Được biết, APG (Asia Pacific Gateway) là tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất đang hoạt động tại khu vực châu Á với băng thông tối đa lên tới 54 Tbps. Tuyến cáp này có chiều dài 10.400km đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam với băng thông ban đầu là 4 Tbps, tuyến cáp này có dung lượng thiết kế 15,3 Tbit/s.
Sơ đồ tuyến cáp quang mới APG. |
Có thể thấy rằng, việc đưa vào khai thác thêm một tuyến cáp quang mới sẽ là một tín hiệu đáng mừng và giải quyết được bài toán đứt cáp liên tục của AAG (Asia America Gateway). Từ đó, nó sẽ giúp cho đường truyền internet đi quốc tế của người dùng ổn định hơn rất nhiều so với thời gian qua. Chỉ trong năm 2016, tuyến cáp quang AAG bị đứt đến 3 lần, và cứ mỗi sự cố đều tốn một thời gian dài mới có thể khôi phục lại hoàn toàn.
Cho những ai chưa biết, tuyến cáp APG được các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư từ cuối năm 2012, có hướng kết nối ra quốc tế tương tự như tuyến AAG và IA (tuyến cáp quang biển Liên Á). Tập đoàn VNPT tham gia đầu tư 40 triệu USD, Viettel 25 triệu USD, FPT 10 triệu USD và CMC 5 triệu USD.
Tuyến cáp quang mới này sẽ giải được bài toán đứt cáp liên tục hiện nay của AAG. |
Bên cạnh đó, ngoài tuyến cáp APG, theo tập đoàn VNPT thì trong năm 2017 tới đây, họ sẽ đưa vào khai thác tuyến cáp quang mới là AAE1 (Asia Africa Euro 1) nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi. Từ đó, nó cũng sẽ giúp VNPT giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến cáp quang AAG và đảm bảo kết nối cho người dùng.
Theo Tri Thức Trẻ