Liên quân Mía đường "đại chiến” HAGL

Chủ nhật, 24/11/2013, 13:06
Thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dự định đưa 30.000 tấn đường từ Lào về VN tinh chế và xuất khẩu, các NM đường trong nước trở nên đoàn kết và phản đối kế hoạch trên của HAGL một cách dữ dội.
Liên quân Mía đường đại chiến” HAGL
Ngành mía đường cả nước có 40 nhà máy (NM), hàng chục năm nay vốn dĩ bị xếp vào loại có sức cạnh tranh kém, thiếu đoàn kết. Thế nhưng với thông tin Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) dự định đưa 30.000 tấn đường từ Lào về VN tinh chế và xuất khẩu, các NM đường trong nước trở nên đoàn kết và phản đối kế hoạch trên của HAGL một cách dữ dội

    

Như đã thông tin, Công ty HAGL đang có ý định chào bán khoảng từ 30.000 đến 40.000 tấn đường được sản xuất tại Lào cho doanh nghiệp trong nước là Công ty CP Đường Biên Hòa để tinh luyện và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Trước kế hoạch này, Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) đã lập tức có công văn số 64/2013/CV/HHMĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị không chấp thuận việc nhập khẩu này cũng như không cho phép xuất khẩu đường có nguồn gốc không phải từ mía do người dân VN trồng qua cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở sang Trung Quốc.

Tại cuộc họp với báo chí hôm qua 22/11, VSSA nêu quan điểm: “Nếu hỗ trợ cho HAGL theo đề nghị của Bộ Công thương thì chỉ mang lại lợi ích cho HAGL và đường Biên Hòa, nhưng gây thiệt hại cho 40 NM đường trong nước cùng hàng triệu nông dân trồng mía và hàng vạn công nhân lao động tại các NM”.

Lý giải cho việc này, VSSA cho rằng VN đang thừa đường rất lớn, niên vụ 2012/2013 thừa 400.000 tấn đường, năm 2013/2014 dự kiến lượng dư thừa sẽ lên đến 600.000 tấn, bên cạnh đó còn bị mất 30% thị phần vào nguồn đường nhập lậu.

Từ đầu năm đến nay các NM đường trong nước phải chật vật xuất khẩu, bán tháo đường qua của khẩu phụ Bản Vược và đây là lối thoát duy nhất cho lượng đường thừa của VN. Nếu chấp nhận hỗ trợ cho HAGL thì đã vô tình để đường nước ngoài có cơ hội lấn chiếm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Ông Đỗ Thanh Liêm – Phó chủ tịch VSSA, Tổng giám đốc công ty Mía đường Khánh Hòa đồng tình: “Hiện nay các NM đường trong nước đang áp dụng chính sách bảo hiểm giá tối thiểu cho nông dân, vì vậy giá mía VN rất cao. Nếu Chính phủ đồng ý cho Đường Biên Hòa nhập nguyên liệu của HAGL để tinh chế rồi xuất khẩu thì cũng phải cho các NM khác làm điều này".

Theo ông Liêm, các NM chỉ cần mua đường thô từ Thái Lan về chế biến, không cần quan tâm đến nông dân trồng mía. Hơn nữa theo thỏa thuận của VN và Trung Quốc, chính sách biên mậu khu kinh tế cửa khẩu chỉ cho phép mua bán trao đổi hàng hóa do nhân dân hai nước sản xuất ra. Nếu cho nhập khẩu đường của Lào rồi tinh chế xuất khẩu qua cửa khẩu mậu biên là vi phạm nguồn gốc hàng hóa, phía Trung Quốc có đủ cơ sở để phạt hoặc đóng biên đối với mặt hàng đường.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA nhấn mạnh: “Sự thật là năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành mía đường VN rất kém, và việc kéo dài thời hạn cắt giảm thuế mặt hàng đường trong ASEAN chính là để ngành đường trong nước có thời gian cải tổ. Sắp tới vài năm nữa hiệp định AFTA sẽ có hiệu lực, lúc đó không còn đường lậu nữa vì thuế đã về 0%. Nhưng “sắp tới” nghĩa là bây giờ vẫn chưa tới. Lộ trình cần phải được giữ nguyên. Ai muốn giảm thuế thì cũng phải đợi, phải xếp hàng chứ không thể nhảy ngang”.

Ông R.Subaiah- Tổng giám đốc công ty Mía đường KCP (Phú Yên) cũng tỏ ra bất bình: “Tôi đã tham quan NM đường của HAGL tại Attapeu, đó là NM đẹp nhất, hiện đại nhất và giá thành sản xuất đường rẻ nhất thế giới. HAGL hoàn toàn có thể cạnh tranh với giá đường của các nước có nền sản xuất mía đường lớn như Thái Lan, Brazil hay Ấn Độ và hoàn toàn có thể xuất chính ngạch mà không phải "chặn" đường sống duy nhất của các doanh nghiệp mía đường trong nước.

Nếu lượng đường của HAGL nhập về được tiêu thụ trong nước thì phải nằm trong hạn ngạch nhập khẩu hàng năm mà VN đã cam kết với WTO bằng hình thức đấu thầu nhập khẩu, thu chênh lệch giá về cho ngân sách. Tôi là người Ấn Độ, nhưng tôi đang bảo vệ quyền lợi của nông dân VN. Trong khi đó có những người VN lại quay lưng lại với lợi ích của dân mình.”

Theo Một Thế Giới


Các tin cũ hơn