Bị cáo nằm trước vành móng ngựa nhưng tòa vẫn xét xử - Ảnh: Quế Hà |
Đồng bọn “không biết tên”
Bản án tóm tắt rằng có một người (không biết tên) đi cùng Nguyệt đến nhà anh Lê Tấn Phú nhờ chăn dê. Sau khi anh Phú không chấp nhận, tối 28.5.2005, Nguyệt lại cùng một thanh niên khác (cũng không biết tên) đến nhà anh Văn Hữu Chiến để thuê anh này lái xe chở đàn dê đi nơi khác.
Đêm 28 rạng sáng 29/5, Nguyệt cùng ba thanh niên (cũng không biết tên) đến chuồng dê của bà Lê Thị Kim Y (ở thôn Hòn Mốc, xã Sông Bình, H.Bắc Bình, Bình Thuận) mở khóa lùa 52 con dê đi chừng 4km. Lúc này, Nguyệt điện cho anh Văn Hữu Chiến đưa xe ô tô đến để chở dê đi. Khi xe đến nơi thì Nguyệt cùng 3 thanh niên (mà tòa gọi là những người chưa biết tên) bắt dê đưa lên xe anh Chiến chở đi.
Khi đến thị trấn Lương Sơn, Nguyệt giao 24 con dê cho Lê Tấn Phú nhờ trông coi và hẹn đến trưa sẽ quay lại bắt. Số dê còn trên xe Nguyệt tiếp tục bảo anh Chiến chở đến chân đèo Đa Mi (H.Hàm Thuận Bắc, cách nơi xảy ra vụ án chừng 45km) bắt dê đưa lên một chiếc xe ô tô khác chở đi tiếp (bản án không thể hiện biển số chiếc xe ô tô này và người mua là ai). Bản án cho rằng “quá trình điều tra Nguyệt không khai báo đồng bọn”.
Bản án vẫn khẳng định có một hợp đồng giữa ông Trần Văn Lý (cha dượng Nguyệt) và bà Văn Thị Ỏn (mẹ Nguyệt) bán trang trại và đàn dê cho bà Lê Thị Kim Y (bị hại). Thế nhưng, bản án cũng thừa nhận đã có sự tranh chấp đàn dê giữa Nguyệt và các thành viên nuôi chung: “Trong thời gian bị cáo có đơn khiếu nại tranh chấp thì đàn dê đã được Công an xã Sông Bình bàn giao cho bà Lê Thị Kim Y quản lý”.
Dù công nhận là có văn bản do bà Nguyễn Thị Lâm ký giấy bán trang trại cho bị cáo và giấy xác nhận của Công an xã Lương Sơn là đàn dê của Nguyệt, nhưng tòa nói đó chỉ là giấy xác nhận do Nguyệt tự lập và giấy kia do công an xã xác nhận bị cáo có hộ khẩu ở Lương Sơn.
Công nhận vi phạm tố tụng!
Bản án dẫn chứng lại hàng loạt các lập luận của luật sư bào chữa cho bị cáo như: Chưa chứng minh đàn dê là của những ai; giao dịch giữa cha mẹ Nguyệt với bà Lê Thị Kim Y là giao dịch bất hợp pháp; trả lại đàn dê 24 con cho bị hại nhưng chưa ra quyết định xử lý vật chứng, hay giả mạo hồ sơ… đều bị bản án bác bỏ. Bản án khẳng định “việc thực hiện hành vi tố tụng của cơ quan điều tra ở giai đoạn điều tra bổ sung năm 2013 có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không phải là nghiêm trọng như luật sư khẳng định”.
Về việc tòa trả hồ sơ gốc cho bị hại Lê Thị Kim Y (sau đó để bà này đem thế chấp ngân hàng và sang tên đổi chủ khác - PV) bản án nhận xét rằng “có vi phạm nhưng không làm ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án”. Việc các luật sư đề nghị khởi tố vụ án hình sự tội giả mạo giấy tờ và tội làm thất thoát 5 con dê đã bị bản án bác bỏ. Bản án còn kết tội Nguyệt “đã nhiều lần gây rối, xúc phạm tòa. Cố tình tạo ra những hình ảnh phản cảm tại phiên tòa”.
“Sỉ nhục nền tư pháp” Trong bản án con số tổng đàn dê lúc thì cho là 52, lúc thì 53 và có lúc ghi 54 con, không biết con số nào là thật. Bản án này là một “kỳ tích”. Nếu người có nghiệp vụ và có tâm, sẽ không thể tuyên một bản án như thế bởi lẽ: Từ giai đoạn điều tra, tố tụng đến xét xử đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng hình sự. Dù biết bị cáo có vấn đề về sức khỏe như phải truyền nước khi tụt huyết áp, vào trạm xá từ 8 giờ sáng. Nhưng quá 11 giờ trưa cùng ngày, lại ra tuyên bố bị cáo vắng mặt không lý do làm căn cứ cho rằng bị cáo trốn tránh và ra lệnh bắt giam bị cáo trong quá trình xét xử. Tôi chưa từng thấy HĐXX nào lại để cho bị cáo nằm ngửa trước vành móng ngựa để xét hỏi. Đây là hình ảnh phản cảm, nếu không muốn nói là sỉ nhục nền tư pháp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các nỗ lực cải cách tư pháp ở địa phương. Một vụ án hình sự, đúng pháp luật, nếu bị cáo không hợp tác vẫn có thể xét xử khi bị cáo vắng mặt. Luật không có điều khoản nào cho phép HĐXX để một bị cáo nữ nằm ngửa trước tòa như thế. Tôi nghĩ sau này tòa phúc thẩm phải đặc biệt quan tâm những chi tiết trên. Đồng thời các luật sư chúng tôi sẽ có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng của Bình Thuận phải có hình thức kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ vi phạm tố tụng trong vụ án kỳ khôi này. LS Nguyễn Toàn Thiện (luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo Nguyệt) |
Theo Thanh niên