Làng cưới 2 lần

Thứ ba, 19/06/2012, 13:25
Khác với nhiều dân tộc anh em, người Bahnar ở xã Sơ Ró (huyện Kông Chro, Gia Lai) có một quan niệm khá đặc biệt, mỗi cặp vợ chồng trẻ phải làm đám cưới 2 lần để đảm bảo tính công bằng.
Người Bahnar ở Sơ Ró không theo chế độ mẫu hệ, cũng không theo phụ hệ, với họ là “công bằng hệ”. Theo đó, đàn ông cũng như đàn bà, tuy khác nhau về giới tính, sức khỏe song mỗi người lại được phân công một công việc phù hợp với mình đó là, đàn ông giỏi việc nương rẫy, săn bắt, phụ nữ mang nặng đẻ đau, giỏi việc bếp núc…
 
Họ coi chuyện hôn nhân rất công bằng, khi trai gái muốn về sống chung với nhau, cả hai bên gia đình đều phải tổ chức đám cưới. Hôm nay người nam tổ chức cưới người nữ, hôm sau thì ngược lại.
 
Dân làng hân hoan dự đám cưới của một đôi uyên ương trẻ..

Khi hai bên gia đình chọn xong ngày cưới, những đồ lễ như rượu ghè, heo, gà, gạo… để cúng Yàng cũng chuẩn bị xong, nhà gái hoặc nhà trai sẽ tổ chức đám cưới trước trong một ngày. Đến sáng hôm sau, gia chủ sẽ làm lễ tiễn đưa tân nương (tân lang) về nhà bên kia để chuẩn bị tổ chức đám cưới thứ 2.
 
Đồ lễ theo phong tục gồm có heo, gà, rượu, cơm… tùy theo khả năng, nhà giàu thì tổ chức lớn, nghèo thì đại khái cũng xong. Hai bên gia đình dù nghèo khó đến mấy cũng phải tổ chức đám cưới 2 lần.
 
Sau khi cưới xong, đôi uyên ương sẽ về sống cùng với bố mẹ chồng 2 năm. Hết 2 năm họ lại chuyển về nhà bố mẹ vợ, chuyển qua chuyển lại như vậy cho đến khi vợ chồng đủ khả năng dựng nhà thì ra riêng.
 
Vì chú rể bận vào viện chăm sóc cho cha nên cô dâu Tuơr chỉ biết nhìn
dân làng vui chơi.

Tại đám cưới của đôi vợ chồng trẻ Tuơr (19 tuổi) và Duich (20 tuổi), đều ở làng Quel, quanh ngôi nhà sàn cũ của gia đình cô dâu Tuơr, người già, trẻ nhỏ, thanh niên chia thành từng nhóm túm tụm vít cần bên ché rượu. Một nhóm đàn ông trung niên thì xẻ thịt heo, xâu lại từng xâu để nướng. Họ vui vẻ đánh chén từ sáng đến tận khuya.
 
Khác với nhiều nơi, cô dâu, chú rể ở đây không nhất thiết phải diện trang phục truyền thống, chỉ cần mặc bộ quần áo mới là đủ. Cô dâu Tuơr cũng chỉ ăn mặc đẹp hơn ngày thường trong ngày vui của mình.
 
Thắc mắc vì cô dâu chỉ ngồi một mình, không thấy chú rể đâu, một người làng cho biết: cha chú rể không may sáng sớm bị tai nạn giao thông do đó thằng Duich phải vào viện chăm sóc cha.
 
Theo quy định, trong hôn lễ già làng sẽ nắm tay tân nương, tân lang dõng dạc tuyên bố cả 2 trở thành vợ chồng. Già làng cũng giải thích rằng nếu ai vi phạm chẳng hạn bỏ vợ, bỏ chồng hay phản bội sẽ bị làng phạt vạ với đồ lễ gấp nhiều lần khi cưới.
 
Trong đám cưới hôm ấy, cô dâu Tuơr không được thực hiện nghi lễ này song cô mong rằng mấy ngày sau, tại nhà trai, cô sẽ được già làng cầm tay tuyên bố: 2 người đã trở thành vợ chồng.
 
Những xâu thịt heo trong lễ cưới. 

Nói về phong tục này, già làng Sru cho biết: tất cả phải theo quy luật công bằng, con gái muốn có chồng thì phải tổ chức lễ cưới chồng, trai muốn có vợ thì phải tổ chức lễ cưới vợ, cả hai đều phải cưới nhau.
 
Khi cưới gia chủ phải làm heo, gà, rượu để mời dân làng, nhiều hay ít là tùy hoàn cảnh. Đã thành vợ chồng rồi, ai muốn bỏ nhau trước phải chịu phạt vạ gấp đôi khi tổ chức cưới, lúc ấy phải có trâu, có bò.
 
Theo Vnexpress

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn