Đây là chiến công đặc biệt của cán bộ chiến sĩ Tổng cục An ninh II, trực tiếp là Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia phá án.
Công tác đấu tranh được đảm bảo tuyệt đối bí mật trong nhiều tháng; đối đầu với các đối tượng phạm tội có thủ đoạn hết sức tinh vi, hành vi phạm tội diễn ra hoàn toàn trên biển. Đường dây buôn lậu quy mô lớn này sử dụng nơi tập kết hàng lậu xa dân cư, kín đáo, sử dụng mật khẩu, ám tín hiệu để liên lạc trốn tránh sự phát hiện của cơ quan Công an. Các đối tượng trong đường dây hết sức manh động và liều lĩnh, được trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống cự khi bị bắt.
Cơ quan An ninh điều tra khám xét nhà riêng vợ chồng Sơn “sắt” vào cuối năm 2013. Ảnh: Ngọc Minh. |
Qua công tác trinh sát, Cục An ninh Kinh tế tổng hợp phát hiện, tại vùng biển Thanh Hóa diễn ra hoạt động buôn lậu xăng dầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh kinh tế. Đối tượng chính điều hành đường dây này là Công ty TNHH Hoàng Sơn, có trụ sở tại Thanh Hóa.
Doanh nghiệp hoạt động dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Trường Sơn, biệt danh “Sơn sắt” và vợ là Nguyễn Thanh Phương. Trực tiếp mua dầu lậu của những đối tượng người nước ngoài, sau khi đã thống nhất số lượng, chủng loại và giá, Sơn và Phương chuyển tiền và tổ chức giao, nhận hàng trên biển theo một tọa độ đã định trước.
Để đối phó cơ quan chức năng, che giấu hành vi phạm tội, hai vợ chồng Sơn - Phương đã thành lập thêm Công ty TNHH Thương mại và Vận tải xăng dầu An Bình và thuê Hoàng Kiếm Bình làm Giám đốc với nhiệm vụ là điều các tàu đi nhận hàng.
Tiến hành giao dịch, các đối tượng sử dụng một tàu có trọng tải 5.300 tấn và một tàu quốc tịch nước ngoài để vận chuyển về Việt Nam mỗi lần khoảng 2.000 - 5.000 tấn xăng hoặc dầu. Mỗi tháng trung bình mua và vận chuyển khoảng hai chuyến. Tàu hàng được neo đậu tại vùng biển giáp ranh giữa Nam Định và Thanh Hóa. Rồi từ đó, hàng được chuyển tải lên các tàu con vào bờ. Sau đó, được đối tượng Phương hợp thức hóa chứng từ xuất bán cho các công ty tại các tỉnh như Thái Bình , Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An để trốn thuế.
Theo ước tính của cơ quan điều tra, trung bình mỗi tháng nhóm đối tượng trên nhập lậu vào thị trường nội địa khoảng 5 đến 10 nghìn tấn xăng dầu. Tạm tính thuế theo giá thời điểm hiện nay, một tấn xăng khoảng 1.010 USD x 12% = 121,2 USD/tấn. Vì vậy, riêng thuế nhập khẩu, các đối tượng đã trốn khoảng 20 - 25 tỷ đồng/tháng.
Từ những thông tin đã thu thập được, hồi 4 giờ ngày 17/12/2013, tại cửa Hới - Thanh Hóa, Tổng cục An ninh II đã huy động trên 170 cán bộ, trinh sát bắt quả tang hai tàu An Bình 126 và An Bình 01 cùng 10 thuyền viên đang thực hiện hành vi buôn lậu 1.640 tấn dầu. Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự; Quyết định khởi tố bị can và thực hiện Lệnh Tạm giam trong thời hạn 4 tháng đối với các đối tượng: Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Ngọc Châu và Nguyễn Văn Tha về tội buôn lậu. Riêng đối tượng Hoàng Kiếm Bình do không có mặt tại địa phương, nên đã ra Quyết định truy nã và phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và Công an Thanh Hóa tiến hành truy bắt...
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội và khai báo về nhiều vụ việc buôn lậu trót lọt trước đó.
Không chỉ bóc gỡ bắt quả tang một đường dây buôn lậu xăng dầu có tổ chức quy mô lớn, thành công của chuyên án còn góp phần ổn định thị trường tiêu thụ xăng dầu trong nước; đề xuất kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm bịt các sơ hở, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa buôn lậu gian lận thương mại. Đây cũng là minh chứng cụ thể khẳng định quyết tâm của lực lượng Công an nhân dân nói chung, An ninh nhân dân nói riêng trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Theo Công Lý