Một ngày trước đó, nghi phạm Nguyễn Kim An (19 tuổi, quê Bình Thuận) đã khai nhận là người ra tay sát hại Lư Vĩnh Đạt (18 tuổi, ngụ Q.6, tạm trú Q.Bình Tân).
|
Lời khai ban đầu của nghi phạm
An khai, khoảng 17 giờ ngày 26/2, An gọi điện thoại rủ Đạt đến phòng trọ ở P.4, Q.Tân Bình chơi. Trong lúc trò chuyện, Đạt tiết lộ gia đình mình có số tiền lớn gửi ngân hàng nên An đã nảy sinh ý định bắt cóc Đạt tống tiền. Đến khoảng 21 giờ 30 cùng ngày, An lấy 6 viên thuốc an thần (do An khó ngủ nên mua sẵn để dùng hằng ngày) cho vào chai nước trà xanh mời Đạt uống. Khi nạn nhân bị sốc thuốc giãy giụa thì An đè xuống, đợi ngất đi mới trói 2 chân cột gập lên đầu rồi bỏ vào bao bố.
Sau đó An một mình khiêng nạn nhân từ lầu 1 xuống đất bằng cầu thang xoắn để phía trước xe, chở đến giữa cầu Phú Mỹ (Q.7) vứt qua thành cầu xuống sông Sài Gòn, lúc đó khoảng 22 giờ cùng ngày.
An khai trên đường đi, nhiều lần nạn nhân đã cựa quậy, sợ rớt xuống đất nên An đã phải dừng xe lại, chỉnh sửa cho thăng bằng. Sau khi vứt xác nạn nhân xuống sông, An về lại phòng trọ dọn dẹp đồ đạc, đem chiếc xe của nạn nhân đi gửi ở bãi giữ xe trên đường Thăng Long, P.4, Q.Tân Bình.
Kể từ thời điểm đó, An đã sử dụng điện thoại của Đạt giả giọng người khác liên lạc với gia đình Đạt và nhắn tin tống tiền. Sau đó, An quay trở lại bãi giữ xe lấy xe gắn máy của nạn nhân nhưng nhân viên bãi giữ xe không cho lấy vì An làm mất phiếu gửi xe.
Nhiều tình tiết cần làm rõ
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, lời khai của An "nạn nhân bị gây mê chưa chết trước khi bị vứt xuống sông" là phù hợp với kết quả giám định. Cũng từ lời khai của An, cơ quan công an đã thu hồi chiếc xe gắn máy (có băng ghi hình An mang xe nạn nhân đến gửi) và thu giữ chìa khóa xe của nạn nhân tại phòng trọ mới thuê của An.
|
Tuy nhiên, theo ông Minh, do lời khai của An có nhiều tình tiết không phù hợp với hiện trường, nên cơ quan công an không loại trừ khả năng có đồng phạm tham gia. Ông Minh giải thích, nạn nhân còn sống trước khi bị vứt xuống sông và chết dưới nước, đã hít sâu vào đến tận phổi một lượng bùn.
Kết quả giám định cũng cho thấy trên người nạn nhân không bị thương tổn; hộp sọ, ngũ tạng không bị chấn thương. Tức là có một chất gì đó làm cho nạn nhân mất khả năng kháng cự nhưng nếu nói thuốc an thần, thuốc gây mê thì chưa chắc đúng. Bởi vì kết quả xét nghiệm cho thấy dù mấy ngày trong nước, thi thể bị phân hủy… nhưng trong phổi vẫn còn hàm lượng cồn lớn, trong khi dạ dày không có thức ăn. Với hàm lượng cồn lớn như đã phát hiện, người lớn cũng sẽ không còn khả năng điều khiển hành vi được nữa.
Vả lại, vào thời điểm (21 giờ 30 - 22 giờ), tại nhà trọ đông người thuê, trên đường đi còn đông người tham gia giao thông, nhiều lực lượng chức năng tuần tra, lẽ nào không bị phát giác?
Đáng chú ý, theo ông Minh, một mình An khó có thể vác xác nạn nhân, cho dù không có sự kháng cự, từ lầu 1 xuống đất bằng cầu thang xoắn nhỏ. Đó là chưa nói, thành lan can của cầu Phú Mỹ khá cao, liệu một mình An có thể đưa xác nạn nhân lên khỏi thành cầu để vứt xuống sông?
Ông Minh cho rằng cơ quan công an đang nghi vấn có thêm đồng phạm khác tham gia và đang tiếp tục làm rõ.
Sẽ làm rõ để rút kinh nghiệm Liên quan đến quá trình tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin ban đầu, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng: “Vấn đề ở đây là năng lực nhận định. Tôi rất bất ngờ thủ phạm rất trẻ tuổi, gần như phương tiện không có gì, xe chở đi cũng là xe của nạn nhân”. Theo ông, “giết trước đòi tiền chuộc sau” là không giống quy luật của hầu hết các vụ tống tiền trước đó, bởi vì phải giữ nạn nhân sống mới lấy được tiền. “Nhưng như tôi đã nói, nguyên tắc khám phá án tống tiền đòi tiền chuộc, ưu tiên hàng đầu là xác định vị trí giải cứu con tin, còn bắt tội phạm là thứ yếu...Vào thời điểm này không phải lúc dừng lại để quy trách nhiệm nhau, trong khi đó Công an Q.Bình Tân là lực lượng chủ công. Với tư cách, trách nhiệm của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, tôi chắc chắn rằng sau này sẽ phải làm rõ để rút kinh nghiệm, có sai sót do năng lực, do trình độ hay do cái gì đó cũng phải làm rõ; để các trường hợp tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác tội phạm, quy trình, cách làm, phản ứng của cán bộ chiến sĩ phù hợp hơn; thậm chí kể cả phải phù hợp với đặc điểm diễn biến tâm lý xã hội”, ông Minh nói. Ông Minh cũng cho rằng nói Công an Q.Bình Tân “không làm gì” là không đúng, bởi vì đã cử người đi Quảng Ngãi, mất thời gian xác minh các nhân viên của dịch vụ đi đòi nợ thuê nghi theo dõi người nhà nạn nhân, nắm rất rõ quan hệ đối tượng nghi vấn và quan hệ với gia đình... |
Phá vụ bắt cóc tống tiền sau hơn 2 giờ Hôm qua 12/3, Đội 2, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45), Công an TP.HCM cho biết vừa bàn giao nghi phạm Lục Thị Bích Thu (49 tuổi, ngụ Hà Nội) cho Công an Q.1 tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo thông tin ban đầu, bà Thu đã lần lượt mua 5 chiếc ô tô của một người quen tên X. (hành nghề mua bán ô tô) không qua công chứng, trong đó có chiếc Innova (BKS: 51A -68244) với giá 250 triệu đồng của bà T.T.L (ngụ Q.4) bán cho ông X. Khoảng cuối tháng 2/2014, bà Thu cho một đàn em mượn một xe đi chơi và bị công an tạm giữ. Khi phát hiện giấy tờ xe giả mạo, công an tạm giữ nên bà Thu yêu cầu X. truy chủ bán chiếc Innova cho Thu gặp mặt giải quyết. Chiều 6/3, Thu cùng 8 đàn em đã đến điểm hẹn gặp bà L. và X. Tại đây, Thu đã ép buộc bà L. viết giấy xác nhận giấy tờ xe Innova là giả; rồi bắt bà L. đưa lên xe taxi chở về một khách sạn trên đường Đặng Thị Nhu (Q.1) giam giữ. Sau đó, Thu liên lạc với chị Tr. (con ruột của bà L.) yêu cầu đem 800 triệu đồng đến chuộc bà L. về. Sợ tính mạng của mẹ bị đe dọa, khoảng 20 giờ 30 ngày 6/3, chị Tr. đã đến trụ sở PC45 trình báo. Trinh sát Đội 2 đã khẩn trương vào cuộc và đến 23 giờ cùng ngày đã bắt giữ bà Thu, giải thoát bà L. |
Theo Thanh Niên