Ảnh minh họa
Mới đây, ngày 12/12/2013, Đội thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu 2, Chi cục hải quan Chuyển phát nhanh, Cục Hải quan TP.HCM tiếp nhận một hồ sơ của ông Nguyễn Bảo Lê, trú quận 3, TP.HCM nhập khẩu một chiếc đồng hồ đeo tay. Tuy nhiên, theo khai báo chi tiết, đây hóa ra lại là chiếc camera siêu nhỏ, với đầy đủ chức năng như chụp hình, quay phim, ghi âm.
Kế đến, ngày 16/12/2013, đội này tiếp tục lại phát hiện thêm trường hợp nhập một bộ chìa khóa xe ôtô của bà Nguyễn Thị Phương có địa chỉ tại Vũng Tàu. Khi kiểm tra thực tế, bộ chìa khóa này được phát hiện chính là một thiết bị quay, ghi âm, chụp hình trộm.
Các loại hàng hóa trên, theo chính sách hiện hành đều được làm thủ tục thông quan nhập khẩu sau khi nộp thuế. Tuy nhiên, Chi cục hải quan chuyển phát nhanh rất lo ngại khi năm vừa qua, nhiều cá nhân đã đăng ký thủ tục nhập khẩu các kiểu thiết bị dùng nghe lén, quay phim, chụp hình, ghi âm trộm mà bề ngoài, chỉ là đồ dùng sinh hoạt thông thường.
Một mẫu đồng hồ camera được rao bán với giá 1,7 triệu đồng. |
Theo hồ sơ của hải quan, trong tháng 4/2013, một vị khách trên là Richard Forwod quốc tịch Anh có địa chỉ tại Q.Thủ Đức, TP.HCM cũng đã 2 lần làm thủ tục nhập các loại hàng “thám tử” trên. Một lô là dao cạo râu, bàn chải đánh răng, chai dầu gội đầu hiệu Adidas có xuất xứ Hồng Kong, một lô là móc quần áo, cây bút bi, cục sạc điện thoại.
Các loại vật dụng này đều là thiết bị công nghệ nghe nhìn mini, dung lượng có thể từ 4 đến 32 GB, có thể điều khiển từ xa, kết nối với máy tính hết sức tinh vi. Các chức năng nghe lén, quay lén này đều thông qua việc đo cường độ tín hiệu tần số vô tuyến.
Trước nữa, cũng chính cơ quan hải quan này phản ánh tình trạng nhập phổ biến mặt hàng bút bi ảo thuật, hay còn gọi là bút bi phù thủy, bút bi thần kỳ. Loại bút bi này có hiệu Firixon Baloo 3, gồm 3 ruột mực khác nhau như đỏ, đen, xanh, kích thước ngòi bi là 0.5mm, hình thức và màu mực không khác gì so với cây bút bi bình thường, nhưng đặc biệt ở chỗ, sau khi viết trên giấy thì chỉ cần dùng nhiệt hơ hoặc dùng đầu xóa ở đầu bút cọ sát là toàn bộ nội dung trên giấy biến mất mà không để lại dấu tích nào.
Hiện nay, chính sách thương mại của Việt Nam không có điều khoản nào cấm nhập các mặt hàng này. Đồng thời, các loại hàng trên cũng không thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện của Bộ Công thương.
Song theo đánh giá của cơ quan hải quan, nếu không quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa này thì nguy cơ bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng dùng vào mục đích xấu là hoàn toàn có thể xảy ra. Sẽ rất nguy hiểm nếu những công cụ này được cài vào các khách sạn, nhà nghỉ hay các khu vực hoạt động yêu cầu riêng tư hay bảo mật.
Chẳng hạn, nếu không phải do cán bộ nhân viên cơ quan chức năng sử dụng trong các nghiệp vụ điều tra, một người bình thường ghi âm trộm, chụp hình, quay phim nghe lén có thể sử dụng để ghi lại những hình ảnh nhạy cảm, xâm phạm bí mật cá nhân… rồi phục vụ vào mục đích khác. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, thậm chí là an ninh chính trị. Đặc biệt trong thời đại các trang mạng xã hội phát triển và nhiều trang web “đen” mọc lên nhan nhản khó kiểm soát.
Trước đây, với bút bi phù thủy, giới tài chính, ngân hàng khá lo lắng vì khả năng bị lừa đảo trong các hợp đồng vay vốn, hoặc hợp đồng kinh doanh thông thường.
Đáng nói hơn, hiện nay, các loại thiết bị công nghệ “thám tử” thường thấy trong các phim hình sự, phim hành động Mỹ đang được rao bán công khai trên nhiều trang mạng ở Việt Nam. Giá cho một sản phẩm có thể chỉ 800.000 - 900.000 đồng, trung bình 2 - 3 triệu đồng, hoặc đắt nhất cũng chỉ 5 - 7 triệu đồng. Các chủ hàng đều quảng cáo, có thể quay hình rõ nét trong ánh sáng yếu, ghi âm xuyên tường bê tông, xuyên vật cản…, giao hàng tận nơi và đảm bảo bí mật 100%.
Về vấn đề này, Tổng Cục Hải quan cũng đã có ít nhất 2 lần báo cáo tới các Bộ Công thương, TT-TT, Công an, Quốc phòng về tình trạng nhập các loại hàng hóa đặc biệt trên, đồng thời kiến nghị các Bộ cần có biện pháp quản lý thích hợp. Song đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có quy định nào quản lý chặt chẽ về việc nhập khẩu các mặt hàng này.
Theo Vietnamnet