Cảnh sát khu vực Nguyễn Văn Cương xác minh hiện trường vụ trộm ở phòng trọ cuối năm 2013 - Ảnh: Đỗ Trường |
Từng có thâm niên làm công an xã, sau khi xã chuyển thành phường, anh Nguyễn Văn Cương (31 tuổi, Công an P.Bình Hòa, TX.Thuận An, Bình Dương) được tiếp nhận trở thành công an chính quy. Với anh Cương, những chuyện đôi khi cười ra nước mắt mà anh gặp phải đã tôi luyện thêm cho anh kinh nghiệm để giải quyết những tình huống khó xử.
“Kỳ án”... chó phóng uế
Tháng 5/2013, thượng sĩ Cương tiếp nhận, giải quyết vụ mâu thuẫn giữa hai người dân ở tổ 1B (KP.Đồng An 2). Nguyên nhân do một con chó nhà người này qua nhà bên kia phóng uế rồi hai gia đình cãi nhau kịch liệt và kiện cáo rùm beng. Thấy câu chuyện thật như đùa, chúng tôi về tận tổ dân phố tìm hiểu.
Vừa kể lại sự việc, ông Đặng Văn Tiến (Trưởng ban điều hành KP.Đồng An 2) vừa lắc đầu ngao ngán nói: “Lâu lắm rồi mới có trường hợp như vậy xảy ra. Khoảng hơn 10 năm trước có một vụ việc do con chó nhảy qua làm gãy đọt bạc hà dẫn đến mâu thuẫn, kiện cáo giữa hai người dân làm tôi nhớ mãi. Đến giờ, vụ việc này (vụ chó ị vào nhà dân - PV) chắc tôi không bao giờ quên”.
Theo ông Tiến, trong khu phố có bà N.T.H.M sống đơn thân nên bà rất gọn gàng sạch sẽ. Một buổi sáng, bà M. thức dậy thì phát hiện một bãi phân chó ở trong sân nhà mình. Nghi ngờ con chó nhà ông N.V.S ở bên cạnh nhà phóng uế nên bà M. rất tức giận và kêu ông S. ra để nói chuyện.
“Lời qua tiếng lại một hồi thì hai bên to tiếng. Chúng tôi đến hòa giải, can ngăn không được nên báo cho cảnh sát khu vực (CSKV) giải quyết. Thế nhưng, chúng tôi chưa kịp báo thì bà M. đã làm đơn mang lên phường tố với công an”, ông Tiến kể.
Tiếp nhận vụ việc, anh Cương cũng rất phân vân, khó xử. Để giải quyết cho có tình có lý, vụ việc được đưa về khu phố để hòa giải lại một lần nữa. Tuy nhiên, khu phố cũng hòa giải không thành nên anh Cương tiến hành lập biên bản vụ việc. Phải mất rất nhiều thời gian sau đó, anh Cương mới xác định được chó nhà ông S. qua nhà bà M. phóng uế và giải quyết dứt điểm vụ việc.
Anh Cương nói đùa: “Trong thời gian này, nếu ông S. làm thịt con chó thì khó mà xác minh được”. Cuối cùng, anh Cương cho hai bên đương sự viết cam kết, một bên phải trông giữ chó cẩn thận, còn một bên thì không chửi bới, thưa kiện nữa.
Cái lồng gà và... nồi nước sôi
Làm CSKV không chỉ quản lý, nắm địa bàn, nhân khẩu hộ khẩu, bảo vệ hiện trường... mà phải chịu trách nhiệm tất tần tật công việc từ phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an toàn giao thông.
Tất nhiên, không phải công việc nào cũng trôi chảy mà ngược lại có khi còn bị phản ứng, làm càn. Khoảng tháng 8.2013, anh Cương cùng lực lượng dân quân, dân phòng, phối hợp đi xử lý tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Khi đến gần khu vực chợ Đồng An thì phát hiện chị H. nấu nước sôi làm thịt gà bày bán nên lực lượng chức năng tạm giữ tại chỗ một lồng gà của chị H. để lập biên bản. Tuy nhiên, chị H. nhảy ra giằng co, đoạt lại lồng gà rồi kéo vào lề đường cạnh nồi nước sôi đang nấu.
“Mặc dù tôi đã cố gắng giải thích là chỉ tạm giữ để lập biên bản vì chị ấy buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Nhưng chị ấy không nghe, bất ngờ lột phăng áo ngoài, chửi bới rồi thách thức: Thằng nào dám vào đây là bà cho ăn ngay nồi nước sôi”, anh Cương kể. Đứng trước tình huống như vậy, anh Cương và lực lượng chức năng vẫn phải nhẫn nhịn. “Chị H. chỉ vi phạm hành chính, lỗi không lớn nên chỉ nhắc nhở thôi. Nhưng nếu mình làm không khéo thì sự việc trở nên phức tạp”, anh giải thích.
Đang trò chuyện với chúng tôi, điện thoại của anh Cương lại rung lên. Một người dân báo ở khu nhà trọ mới xảy ra một vụ mất trộm laptop. Vậy là anh Cương lại tức tốc xuống hiện trường...
Bồ ghen, chồng đòi quan hệ...
Trên 5 năm làm CSKV ở Công an P.Dĩ An (TX.Dĩ An, Bình Dương), với trung úy Trần Văn Công từ việc lớn, việc nhỏ đều phải nhúng tay giải quyết. Thậm chí không ít vụ việc rất khôi hài, tế nhị… nhưng nếu không khéo thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn, ảnh hưởng an ninh trật tự ở địa phương.
Anh Công kể mới đây, chị M.N.L gửi đơn đến công an phường “tố” bồ cũ là ông V.T.M liên tục gọi điện, nhắn tin, khủng bố tinh thần. “Cứ mỗi lần chị L. nhận được tin nhắn, hay điện thoại thì chị ấy lại gọi và chuyển qua điện thoại của tôi, rất phiền phức. Thành ra tôi phải chịu trận chung với nạn nhân”, anh Công kể.
Cuối năm 2013, khi xác minh làm rõ vụ việc, anh Công mới biết chị L. và ông M. có mối quan hệ tình cảm quen biết đã lâu nhưng cả hai đều đã có gia đình. Một thời gian sau, chị L. và ông M. không còn quen nhau nữa thì chị L. quen với anh T.M.T. Cho rằng bị chị L. “đá” mình nên ông M. âm thầm theo dõi. Khi thấy chị L. thường xuyên mua đồ ăn sáng đến nhà trọ cho anh T. thì ông M. nổi máu ghen liền nhắn tin, gọi điện thoại để khủng bố chị L. và anh T. Sau khi làm rõ, lập biên bản cảnh cáo các bên liên quan thì vụ việc mới êm.
Có lần, anh Công phải giải quyết vụ kêu cứu của một người phụ nữ tên Th. về mâu thuẫn trong gia đình. Nguyên nhân chồng của chị Th. là anh V. cứ mỗi lần nhậu say về là bắt vợ phải phục vụ từ A-Z. Nhiều lần chị Th. không đáp ứng được thì bị chửi bới, đánh đập và đuổi ra khỏi nhà. Mỗi lần bị như vậy thì chị Th. lại phải cầu cứu CSKV…
(Còn tiếp)
Theo Thanh Niên