếp hàng đưa tới điểm cân.
|
Vải thiều vừa được thu hoạch xếp đầy sân, trước khi được vận chuyển bằng xe máy tới các điểm bán cho thương lái.
Đây là năm đầu tiên gia đình ông Dương Lâm (Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) áp dụng mô hình trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGap, cho chất lượng quả vải đủ chuẩn xuất đi châu Âu và các thị trường khó tính khác như Mỹ, Australia.
Chiếc xe máy chở vải chất cao quá đầu người, trên xe được chế thêm nhiều khung sắt để chứa vải, mỗi chiếc có thể chở gần 200 kg vải một chuyến.
Anh Quân (Chão Cũ, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) đang chuẩn bị chở chuyến hàng đầu tiên trong ngày với gần 2 tạ vải. Anh cho biết, giá vải lên xuống từng ngày, thậm chí theo từng thời điểm. Với chuyến hàng này anh dự tính sẽ bán được 30.000 đồng một kg.
Người dân xã Giáp Sơn, Lục Ngạn đang mở rộng diện tích trồng vải theo tiêu chuẩn GlobalGap để đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quả vải đi các nước, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Theo VNE