Bác sỹ Tường phi tang xác bệnh nhân
Vụ việc kinh hoàng này xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (45 đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào chiều tối ngày 18/10 năm vừa qua. Nạn nhân là chị Lê Thị Thanh Huyền (SN 1974, trú tại 36 Hàng Thiếc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), làm việc tại Công ty du lịch lữ hành Sài Gòn chi nhánh Hà Nội.
Theo lời khai của Tường, sáng 19/10 chị Huyền đến thẩm mỹ viện Cát Tường hút mỡ, nâng ngực. Sau ca phẫu thuật chừng 4 tiếng, chị Huyền thấy chóng mặt, người tím tái, sùi bọt mép và tử vong.
Tối hôm đó, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh, 17 tuổi, bê nạn nhân ra ôtô chở đến cầu Thanh Trì vứt xác phi tang.
Đây là vụ án mà nhiều người đang dõi theo và chờ ngày diễn ra phiên xét xử trong năm 2014. Việc phi tang xác nạn nhân của bác sỹ Tường đã gây chấn động dư luận và hành động này đã bị lên án mạnh mẽ, nhiều người hy vọng vào một bản án nghiêm khắc trừng trị thích đáng bác sỹ “tàn nhẫn” này.
Ngày 14/1, sau hơn 3 tháng xảy ra, tại trại tạm giam công an Hà Nội, cơ quan cảnh sát điều tra tống đạt bản kết thúc điều tra vụ án bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân xuống sông Hồng. Bác sĩ Tường bị đề nghị truy tố 2 tội Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế và Xâm phạm thi thể mồ mả, hài cốt.
Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng
Phiên tòa xét xử bị cáo Dương Chí Dũng và 9 bị cáo khác trong vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản” diễn ra từ ngày 12 đến ngày 14/12/2013.
Vụ án được xếp vào một trong 10 đại án tham nhũng lớn nhất, gây thiệt hại cho nhà nước và nhân dân hàng trăm tỷ đồng. Dương Chí Dũng cùng đồng phạm đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình phê duyệt mua ụ nổi 83M.
Chiều 16/12, xác định cựu Cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng không hối cải, khai báo quanh co về việc gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ đồng, TAND Hà Nội đã tuyên phạt mức án tử hình với ông Dương Chí Dũng. Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) bị phạt cùng mức án như ông Dũng về cả hai tội danh. Các bị cáo khác bị tuyên phạt mức án từ 4 năm tù đến 22 năm tù.
Sau phiên xét xử sơ thẩm nhiều thông tin cho rằng bị cáo Dương Chí Dũng có thể thoát án tử hình nếu như khắc phục tốt hậu quả bằng hình thức nộp tiền. Phiên tòa phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng sẽ diễn ra như thế nào và liệu Dương Chí Dũng có thoát án tử hình vẫn là câu hỏi được bỏ ngỏ?
Sắp xét xử Bầu Kiên
Chiều 20/8/2012, Cơ quan Công an đã khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) về tội “kinh doanh trái phép” theo điều 159 - Bộ Luật hình sự và theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10) ngày 20/8/2012.
Vụ án Bầu Kiên được coi là một trong 10 “đại án” tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được VKSND Tối cao đề xuất với Đoàn kiểm tra giám sát của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu vào 12-9/2/2013.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị can Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị truy tố về 4 tội danh, gồm: “Kinh doanh trái phép”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế".
Hai bị can là Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị can: Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng”.
Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội cho biết cơ quan này đã quyết định trả hồ sơ vụ án gây thiệt hại kinh tế lớn xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (Ngân hàng ACB) để tiến hành điều tra bổ sung. Nhiều khả năng vụ án sẽ được sớm được đưa ra xét xử trong nửa đầu 2014.
Theo Phunutoday