Mới đây, Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Phương (SN 1960, Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Sơn, vợ ''đại gia'' xứ Thanh có biệt danh Sơn “sắt”) và 12 bị can trong vụ buôn lậu xăng dầu xảy ra tại vùng biển Thanh Hóa năm 2012.
Các bị can trên đây bị truy tố về ba tội danh: Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
|
Căn biệt thự của vợ chồng Sơn "sắt" ở thành phố Thanh Hóa. |
Theo cáo trạng, ngày 28/7/2012, tại vùng biển Thanh Hóa, Hải đội 2 - Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan bắt quả tang Chen Xing Chun (quốc tịch Trung Quốc) - thuyền trưởng tàu Jiang Zhou 1 - đang bơm xăng A92 sang các tàu của Việt Nam là tàu Minh Châu 08 (thuộc Cty Tiến Nhật, trụ sở tại Nghệ An) và tàu Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 (thuộc Cty Hoàng Sơn, trụ sở tại TP Thanh Hóa).
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định số xăng mà tàu Minh Châu 08 đã tiếp nhận là 248,5 tấn, trị giá hơn 7,4 tỉ đồng; còn tàu của Công ty Hoàng Sơn đã tiếp nhận hơn 171 tấn, trị giá hơn 5,1 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định về thủ tục giấy tờ của vụ buôn lậu này, ngày 27/7/2012, Công ty TNHH MTV xăng dầu hàng không Việt Nam (Vinapco) có mở tờ khai tái xuất 1.350 tấn xăng A92, tổng trị giá hơn 1,3 triệu USD cho Cty TNHH Hồng Phát, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Nhưng thực tế, Cty Hồng Phát trên chỉ là Công ty “ma” do các đối tượng vẽ ra, còn chủ thực sự của số xăng buôn lậu được làm rõ là A Minh (trú tại Phòng Thành, Trung Quốc) và Nguyễn Văn Thành - chủ khách sạn Hạ Long Star (tỉnh Quảng Ninh)…
Tại CQĐT, đối tượng Nguyễn Thanh Phương khai khoảng đầu tháng 7/2012, Nguyễn Văn Thành đến nhà Phương để bàn bạc việc mua bán xăng dầu tạm nhập tái xuất. Hai bên thỏa thuận bán theo giá thị trường, nhưng Thành sẽ “khấu” 500 đồng/lít dầu và 800 đồng/lít xăng.
|
Hệ thống sang chiết dầu lậu trên con tàu do vợ chồng Sơn sắt sở hữu. |
Để đối phó với cơ quan chức năng trong quá trình vận chuyển, Thành và Phương dùng hợp đồng mua bán xăng dầu từ trước giữa Công ty Hoàng Sơn và Công ty Tiến Nhật… Quá trình điều tra, Phương đã tự nguyện nộp 80 triệu đồng tiền thu lợi bất chính.
Cơ quan chức năng còn làm rõ trước đó, Chen Xing Chun đã nhận 1.600 tấn dầu DO trị giá hơn 1,4 triệu USD của Công ty xăng dầu B12, tái xuất cho Công ty nhiên liệu và chất đốt Hồng Phát Uy Giang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Theo chỉ đạo của Thành và A Minh, Chen Xing Chun đã vận chuyển 1.600 tấn dầu DO đến vùng biển tỉnh Thanh Hóa giao bán cho Công ty Hoàng Sơn 400m3, trị giá hơn 8,2 tỉ đồng và bán cho Công ty Tiến Nhật 350m3, trị giá hơn 7,1 tỉ đồng.
Khi bị bắt, bước đầu, các đối tượng khai nhận lợi dụng hình thức tạm nhập tái xuất để buôn lậu xăng dầu, nhằm trốn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Theo hình thức tạm nhập tái xuất, xăng dầu từ nước ngoài khi nhập về Việt Nam sẽ được bơm lên tàu vận tải và niêm phong, kẹp chì để chở thẳng đi Trung Quốc theo hợp đồng với chủ hàng. Tuy nhiên, khi ra biển, các đối tượng không chở hàng về Trung Quốc mà bán ngay trên biển cho các tàu Việt Nam để nhằm trốn thuế.
Như vậy, dù sử dụng nhiều chiêu thức buôn lậu nhưng hầu hết đều núp dưới hình thức tạm nhập tái xuất. Nhưng sau khi tạm nhập thì vợ chồng Sơn sắt không tái xuất mà quay lại thẩm lậu vào nội địa số xăng này về Việt Nam. Lực lượng Hải quan đã bắt quả tang tàu Châu Giang đang hút xăng sang 3 tàu nhỏ để thẩm lậu trở lại vào nội địa. 4 tàu bị bắt giữ gồm: tàu Giang Châu (mang quốc tịch Trung Quốc) và 3 tàu nhỏ là Hoàng Sơn 09, Hoàng Sơn 02 và Minh Châu 08 đều là tàu của Công ty TNHH Hoàng Sơn do vợ chồng Sơn Sắt làm chủ.
Cũng liên quan hành vi buôn lậu xăng dầu, cuối tháng 12/2013, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam chồng của Nguyễn Thanh Phương là Nguyễn Trường Sơn (SN 1954 , tức Sơn “Sắt”, trú tại phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) và 4 người khác về hành vi buôn lậu.
Đây là vụ án buôn lậu xăng dầu có tính chất khác với vụ án mà Nguyễn Thanh Phương bị truy tố ở trên.
Bước đầu CQĐT xác định vợ chồng Nguyễn Trường Sơn thông qua một đối tượng người nước ngoài và thống nhất nhập lậu dầu với số lượng khoảng 2.600m3 dầu DO và đặt cọc trước 26 tỉ đồng.
Các đối tượng nhập lậu dầu DO với giá 20.000 đồng/lít, đưa về Việt Nam bán với giá 21.000 đồng/lít. Sáng 17/12/2013, khi các đối tượng đang giao dịch tại vùng biển Thanh Hóa thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. CQĐT phối hợp với Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xác định số lượng dầu các đối tượng đã giao nhận là hơn 1.640m3 dầu DO.
Vụ buôn lậu xăng dầu của vợ chồng Sơn sắt là vụ buôn lậu trên biển khu vực miền Trung lớn nhất từ trước tới nay. Tần suất của các tàu hoạt động, trung bình 1 tuần/chuyến, có tháng từ 5-6 chuyến. Việc xác lập chuyên án đấu tranh với những đối tượng này phải rất kỳ công, nhất là công tác đấu tranh trên biển, giá trị tiền trốn thuế là 17 tỷ đồng. Hiện nay vụ án đang được mở rộng điều tra.
Theo một cựu sĩ quan cảnh sát thuộc đội CSGT đường thủy nội địa CA Thanh Hóa, Công ty Hoàng Sơn lập cảng xăng dầu trái phép bên bờ đê sông Mã đã từ lâu, rất nhiều đoàn thanh tra về thanh kiểm tra nhưng không xử lý được, bến cảng này vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến nay...
“Trung bình mỗi tháng doanh thu của Hoàng sơn là 300.000.000.000 đồng (Ba trăm tỷ đồng). Thử đối chiếu với sổ sách kế toán của Công ty Hoàng Sơn xem có khớp với thực tế bán hàng hàng tháng, quý chưa?... Tổng số thuế Hoàng Sơn đóng cho nhà nước được bao nhiêu?”, vị này nói.
Vấn đề đặt ra là Công ty Hoàng Sơn được ai bao che, tiếp tay để Hoàng Sơn buôn lậu một thời gian dài hàng chục năm với quy mô lớn, có cả một bến cảng xăng dầu lập trái phép bên bờ sông Mã hàng ngày xe cộ tàu thuyền vào ra tấp nập chở xăng dầu đi tiêu thụ. Cảng này nằm cách trung tâm thành phố không đầy 4km nhưng không bị phát hiện.
Theo Kiến thức