Công an dùng nhục hình: 'Các người có lương tâm không?'

Chủ nhật, 30/03/2014, 09:04
Đó là câu hỏi uất ức của chị Ngô Thị Tuyết (chị ruột nạn nhân Ngô Thanh Kiều) tại phiên tòa xử năm sĩ quan công an ở Phú Yên dùng nhục hình, đánh chết người sáng 29/3 tại TAND TP Tuy Hòa.

Kết thúc phần tranh luận vào sáng 29/3, chủ tọa phiên tòa Lý Thơ Hiền cho biết: Đây là vụ án phức tạp, có nhiều nội dung, chứng cứ cần xem xét thấu đáo nên thời gian nghị án kéo dài. Dự kiến chiều 3/4 tòa sẽ tuyên án.

Trước đó, nhiều người theo dõi phiên tòa đã lặng đi trước hàng loạt câu hỏi đầy uất ức xen giữa những tiếng nấc nghẹn của chị Ngô Thị Tuyết.

cong ly

Hai bị cáo Đỗ Như Huy, Nguyễn Tấn Quang quỳ xin lỗi gia đình nạn nhân. Ảnh: TẤN LỘC

“Sao đánh chết người chỉ bị xử dùng nhục hình?”

Chị Tuyết - người trực tiếp chứng kiến khám nghiệm tử thi em trai mình và kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng để đưa vụ việc ra ánh sáng - đã không đồng ý với đề nghị của VKSND TP Tuy Hòa về việc cho bốn bị cáo hưởng án treo.

“Luật pháp ở đâu khi em tôi bị đánh chết mà bốn bị cáo được đề nghị hưởng án treo? Một con người bị còng hai tay dính vào ghế, hai chân cũng bị còng, không có khả năng tự vệ lại bị năm công an có đầy đủ vũ khí đánh đập tàn nhẫn như vậy. Tử tù trước khi chết còn được cho ăn bữa cơm cuối cùng, còn em tôi có tội gì mà bị bỏ đói suốt từ sáng đến chiều? Khi khám nghiệm tử thi, trong bụng không hề có một chút thức ăn.

Trong khi đó, trưa 13/5/2012, hàng loạt cán bộ công an thản nhiên ngồi ăn cơm trong tiếng la hét đau đớn của em tôi. Các người có lương tâm không? Các bị cáo chối tội đánh vào đầu em tôi gây chấn thương sọ não, vậy ai là người đánh chết em tôi? Các người nghĩ gì khi nhìn thấy những tấm ảnh chụp những thương tích khắp người của em tôi. Các người nói chỉ đánh gây xây xát ngoài da, tại sao các bộ phận bên trong thi thể của em tôi bị nát hết?” - chị Tuyết liên tục chất vấn.

Đối đáp với đại diện VKS, luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại) cho rằng việc công tố viên nói do ông Lê Đức Hoàn (phó GĐ Công an TP Tuy Hòa) có nhiều cống hiến, công trạng nên miễn trách nhiệm hình sự là không đúng quy định của pháp luật. “Ngoài đề nghị khởi tố ông Hoàn hai tội bắt người trái pháp luật và dùng nhục hình, tôi đề nghị khởi tố ông Hoàn thêm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Giải thích về đề nghị này, luật sư Đôn nêu: Kết quả tranh luận tại tòa cho thấy ông Hoàn có dấu hiệu phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bởi ông là phó GĐ Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án, trực tiếp chỉ đạo các cán bộ cấp dưới lấy lời khai anh Kiều nhưng để họ dùng nhục hình đánh chết người.

“Họ đánh chết người mà không dám nhận”

Trong phần tranh luận sáng qua, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cho rằng VKSND TP Tuy Hòa truy tố các bị cáo tội dùng nhục hình là không đúng vì tội danh này chỉ xảy ra trong hoạt động điều tra.

“Đây chỉ là hoạt động của ngành công an chứ không phải là hoạt động điều tra. Vậy VKSND TP Tuy Hòa truy tố năm bị cáo trong vụ án với tội danh trên dựa trên cơ sở pháp lý nào?”. Tuy nhiên, công tố viên đã không chỉ ra được điều luật cụ thể.

Trong số năm bị cáo, chỉ có duy nhất Nguyễn Thân Thảo Thành tham gia đối đáp. Thành yêu cầu cơ quan điều tra, VKS giải thích “vì sao giam bị cáo trong một thời gian dài mà không có lệnh?”. “Có lệnh chứ không phải không có. Tuy nhiên, thay vì VKSND Tối cao ra quyết định tạm giam Thành thì VKSND TP Tuy Hòa lại nhầm lẫn ra quyết định” - kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh trả lời.

Bị cáo Thành tiếp tục khẳng định tất cả lời khai của mình từ giai đoạn điều tra đến phiên tòa hôm nay là đúng sự thật. Để chứng minh việc này, bị cáo Thành nói: “Lời khai của các bị cáo khác là giả dối, che giấu sự thật. Trước đây, khi làm việc với cơ quan điều tra, tôi khai thật là thấy bị cáo Quang đá anh Kiều. Sau đó, Quang gặp tôi, nói: “Chết rồi! Sao em lại khai vậy? Anh cùng anh Quyền, anh Mẫn đã thống nhất là khai khác rồi mà!””.

Với tình tiết này, mặc dù tòa hỏi Nguyễn Minh Quyền, Nguyễn Tấn Quang, Phạm Ngọc Mẫn, Đỗ Như Huy có ý kiến gì không nhưng cả bốn bị cáo đều im lặng.

Nhìn bốn bị cáo vốn là đồng nghiệp công an, Thành nói tiếp: “Các anh đánh chết người mà không dám nhận, lại đổ lỗi cho tôi. Tôi đề nghị tòa làm rõ hơn hành vi đánh người của các bị cáo Quang, Mẫn, Quyền, Huy. Các anh góp tiền cho tôi để bồi thường gia đình nạn nhân. Do tôi không đánh anh Kiều nên tôi không nhận”.

Nói lời sau cùng, Thành bức xúc: “Tôi rất nhục nhã khi đứng với những con người như thế này. Họ đánh chết người mà không dám nhận”.

Động lực lớn nhất là bảo vệ công lý

Trao đổi với PV, luật sư Võ An Đôn (bảo vệ quyền lợi cho gia đình người bị hại) cho biết: “Sau khi anh Ngô Thanh Kiều chết, vợ anh Kiều đang mang thai sắp sinh đã bế theo cháu nhỏ đến gặp tôi. Tôi hướng dẫn gia đình anh Kiều cách chụp ảnh khi khám nghiệm tử thi, sau đó giúp họ làm đơn khiếu nại. Với mục đích tìm ra công lý và có ý kiến đề xuất những người có thẩm quyền xử lý những người thi hành công vụ làm sai luật pháp, tôi nhận làm vụ này hoàn toàn miễn phí”.

“Khi đối đầu với công an, luật sư có lo ngại gì không?”. Với câu hỏi này của PV, luật sư Đôn thừa nhận: “Tôi bị rất nhiều áp lực. Trước hết là áp lực từ những người thân trong gia đình, bạn bè, kể cả đồng nghiệp nói rằng không nên làm vì công việc rất khó khăn, đụng chạm đến lực lượng công an. Thế nhưng tôi nghĩ người làm đúng thì không việc gì phải ngại người làm sai”.

Theo VTC

Các tin cũ hơn