Giải mã những vụ án tình “độc nhất, vô nhị”
Ngày 16/4/2011, tại quận Tây Hồ (Hà Nội) đã phát hiện một vụ án mạng kinh hoàng nhằm cướp tài sản. Nạn nhân là ông Nguyễn B. (58 tuổi), sống độc thân, đã bị sát hại trước đó chừng 3-4 ngày. Ông B tử vong do bị tấn công bằng những nhát dao ác hiểm vào vùng đầu, cổ và gáy gây chấn thương sọ não, mất máu cấp.
Hung thủ gây án hầu như không để lại dấu vết tại hiện trường, cảnh sát ví hệt như là hắn “đi không dấu, nấu không khói” dù tối hôm trước khi xảy ra vụ án, có bằng chứng cho thấy hung thủ và nạn nhân đã có mặt tại ngôi nhà này và nấu ăn bữa tối cùng nhau.
Nạn nhân là người đồng tính, sống độc thân, khép kín, ít giao lưu quan hệ với mọi người chung quanh. Sinh thời, nạn nhân có một số mối tình đồng giới nhưng đã là một quy tắc bất thành văn trong giới của họ, danh tính những người tình đồng giới luôn là một ẩn số vì được giữ bí mật. Đó chính là khó khăn và thách thức lớn trong công tác điều tra phá án, để trả lại công bằng cho phía bị hại và trấn an dư luận.
Sự tỉ mỉ và thận trọng của lực lượng điều tra đã có kết quả bằng việc phát hiện được đôi giầy mà ở đó còn lưu dấu vân tay của hung thủ. Kết quả truy nguyên dấu vân tay tại hiện trường cho thấy chủ nhân dấu vân tay là Đàm Văn Tuyên (SN 1988, thôn Lọng Nghè, xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Tuy nhiên, khi cảnh sát tìm về quê hắn thì được biết Tuyên đã vắng nhà từ vài tháng trước.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, kiên trì lần theo dấu vết hung thủ, chỉ 3 ngày sau, trinh sát đã “bắt sống” tên Đàm Văn Tuyên mặc dù hắn đã cạo đầu trọc lóc, mặc quần áo nâu sồng trong vai chú tiểu đi “chắp tác” tại một ngôi chùa thuộc huyện Đông Anh (Hà Nội).
Phát hiện ra “khách lễ chùa”, “tiểu” Tuyên lập tức co cẳng chạy vào trai phòng và chui tọt vào gầm giường lẩn trốn khiến trinh sát phải “móc” hắn ra ngoài, còng tay dẫn giải hắn đi theo lệnh bắt khẩn cấp về tội Giết người, Cướp tài sản. Sau đó không lâu, Đàm Văn Tuyên bị tuyên án tử hình về hai tội Giết người và Cướp tài sản.
Một vụ án rúng động dư luận cũng được lực lượng cảnh sát điều tra phá án thần kỳ nhờ công nghệ truy nguyên dấu vân tay tự động đó là vụ Phạm Trường Pha (21 tuổi, trú tại Đăk Lăk) sát hại người tình già U70 để cướp tài sản xảy ra tại TP Buôn Mê Thuột vào năm 2011.
Việc ứng dụng công nghệ nhận dạng và truy nguyên vân tay tự động là một bước đột phá trong công tác quản lý tàng thư căn cước can phạm, tàng thư căn cước công dân và truy nguyên dấu vết vân tay hiện trường. |
Một bà già 68 tuổi, chủ một thẩm mỹ viện đã bị sát hại bằng những nhát dao chí mạng vào vùng ngực và cổ. Ngoài ra, kẻ thủ ác còn cướp đi điện thoại di động và 8 triệu đồng. Vụ trọng án này có tính chất hy hữu ở chỗ, mặc dù nạn nhân tuổi đã vào hàng “xưa nay hiếm” nhưng khả năng về “chuyện ấy” cũng xưa nay “cực hiếm” luôn khi bà ta có tới vài chục người tình là những trai trẻ U20, và những gã trai này luôn phải vất vả luân phiên nhau “phục vụ” tình già. Căn cứ vào dấu vân tay lạ trên cánh tủ lạnh nhà nạn nhân, lực lượng phá án đã nhanh chóng xác định hung thủ chính là Nguyễn Trường Pha, một sinh viên kém bà B gần 50 tuổi!
Khi bị bắt, Pha thừa nhận mọi hành vi phạm tội. Hắn khai, sau khi đã làm cho người tình già thỏa mãn nhưng hôm đó bà B không cho tiền Pha như thường lệ mà còn tỏ ra giận hờn rồi bắt Pha phải hôn tạm biệt. Pha cảm thấy tức giận và ghê tởm nên bỏ vào bếp lấy nước lọc trong tủ lạnh uống, chính vì thế hắn đã để lại dấu vân tay trên cánh tủ.
Trong lúc uống nước, nhìn thấy con dao trên bếp nên hắn đã bột phát nảy ý định sát hại bà B, rồi tiện tay lấy luôn điện thoại và tiền của nạn nhân, sau đó còn kịp xóa dấu vết hiện trường. Trả giá cho hành vi trên, bị cáo Nguyễn Trường Pha đã bị kết án tù chung thân về tội Giết người.
“Bảo bối” trong công tác điều tra hình sự
Hai vụ án trên chỉ là ví dụ điển hình trong số hàng ngàn vụ án được khám phá bằng công nghệ hiện đại. Bằng công nghệ nhận dạng vân tay tự động, lực lượng cảnh sát đã tra cứu, xác định chính xác hàng ngàn đối tượng, phá hàng ngàn vụ án qua dấu vết thu được tại hiện trường.
Công nghệ nhận dạng vân tay tự động cũng “khai tử” luôn tình trạng các đối tượng truy nã thay hình đổi dạng, thay tên đổi họ để làm chứng minh nhân dân khác hoặc định “qua mặt” cơ quan chức năng trong việc tuyển dụng, xuất cảnh. Đồng thời, đó cũng là công cụ “bịt” kẽ hở trong công tác quản lý, giám sát đối tượng bị án, bị truy nã và phát huy tác dụng hữu hiệu trong công tác quản lý tàng thư, căn cước can phạm.
Với công nghệ nhận dạng vân tay tự động thì máy tính sẽ tự động hóa hầu hết các công đoạn thủ công với tốc độ tra cứu cực nhanh, thời gian chỉ tính bằng phút, bằng giây; tỷ lệ phát hiện đúng đạt 99,7%; tốc độ tra cứu trung bình một yêu cầu đạt được 30 - 45 giây trên cơ sở dữ liệu 200.000 chỉ bản 10 ngón...
Với tính năng hiện đại và ưu việt trên, công nghệ này vừa ứng dụng để tra cứu dấu vết vân tay trên hiện trường phục vụ công tác điều tra hình sự, vừa là phương tiện để xây dựng các hệ thống căn cước can phạm và căn cước công dân tự động hóa, được xem là bước đột phá ấn tượng trong cải cách tư pháp, trong công tác quản lý và nghiệp vụ của ngành cảnh sát nói chung.
Theo Pháp Luật Việt Nam