Các "hiệp sĩ" thuộc Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm P.Phú Hòa tham gia bắt các đối tượng trộm cắp tài sản - Ảnh: CLB P.Phú Hòa cung cấp |
Theo đó, quyền hạn của các hội viên (còn gọi là “hiệp sĩ đường phố”) được tăng thêm rất nhiều so với quy chế trước đây (ban hành ngày 16.8.2006, trong đó chỉ quy định tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương).
Các địa phương khác cũng cần có quy chế Trả lời Thanh Niên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, phân tích, việc trang bị, sử dụng và quản lý công cụ hỗ trợ được thực hiện theo sự đề xuất của trưởng công an cấp xã. Do đó, các “hiệp sĩ” sẽ khó có khả năng lạm quyền khi sử dụng công cụ hỗ trợ. Ngoài ra, cần phải nhân rộng hơn nữa mô hình câu lạc bộ phòng chống tội phạm này, các địa phương khác cũng nên tham khảo kinh nghiệm của Bình Dương để ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ phòng chống tội phạm phù hợp với địa phương mình. |
Cụ thể, các “hiệp sĩ” được chủ động nắm tình hình, phát hiện, cung cấp các thông tin về tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật cho lực lượng công an; tham gia bắt người có hành vi phạm tội quả tang và người có quyết định truy nã để giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý; tham gia tuần tra giữ gìn trật tự tại địa phương và truy bắt tội phạm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền... Cơ quan công an khi tiếp nhận tin báo về tội phạm và người bị bắt có trách nhiệm tiếp nhận ngay để xử lý theo thẩm quyền.
Đặc biệt, các “hiệp sĩ” được trang bị dùi cui điện, dùi cui cao su, găng tay bắt dao và chịu sự quản lý, hướng dẫn của cơ quan công an và quân sự.
Bên cạnh việc tăng thêm quyền hạn, quy chế cũng ràng buộc nhiều nghĩa vụ. Cụ thể, khi bắt người có hành vi phạm tội quả tang và người có quyết định truy nã phải báo ngay cho ban chủ nhiệm câu lạc bộ (chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp xã làm chủ nhiệm, trưởng công an cấp xã làm phó chủ nhiệm thường trực) và giao ngay người bị bắt cho công an nơi gần nhất.
Trường hợp phát hiện đối tượng nghi vấn phạm tội hoặc truy đuổi người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn của mình hoạt động; hội viên phải báo ngay cho ban chủ nhiệm để báo cáo cơ quan công an có thẩm quyền nhằm tổ chức phối hợp và thông báo cho “hiệp sĩ” ở các địa bàn khác cùng tham gia.
Trong trường hợp “hiệp sĩ” trực tiếp tham gia chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong bộ luật Hình sự; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét hưởng chế độ chính sách theo quy định; nếu tài sản bị hư hại thì được xem xét hỗ trợ.
Trả lời chúng tôi ngày 5/1, Đội trưởng thuộc Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) Nguyễn Thanh Hải cho biết hoạt động phòng chống tội phạm lâu nay hoàn toàn mang tính tự phát nên gặp nhiều khó khăn.
“Chẳng hạn khi chúng tôi truy đuổi và bắt giữ tội phạm ngoài địa bàn, khi giao đối tượng thì công an một số địa phương từ chối, không nhận. Sau khi UBND tỉnh ban hành quy chế thì công an các địa phương trên địa bàn tỉnh rất tích cực trong việc nhận đối tượng. Hay như một số anh em "hiệp sĩ" lợi dụng danh nghĩa câu lạc bộ đi làm bậy cũng không biết xử lý ra sao vì thiếu hành lang pháp lý”, anh Hải chia sẻ.
Trung tá Hà Văn Thanh, Trưởng công an P.Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một), cũng cho rằng: “So với quy chế cũ người trực tiếp tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh đã được quan tâm hơn rất nhiều. Ngoài ra, quy chế mới còn giúp quản lý các câu lạc bộ phòng chống tội phạm dễ dàng hơn”.
Theo Thanhnien