CEO Tim Cook của Apple và nhiều lãnh đạo công nghệ khác công khai ủng hộ ứng viên Tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi tháng 11 vừa qua. Tim Cook cũng không ủng hộ chiến dịch tranh cử của Donald Trump ngay khi ông Trump bày tỏ ý tưởng chạy đua cho vị trí ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa.
Trong quá trình tranh cử của mình, Donald Trump cũng nhiều lần chỉ trích Apple và dọa sẽ gây khó dễ cho “Quả táo” nếu ông đắc cử vị trí Tổng thống Mỹ, khiến cho mối quan hệ giữa tân Tổng thống Mỹ và Apple không hề tốt đẹp.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (trái), thành viên ban lãnh đạo Facebook Peter Thiel (giữa) và CEO Tim Cook của Apple trong cuộc họp hôm 14/12 |
Dù vậy, CEO Tim Cook vẫn tham dự buổi họp mặt các lãnh đạo công nghệ do ông Donald Trump tổ chức vào ngày 14/12 vừa qua, quyết định này của Tim Cook đã khiến không ít nhân viên của Apple cảm thấy bất ngờ và ngạc nhiên. Nhiều nhân viên của Apple đã gửi câu hỏi lên CEO Tim Cook về quyết định này và Tim Cook đã đưa ra câu trả lời, cho rằng bản thân Tim Cook cảm thấy cần thiết khi tham gia vào một cuộc thảo luận về các vấn đề có ảnh hưởng đến công ty và ngành công nghệ.
“Cá nhân tôi chưa bao giờ thấy được sự thành công khi đứng bên lề”, Cook trả lời các câu hỏi của nhân viên Apple được gửi lên thông qua dịch vụ thông tin nội bộ của công ty. “Tôi nghĩ rằng đó là một điều rất quan trọng phải làm vì chúng ta không thể thay đổi nhiều thứ chỉ bằng cách la hét. Bạn thay đổi nhiều thứ bằng cách cho mọi người thấy cách của bạn là tốt nhất. Theo nhiều cách, đó là một cuộc tranh luận về ý tưởng”.
“Đó là dịp rất quan trọng để tham gia”, Tim Cook cho biết thêm. “Chính phủ có thể ảnh hưởng đến khả năng của chúng ta để làm những gì chúng ta đang làm. Họ có thể tác động đến nó theo những cách tích cực và không mấy tích cực. Chúng ta phải đứng lên cho những gì chúng ta tin tưởng. Chúng tôi nghĩ rằng đó là một phần quan trọng của Apple và chúng ta sẽ tiếp tục làm như vậy”.
Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống mới đắc cử Donald Trump có thực sự ban hành nhiều sự thay đổi sâu rộng về các chính sách nhập cư, an ninh mạng và luật bảo vệ môi trường như những gì ông đã hứa hẹn trong quá trình tranh cử hay không, nhưng cách mà ông lựa chọn các thành viên trong nội các cho thấy sẽ không có quá nhiều sự thay đổi. Bên cạnh đó, việc tổ chức một hội nghị với sự góp mặt của nhiều “ông lớn” công nghệ được xem là động thái để ông Trump “làm thân” với giới công nghệ, vốn không có thiện cảm với ông trong quá trình vận động tranh cử.
Buổi gặp mặt được ông Trump tổ chức vào ngày 14/12 vừa qua với sự góp mặt của nhiều tên tuổi lớn trong giới công nghệ, bao gồm 2 lãnh đạo cao cấp của Alphabet (công ty mẹ của Google) là Larry Page và Eric Schmidt, CEO Microsoft Satya Nadella, CEO hãng xe điện Tesla Elon Musk, Giám đốc điều hành (COO) của Facebook Sheryl Sanberg... Theo nhiều nguồn tin cho biết nội dung chính của buổi gặp mặt là thảo luận các vấn để về việc làm, chính sách nhập cư và Trung Quốc.
Theo Dân Trí