“Tình án” liên tiếp - điều gì đang xảy ra?

Thứ sáu, 21/02/2014, 13:01
Đà Nẵng chưa kịp mở phiên tòa xét xử vụ thanh niên Trần Trọng Phú chém người tình trọng thương rồi tưới xăng thiêu sống ngày 19/12/2013, thì tại thành phố này đã xảy ra tiếp vụ “tình án” oan nghiệt khác: sinh viên Huỳnh Quang Thức dùng dao đâm chết người yêu Huỳnh Ngọc Như Ánh rồi nhảy từ lầu 9 tự tử trong ngày lễ tình nhân 14/2.

Riêng năm 2013 và mới bước sang năm 2014, Đà Nẵng đã có đến 8 vụ án động trời xuất phát từ một nguyên cớ: Tan vỡ trong tình yêu...

Bị cáo Nguyễn Phước Thành trước vành móng ngựa.

Sát thủ máu lạnh “xử” tình phụ

Tháng 4/2013, dư luận bàng hoàng trước vụ chị Phan Thị Hải Yến, 23 tuổi (trú tại quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) bị người tình cũ “xử” ngay trên đường phố: Nguyễn Phước Thành đã tưới cả can xăng vào người Hải Yến rồi châm lửa đốt khiến chị bỏng 95%, dẫn đến tử vong.

Lời khai nhận của hung thủ sau đó càng khiến mọi người phải choáng và ưu tư: Thực hiện hành vi điên rồ như vậy chỉ vì bị... từ hôn. Tội ác man rợ nhưng lý do vẻ như... ngớ ngẩn - một tâm thế thật đáng sợ vì khó lường trước.

Tháng 6/2013, vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh, nhằm răn đe, giáo dục những thanh, thiếu niên có lối hành xử ngông cuồng, nông nổi. Nguyễn Phước Thành lĩnh án chung thân.

Xôn xao chưa kịp lắng xuống thì sáng 19/12/2013 lại xảy ra “tình án” mà hành vi và “kịch bản” gần như lặp lại vụ trước: Sau khi bị người yêu Trần Thị Triều Tiên nói lời chia tay, Trần Trọng Phú đã mang dao và xăng đến tiệm Thảo Nails (25 Bùi Xuân Phái, Đà Nẵng), nơi làm việc của Tiên - đuổi chém rồi tưới xăng, lạnh lùng bật lửa thiêu sống, bất chấp sự can thiệp của những người có mặt tại hiện trường. Tiên bị bỏng nặng toàn thân, quằn quại trong đau khổ, tuyệt vọng của người thân, bạn bè thời gian ngắn rồi cũng tử vong.

Phiên tòa xét xử Phú chưa kịp mở ra, thì một ngày trước ngày tình nhân 2014 lại xảy ra vụ “tình án” khác kinh hoàng không kém. Cũng chỉ vì người yêu quay mặt mà Huỳnh Quang Thức đã dùng dao đâm chết người yêu Huỳnh Ngọc Như Ánh tại ký túc xá rồi nhảy từ lầu 9, tự tử. Cả hai đều là sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, cùng lớn lên, chung trường lớp và yêu nhau trong sáng ở vùng quê nghèo Tam Vinh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam).

Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - PC45 - Công an TP.Đà Nẵng đã có đến 7 trong tổng số 13 vụ giết người năm 2013 tại Đà Nẵng vì nguyên nhân mâu thuẫn tình yêu trai gái. Toàn bộ các vụ “tình án” đều cùng lý do yêu cuồng nhưng không được đáp lại dẫn đến thù hận, ra tay man rợ.

Chuyên gia tâm lý học Nguyễn Duy Hới - nguyên giảng viên Khoa Xã hội học Đại học Huế - cho rằng, hiện tượng giết người tình đang rộ lên giống như hội chứng, một loại bệnh xã hội đang có nguy cơ lây lan. Bản thân lớp trẻ không chịu khó học hỏi, bị ảnh hưởng mặt trái của xã hội thông tin - truyền thông. Vì có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này, nên giải pháp cần đồng bộ và trước mắt báo chí, truyền thông cần điều chỉnh cách đưa tin, tránh khai thác thông tin vụ việc theo kiểu giật gân hoặc lạnh lùng.

Có một thời như thế

Tình yêu mãnh liệt vốn không có tội tình gì, tuy nhiên, áp đặt vào tình yêu những suy nghĩ lệch lạc và hành xử nông nổi, thậm chí thiếu nhân tính như những người trẻ trong các vụ “tình án” vừa xảy ra thì thật đau lòng và thật đáng sợ. Không còn là những vụ việc đơn lẻ mà liên tục xảy ra và giống nhau về cường độ thủ ác, nên “tình án” hiện đang được xem là một hiện tượng xã hội. Vì vậy, dẫu nguyên nhân trực tiếp của những vụ “tình án” này là gì thì đều liên quan đến hệ quả của quá trình giáo dục, từ gia đình, nhà trường, xã hội và cả sách truyện, âm nhạc, phim ảnh, báo chí...

Lý giải về hiện tượng xã hội này, nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, 72 tuổi (Quảng Nam) nói: Tình yêu - tuổi trẻ là vấn đề muôn thuở của loài người. Khi yêu, có thể “nếu vì em mà ta phải điên tình / cơn giận dữ đã tận cùng mê muội” (thơ Nguyễn Tất Nhiên), nhưng dù có bị phụ tình, thì phản ứng, hành xử của tuổi trẻ thế hệ chúng tôi không có sự cay độc, tàn ác đến mức giết người tình.

Kẻ yếu đuối bi lụy, thì tiêu cực nhất cũng là tự quyên sinh, tự chuốc lấy khổ đau, thua thiệt về phần mình. Người tài hoa, lãng mạn thì trút hết nỗi hận tình, những khổ đau oán trách lên cuộc tình, lên người tình bằng thơ, bằng nhạc. Như nhạc sĩ Lê Mộng Bảo (Huế) khi “...yêu nàng / nên vội vàng lên tỉnh / đi tìm theo học đàn”, nhưng rồi sau một năm trở về, nàng ấy đã đi lấy chồng, hận người tình đổi trắng thay đen, nhưng ông ấy cũng chỉ “đập vỡ cây đàn” mà thôi.

Nhiều người yêu nhạc, yêu văn thơ trước năm 1975 biết đến hai tình khúc  Thu, hát cho người (Vũ Đức Sao Biển) và Ru con tình cũ (Đynh Trầm Ca) cùng giai thoại gắn với hai nhạc phẩm này. Rằng, thời phổ thông, cả Đynh Trầm Ca và Vũ Đức Sao Biển đem lòng yêu người con gái tên Thu. Rồi cả hai đều gặp thất bại trong cuộc tình.

“Đau tình”, nhưng phản ứng của cả hai là sáng tác nhiều thơ, nhạc về người con gái đó, bằng ngôn từ đẹp đẽ, bằng trái tim không nguôi rung động:  Ba năm qua em trở thành thiếu phụ / ngồi ru con như ru tình buồn (Ru con tình cũ) hay Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó / để hái dâng người một đoá đẫm tương tư (Thu, hát cho người)...

Nói với tuổi 20, với xã hội

Tôi hỏi thực hư về “tình án” của nhạc sĩ Đynh Trầm Ca, ông chỉ cười rung mái tóc bạc: “Chuyện lâu lắm rồi, có nhiều điều không như giai thoại, nhưng thời buổi ấy hành xử của những thanh niên thất tình chúng tôi khác xa bây giờ. Yêu là cho và nhận lấy phần thua thiệt về mình.

Dù bị phụ tình thì cũng không xem người yêu là kẻ thù, vẫn mong muốn trở thành bạn để được gần người mình thương, “thà như giọt mưa/ đến ôm tượng đá / có còn hơn không”... như Nguyễn Tất Nhiên chẳng hạn”.

Ông muốn nói gì với tuổi trẻ về tình yêu, hành xử của họ bây giờ? Nhạc sĩ Đynh Trầm Ca không trả lời trực tiếp, ông nói ngắn gọn: “Đó (những vụ “tình án”) không phải là tình yêu, mà là vấn đề đạo đức, là hậu quả của nền giáo dục và rộng hơn...”.

Về hành vi tội ác trong những vụ “tình án” của tuổi trẻ, nhà văn Vĩnh Quyền cho rằng: “Đó không hẳn là bản tính của kẻ gây án, mà đôi khi chỉ là khoảnh khắc tăm tối nhất thời của những cái đầu “nóng” đáng thương. Tình yêu tuổi hoa niên thường trong sáng, vô tư.

Nhưng đến kỳ sắp hoặc vừa chập chững bước vào đời, vào xã hội phân cấp với hấp lực danh vị, tiền tài thì tình yêu tuổi đôi mươi không thể “vô tư” mãi mà cũng phải “trưởng thành” theo giai kỳ. Không may, những chàng trai, cô gái có hoàn cảnh không tốt thường gặp thử thách nhiều hơn, đôi khi vô cùng khắc nghiệt. Lúc ấy, mức chênh về điều kiện kinh tế, địa vị xã hội giữa hai gia đình dần trở thành “vấn đề nóng”.

Rồi những bộ hồ sơ xin việc của các em lần lượt bị trả lại, cũng trở thành “vấn đề nóng”. Trong khi đó cánh con gái thường “già dặn” hơn con trai cùng trang lứa, sớm nghĩ đến một mái ấm gia đình với tiện nghi cần thiết, thế là phải lựa chọn có suy tính, mà cánh con trai gọi đó là... “phụ tình”.

Nghe như tiểu thuyết ba xu nhưng đời nó thế thật, và xưa như trái đất. Câu hỏi đặt ra là, xưa thanh niên bị người yêu phụ thì cầm bút làm thơ tình, sao nay tay cầm con dao, tay xách can xăng hồng hộc đi tìm người tình phụ đâm chém túi bụi, thiêu đốt đến chết? Theo tôi, môi trường sống thay đổi làm thay đổi ứng xử của con người.

Trong những vụ “tình án” gần đây, có lẽ đằng sau nỗi “đau tình” còn là “đau đời”: Những cánh cửa vào đời quá hẹp, những cơ hội tiến thân quá ít, tương lai mờ mịt - là yếu tố góp phần dẫn đến trắc trở đường tình, cũng khiến những cái đầu “nóng” vì phụ tình “nóng” thêm, cho đến lúc hung hãn với đời. Đã thế văn hóa phẩm, phim ảnh hành động máu me đầy rẫy trên mạng không ngừng “đào tạo” sát thủ máu lạnh.

Trong khi đó, thử nhìn lại, thấy chương trình giáo dục, cũng như tác phẩm văn học, điện ảnh... đã không dành nhiều thời gian, tâm huyết cho sự nghiệp hun đúc tâm hồn lứa tuổi đôi mươi. Cho nên tôi nói rằng những nhát dao, những chớp lửa trong một số vụ án kinh hoàng kia không chỉ nhằm vào “tình phụ” mà còn nhằm vào cả cái khoảng trống khiếm khuyết của nền giáo dục, vào thế bế tắc của tuổi trẻ trước một xã hội dường như ngày càng phân hóa, lạnh lùng”.

Còn Chủ tịch Viện Khoa học công nghệ và Phát triển Châu Á - ông Lê Viên Mãn - thì thẳng thắn: “Hành xử bạo lực, vô cảm là sản phẩm không bất ngờ của môi trường xã hội hiện nay. Thời chúng tôi học, dù chiến tranh khốc liệt, nhưng ngành giáo dục vẫn đưa ra triết lý rõ ràng là "giáo dục nhân bản - dân tộc - khai phóng" với các mục tiêu tôn trọng nhân cách, phát triển toàn diện con người...

Còn bây giờ, ngành giáo dục không có triết lý. Mục tiêu đào tạo con người trong giai đoạn nhất thời sẽ nhanh chóng bị lạc hậu. Mặt khác, xã hội đang khủng hoảng giết niềm tin. Rồi tôn giáo, lễ nghi bị biến thể, người ta chen lấn lên chùa, đến lễ hội để "cướp ấn", "giành phết", cầu tài cầu lộc... một cách ích kỷ chứ không phải để sám hối, rửa tội, vãn cảnh, cầu an. Tuổi trẻ cần tỉnh táo, lấy tình yêu thương con người để hóa giải, nhưng để có một xã hội nhân bản thì trách nhiệm ấy là của ngành giáo dục, của toàn xã hội."

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn