|
Những tình tiết được nêu trong bài viết này vào thời điểm đó được xem là những thông tin bí mật. Các phóng viên ít được tiếp cận và nếu có tiếp cận cũng sẽ phải thông tin dè dặt để tạo điều kiện cho công tác điều tra.
“Nếm mật nằm gai”
Nếu bây giờ hỏi lại chuyện phá án giết hại 5 phu trầm tại vùng biên giới Việt - Lào, nhiều trinh sát Công an và BĐBP tỉnh Quảng Trị dù thoáng tự hào nhưng vẫn còn lắc đầu... ngao ngán. Cũng phải, bởi vị trí vụ án khủng khiếp ấy xảy ra là một nơi cực kỳ hiểm trở, một nơi thâm sâu cùng cốc. Lực lượng chức năng đã không thể vất vả hơn để lần tìm những manh mối của vụ án.
Được biết, vào thời điểm này, sau khi kết nối lại thông tin, lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Trị và Công an tỉnh Quảng Trị đã lập tức thành lập Ban chuyên án bí số 313G do thiếu tướng Lê Công Dung, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, làm trưởng ban. Cùng với đó, lực lượng chức năng phía nước bạn Lào cũng đã cử nhiều trinh sát sang VN phối hợp phá án.
Từ ngày 28/3 đến 2/4/2013, một lực lượng hùng hậu đã tham gia vào chuyên án với nhiều mũi khác nhau. Mũi 1 đi Quảng Bình để gặp thân nhân người bị hại và 2 phu trầm đã thoát được. Mũi 2 đi soát xét các đối tượng nghi vấn tại địa bàn các xã Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Việt (H.Hướng Hóa, Quảng Trị). Mũi 3, cũng là mũi chủ công, đi thẳng vào rừng vừa khám nghiệm lại hiện trường vụ án vừa bày binh bố trận, mai phục đối tượng.
Khi các nghi phạm chưa lộ diện thì đồng nghĩa rằng khó khăn đang bủa vây những cán bộ, chiến sĩ đang “uống mật nằm gai” ở chốn này. Thượng tá Nguyễn Viết Tân, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cù Bai (BĐBP tỉnh Quảng Trị), cho biết: “Đường đi vào hiện trường vụ án cực kỳ hiểm trở, vách đá dựng đứng, phải đi bằng “4 chân” (bò cả tay và chân). Đi vào còn đỡ chứ đi ra phải mang theo 5 thi thể nữa thì ai cũng bở hơi tai. Thú thật, chúng tôi là lính biên phòng, đi tuần tra trong rừng thường xuyên mới gắng nổi”, thượng tá Tân kể.
Khổ sở nhất là lực lượng công an, bởi quen “tác nghiệp” trong nội địa, vùng đồng bằng nên khi phải điều tra án ở chốn “thâm sâu cùng cốc” nhiều anh đã “bở hơi tai”.
Thông tin từ thượng tá Lê Quang Công, quyền Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an tỉnh Quảng Trị), thì sau nhiều ngày mật phục, ăn uống qua loa, thượng úy Trương Quang Sơn (cán bộ của đơn vị) đã bị xỉu vì hạ đường huyết, phải nằm điều trị tại BV quân dân y kết hợp của Đoàn kinh tế quốc phòng 337. Chưa hết, cũng bởi băng rừng lội suối nên rất nhiều anh em, chiến sĩ bị vắt cắn, đá rạch, máu tứa ra đỏ cả áo.
Cũng sau chuyên án, 5 sĩ quan biên phòng đã nhập viện vì sốt rét. “Nói thật, lúc ấy nếu không vì mong muốn tột cùng là phải phá án, lấy lại niềm tin cho nhân dân thì chúng tôi khó mà bước nổi”, thượng tá Công trần tình.
Manh mối dần hé lộ
Như đã nói ở bài trước, vì nhiều lý do, trong khoảng hơn 1 tuần khi cơ quan chức năng chưa tóm được nghi phạm gây ra vụ thảm sát 5 phu trầm quê Quảng Bình thì thông tin trên báo chí khá nhiễu loạn. Nhiều giả thuyết đã đặt ra...
Nhưng thông tin từ thượng úy Đặng Tất Phùng, Đồn phó trinh sát Đồn biên phòng Cù Bai, vào thời điểm đó cho biết anh là một trong 5 sĩ quan biên phòng tham gia tiếp cận hiện trường vụ án ngay sau khi nhận thông tin và trợ giúp người dân đưa thi thể nạn nhân về an táng. “23 người thân của các nạn nhân cũng tham gia vào đoàn tìm kiếm.
Tất cả xuất phát lúc 9 giờ 30 phút ngày 26/3/2013. Cắt rừng, leo núi tường đá cheo leo, đoàn đến được hiện trường bắt cóc (tạm gọi là hiện trường 1) vào khoảng 13 giờ cùng ngày. Lán trại còn nguyên nhưng bên trong đồ đạc, xoong nồi bị đá, đạp, làm mắm muối cơm nước văng tung tóe và đã bắt đầu lên mốc.
Theo những nhân chứng đã trốn thoát, chính nơi này vào trưa 23/3/2013, khi 7 người tìm trầm đang nghỉ tại lán thì bị nhóm 3 đối tượng khống chế, bắt cóc. Sau khi các nạn nhân bị trói ngoặt tay về phía sau, các đối tượng tiếp tục khống chế đưa các nạn nhân đi về hướng Lào. Trên đường đi, chúng lấy dây rừng quàng vào cổ 7 nạn nhân, nối liền nhau phòng có người chạy thoát. Đến 18 giờ ngày 23/3/2013, các nạn nhân bị đưa đến địa phận trên đất Lào”, thượng úy Phùng kể.
Cũng theo thượng úy Phùng, khoảng 15 giờ ngày 26/3/2013, đoàn tìm kiếm đến được hiện trường án mạng (tạm gọi là hiện trường số 2) và ai cũng phải rùng mình với những gì mình nhìn thấy. “Một cảnh tượng không thể kinh hãi hơn”, thượng úy Phùng chép miệng.
Một tia sáng lóe lên vào ngày 29/3, khi bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xác định được 2 nghi phạm tên Công và Thành, song không rõ cả hai trốn ở đâu. Đây là 2 kẻ bất hảo thường phá làng phá xóm, thuộc diện “ma quỷ” và thường gây nỗi kinh hoàng cho người dân địa phương. Vào thời điểm “tranh sáng tranh tối ấy”, có thông tin còn cho rằng trong ngày 29/3, dù đã rất nhanh chóng nhưng lực lượng chức năng đã “vồ hụt” Công và Thành do sự tinh ranh của chúng.
Khi những manh mối này phát lộ, tưởng rằng những tháng ngày “nín thở” đã qua nhưng thực tế cho thấy, phải mất thêm nhiều ngày “khổ sở” “nằm sương, nếm mật” nơi núi rừng heo hút và tung thêm quân (kể cả chó nghiệp vụ), cơ quan chức năng mới “bắt tận tay, vày tận óc” được những kẻ thủ ác.
(Còn tiếp)
Theo Thanh Niên