Thị trường trong nước bắt đầu rộ lên loại sim ghép có thể khắc phục toàn bộ lỗi với iPhone khoá mạng, giúp chúng hoạt động hệt như máy quốc tế. Loại này được cho có thể dùng bất kỳ sim nhà mạng nào ở Việt Nam với iPhone khoá mạng (iPhone lock). Các tính năng kết nối Internet, 3G, 4G hay nhắn tin iMessage, gọi điện FaceTime đều hoạt động bình thường như phiên bản quốc tế, không bị khoá hay trục trắc. Vì thế, dân chơi công nghệ và nhiều người thường gọi món phụ kiện bé xíu này là sim ghép "thần thánh".
Sim ghép là bảng mạch nhỏ gắn kèm với sim chính nhằm "đánh lừa" những chiếc iPhone bị khoá mạng khi hoạt động với nhà mạng ở Việt Nam. |
Thực ra, loại sim ghép "thần thánh" này rất phổ biến với người chơi và dùng iPhone. Tuy nhiên, loại hàng mới về tương đối mới, được dân chơi gọi là "thế hệ hai", Hà, quản lý một cửa hàng kinh doanh điện thoại ở Đống Đa (Hà Nội) cho hay.
Trước đó, loại sim ghép "thần thánh" đời đầu đã phổ biến ở thị trường đầu năm 2017. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, chúng đột nhiên bị vô hiệu nhiều tính năng, không thể dùng được, thậm chí còn khiến cho iPhone lock bị khoá trở lại sau khi tháo sim chính, hay tắt mở lại điện thoại. Tình trạng này khiến nhiều người dùng iPhone khoá mạng "kêu trời" vì điện thoại đang dùng bỗng dưng trở thành cục gạch.
Vì thế, sự xuất hiện của sim ghép "thần thánh" thế hệ mới - hay đời hai - được nhiều người dùng săn đón. Trên các cộng đồng về iPhone khoá mạng, hàng loạt chủ đề tìm kiếm nơi bán, đánh giá thử nghiệm sim ghép mới xuất hiện dày đặc chỉ vài ngày trở lại đây.
Điều này cũng khiến loại sim này đang bị loạn giá. Cách thức hoạt động như nhau, nhưng có cửa hàng rao bán 400.000 đến 500.000 đồng cho một chiếc sim ghép, nơi khác lại chào chỉ trên dưới 200.000 đồng. Thậm chí có người đưa ra cả mức giá chưa tới 100.000 đồng nếu mua với số lượng lớn và chờ hàng chuyển từ nước ngoài về. Loại sim ghép đời mới cũng có nhiều thương hiệu sản xuất khác nhau, như Heicard, GPP LTE, Club... nhưng xuất xứ hầu hết đều từ Trung Quốc.
Đa dạng về chủng loại nên theo một số người dùng có kinh nghiệm, tốt nhất khi chọn mua là dùng thử sim ghép với iPhone khoá mạng đang có của mình. Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng sóng, khả năng kết nối mạng 3G, 4G cũng như các tính năng thông dụng như FaceTime, iMessage, kiểm tra số dư bằng mã USSD... cũng nên thử tháo lắp sim ghép hay khởi động lại iPhone.
iPhone hàng "lock" có giá rẻ hơn nhiều hàng mới, bản quốc tế. |
Sự xuất hiện của loại sim ghép "thần thánh" mới là tin vui với cộng đồng người dùng iPhone Lock ở Việt Nam. Dù vây, đây cũng là cảnh báo với người dùng thông thường khi lựa chọn và sử dụng iPhone khoá mạng.
Trong khi với phiên bản quốc tế, iPhone có thể dễ dàng tương thích với các loại sim đang có ở Việt Nam và đa phần tính năng đều sử dụng bình thường (tuỳ thuộc vào từng thị trường), thì iPhone Lock (khoá mạng) khi sử dụng ở Việt Nam đều phải có sim ghép hoặc phải mua mã để biến thành phiên bản quốc tế.
So với sim ghép, chi phí mở mạng bằng mua mã vừa khó khăn mà cũng tốn kém hơn nhiều, có thể lên đến vài triệu đồng ví dụ với iPhone của nhà mạng Sprint (Mỹ). Còn với sim ghép, chi phí bỏ ra để có thể sử dụng được điện thoại rẻ hơn nhưng ngoài việc một số tính năng có thể bị hạn chế, sóng có thể không ổn định hay kén mạng, iPhone Lock cũng có thể bị khoá trở lại bất ngờ như với trường hợp của sim ghép "thần thánh" đời đầu và đời mới. Vì thế, người dùng có thể phải tốn thêm chi phí, thời gian để tìm kiếm sim ghép tương thích sau mỗi lần Apple nâng cấp, thay đổi phần mềm.
iPhone Lock phổ biến ở thị trường xách tay ở Việt Nam, chúng chủ yếu được cửa hàng bán dưới dạng đã qua sử dụng. Giá rẻ hơn nhiều máy mới 100% và bản quốc tế khiến nhiều người ưa chuộng. Ví dụ, iPhone 7 Plus bản khoá mạng (lock) 32GB có giá chỉ khoảng 10 đến 11 triệu đồng trong khi máy mới 100% chưa qua sử dụng đang có giá 17 triệu đồng.
Theo VNE