Tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn giao thông năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 trên địa bàn TP. HCM sáng 5/3, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban an toàn giao thông thành phố cho biết, trong năm qua, có gần 500.000 phụ nữ, trong tổng số hơn 700.000 vụ vi phạm giao thông đường bộ - đường sắt.
Tuy nhiên, có đến 667 nam thanh niên thiệt mạng trong tổng số 773 nạn nhân của tai nạn giao thông. Trong đó, đa số là người có hộ khẩu ở tỉnh.
Cụ thể, thành phố có đến hơn 8 triệu dân và khoảng hơn 1 triệu người nhập cư, song số người chết có hộ khẩu ở tỉnh lại chiếm số lượng nhiều hơn (353/332 trường hợp). Độ tuổi người bị tai nạn giao thông cao nhất được thống kê là 19-24 và khung giờ xảy ra tai nạn nhiều nhất là từ 19h đến 24h hàng ngày.
Theo thống kê của Ban an toàn giao thông TP HCM, có đến 2/3 số trường hợp vi phạm giao thông là nữ, tuy nhiên số người chết vi tai nạn đa số lại là nam. Ảnh minh họa: Quốc Thắng |
Trong khi đó, theo Thượng tá Trần Thanh Trà - Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP. HCM, so với cùng kỳ năm 2012, số lượng vụ tai nạn, người chết và bị thương vì tai nạn giao thông đều giảm. Song, công tác xử phạt của lực lượng CSGT hiện còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc xử lý các trường hợp đã lái xe say xỉn.
"TP. HCM có đặc thù là uống rượu bia sau giờ làm, từ 18 đến 24h, chứ không uống vào buổi trưa như các tỉnh khác. Thêm vào đó, địa bàn khá rộng lớn nên việc xử lý rất khó, không đủ lực lượng. Mặt khác, các trường hợp đã uống rượu bia thường không chịu hợp tác khi cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn. Thậm chí họ còn chống người thi hành công vụ nên CSGT thường phải phối hợp với các lực lượng như CSCĐ, công an địa phương mới xử lý được", ông Trà cho biết.
Người đứng đầu Phòng CSGT cũng cho rằng, dù thành phố đã cấm nhưng tình trạng xe 3-4 bánh thô sơ vẫn còn rất nhiều. Họ là những lao động nghèo, sử dụng loại phương tiện này để mưu sinh.
"Đa số, khi bị cảnh sát dừng xe xử lý, họ thường bỏ luôn xe. Thế nên muốn làm triệt để, CSGT phải phối hợp với các lực lượng khác, phải có xe cẩu chở phương tiện vi phạm về trụ sở... mất nhiều thời gian và công sức", ông Trà nói.
Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, các trường hợp lái xe trong tình trạng có uống bia rượu rất khó xử lý vì các "ma men" không chịu hợp tác. Ảnh: Hữu Công |
Còn Sở Giao thông Vận tải lại cho biết đang gặp khó trong xử lý xe quá tải, một trong các nguyên nhân gây hư hỏng cầu đường và dẫn đến các vụ tai nạn nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là vì quy định không được kiểm tra tải trọng của xe chở các container còn nguyên đai, nguyên kiện, có kẹp chì... Điều này đang tạo kẽ hở cho chủ hàng cố tình vi phạm trong việc xếp hàng vào container.
"Vì vậy, kiến nghị các Bộ chủ quản của các cảng như GTVT, Quốc phòng chỉ đạo các cảng tạo thuận lợi cho CSGT, Thanh tra giao thông vào bên trong kiểm tra hàng hóa xếp vào container, trước khi chúng được xếp lên xe", đại diện Sở GTVT nêu quan điểm.
Trước ý kiến của Sở GTVT, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Hữu Tín đề nghị: "Nếu kiểm tra bên trong cảng gặp khó khăn, dừng trên đường lại gây kẹt xe thì lực lượng CSGT và Thanh tra giao thông đóng chốt trước cổng các cảng, các khu công nghiệp vì 3/4 lượng hàng hóa đều vào ra các điểm này".
Theo ông Tín, khi đó, nếu phát hiện xe chở quá tải thì lực lượng chức năng không cho đi."Trong cảng mình không thể xử phạt nhưng bước ra khỏi cảng thì có quyền phạt ngay. Nếu không xử phạt các loại xe siêu trường, siêu trọng chở quá tải này thì có ngày sập cầu, hậu quả không biết nghiêm trọng đến mức nào", Phó chủ tịch nói.
Kết thúc hội nghị, ông Tín đề nghị các sở, ngành tiếp tục các giải pháp thiết thực mà thời gian qua đã thực hiện và đạt được những kết quả nhất định (3 năm liền kéo giảm số vụ tai nạn, số người chết và bị thương).
"Thành phố đã cử đoàn đi tham quan, học tập các nước để xây dựng trung tâm điều khiển giao thông. Với trung tâm này, chúng ta chỉ ngồi một chỗ nhưng có thể nắm và xử lý được từng trường hợp vi phạm trên đường, không cần phải tốn nhiều lực lượng như bây giờ", ông Tín nói và đề nghị các đơn vị được giao nhanh chóng xây dựng đề án để trình UBND TP phê duyệt.
Theo báo cáo của Ban an toàn giao thông TP. HCM, trong năm 2013 trên địa bàn thành phố xảy ra 5.073 vụ tai nạn làm chết 764 người và bị thương gần 4.600 người. So với cùng kỳ giảm 1.816 vụ, giảm 52 người chết và giảm hơn 1.900 người bị thương. Trong năm không xảy ra tình trạng đua xe trái phép. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng đã phát hiện và giải tán 19 tốp (giảm 3 tốp so với cùng kỳ) tụ tập, lập biên bản xử lý hơn 22.000 trường hợp, tạm giữ hơn 10.100 xe máy. Năm 2013, thành phố có gần 19.300 ôtô và gần 300.000 xe máy đăng ký mới. Nâng tổng số phương tiện đang quản lý trên địa bàn lên hơn 487.600 ôtô và gần 5,9 triệu xe máy. |
Theo VNE