Trong khi Facebook được mọi người ưa thích thì Twitter lại gặp phải sự hờ hững của đa phần người sử dụng Việt Nam. Vậy đâu là lý do? |
Trước tiên, hãy cùng nhìn vào các con số sau đây: Ở Việt Nam, mỗi tháng Facebook có thêm một triệu người sử dụng mới. Vào tháng 5 năm ngoái, số người sử dụng Facebook ở Việt Nam là 12 triệu. Đến tháng Giêng năm nay, con số này đã tăng lên 22 triệu. Nếu sự tăng trưởng này diễn ra đều đặn thì cho đến ngày hôm nay con số này có thể đạt 24 triệu người. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng Facebook nhanh nhất thế giới.
Phóng viên của Tech in Asia đã liên hệ với Twitter để yêu cầu cung cấp số liệu tại thị trường châu Á, nhưng công ty có trụ sở tại San Francisco này đã từ chối trả lời. Dễ dàng nhận thấy ở Việt Nam, Twitter không hề phổ biến. Trong một sự kiện công nghệ được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh năm ngoái (Barcamp Sài Gòn), khi phóng viên đặt câu hỏi với 1.700 người tham dự xem có ai đang sử dụng Twitter, chỉ có một vài cánh tay giơ lên. Trong khi cùng câu hỏi với chủ thể là Facebook, toàn bộ hội trường đã giơ tay.
Tại sao không phải là Twitter?
Câu trả lời có lẽ là do văn hóa người Việt và lịch sử đương đại.
Nếu bạn là người Việt Nam, bạn sẽ thấy các thành viên gia đình thường khuyên nhủ bạn về cách ăn mặc, mua sắm và ăn uống. Nếu bạn muốn thay đổi chỗ làm việc, bạn thường hỏi ý kiến gia đình trước và hỏi bạn bè sau. Khi người Việt đi uống cafe, họ rất thích đi với bạn bè. Đối với công việc làm ăn, phần nhiều phải dựa vào các mối quan hệ. Nếu không có mối quan hệ, công việc sẽ khó mà trôi chảy. Đây chính là một trở ngại cho những người nước ngoài muốn làm ăn tại thị trường Việt Nam.
Cùng với đó, văn hóa Việt đã đem đến ngôn ngữ Việt rất nhiều màu sắc. Người Việt thường hỏi bạn bao nhiêu tuổi để biết cách xưng hô theo ngôi thứ. Thuật ngữ "inside" có nghĩa là "bên trong", nhưng ở Việt Nam có nghĩa là "nội", là chỉ những người thuộc gia đình bên bố. Thuật ngữ "outside" là "ngoại", chỉ những người thuộc gia đình bên mẹ. Ngôn ngữ Việt phản ánh một mạng lưới phức tạp các mối quan hệ. Ngôn ngữ phản ánh mối quan hệ này phong phú hơn bất cứ ngôn ngữ quốc gia láng giềng nào. Hầu như các nước xung quanh Việt Nam không có các đại từ nhân xưng như tiếng Việt mà họ chỉ dùng "you" và "me".
Các mối quan hệ có ảnh hưởng rõ rệt đến mạng xã hội. Đối với Twitter, mọi người thường tụ tập bàn tán về những chủ đề mà họ yêu thích, rồi sau đó gặp gỡ và chuyện trò với người bạn mới. Còn với Facebook, mọi người theo dõi tình hình của những người quen.
Với Twitter, đa phần các cuộc hội thoại và các thông tin mang tính công khai. Còn ở Facebook, các cuộc hội thoại và thông tin diễn ra trong một vòng tròn lặp mang tính khép kín (giữa những người quen). Mặc dù những tin tức mang tính cá nhân của người dùng Facebook ngày càng được công khai hơn, nhưng cốt lõi của Facebook vẫn là sự chia sẻ trong phạm vi vòng tròn bạn bè ấy. Sự lan truyền tin tức của Facebook chỉ xảy ra từ vòng tròn này đến vòng kế tiếp, trong khi với Twitter sự lan truyền diễn ra công khai bất cứ ai cũng có thể thấy được.
Nếu bạn nhìn vào xã hội Việt Nam, bạn sẽ rõ vì sao Twitter không có chỗ đứng ở đây. Twitter là nơi bạn có thể chuyện trò và thậm chí có thể trở thành bạn bè với tất cả những người lạ. Nhưng người Việt Nam lại cần một mạng xã hội có thể phản ánh văn hóa của họ. Họ không muốn chuyện trò với những người lạ trên mạng xã hội. Vì thế hiển nhiên Facebook sẽ phổ biến ở nơi đây.
Theo ICTnews