Những chuyện bi hài giữa đại ngàn - Kỳ 3: Vụ án... con bò lạc

Thứ bảy, 08/02/2014, 13:55
Tháng 11, cái nắng của Tây nguyên như thiêu như đốt. Nắng chạy khắp nơi, trên cánh đồng đốt khô rơm rạ, nắng chạy vào trong mỗi cái nhà khiến người làng Náp, xã Ia Mor, huyện Chư Prông, Gia Lai chẳng buồn đi đâu.

Mùa khô mới chỉ bắt đầu mà con bò duy nhất thì đã bán đi rồi, Rơ Mah Thái đang buồn rầu không biết bán con bò rồi thì lấy bò con đâu để nuôi? Đang thiu thiu nghĩ ngợi bỗng một con bò to bằng mấy cái ché từ đâu nhảy vào chuồng. Con bò rống lên ba tiếng như tìm gì đó rồi nghếch cái mũi đòi uống nước.

Chú bò... từ trên trời rơi xuống

Bò đâu tới đây he? - Rơ Mah Thái tự hỏi. Cả vợ Rơ Mah Thái cũng chạy ra. Con bò đẹp quá, từ cái mũi đến cái đuôi Thái đo được đúng 18 gang, mùa khô này mà có con bò béo tốt đến nhà phải là điềm lành lắm đây. Cả hai vợ chồng xuýt xoa mân mê rồi bỗng nhiên cả hai nhìn nhau: “Bò của Yàng cho vợ chồng mình rồi”.

Cách đó chưa đầy mấy chục bước chân, vợ chồng Siu Phăm mấy hôm nay đứng ngồi không yên. Chiều đó Phăm không thấy con bò của mình trở về chuồng như thường lệ. Mất bò như mất đi thứ tài sản quý giá nhất, vợ Phăm cứ chiều nào cũng ngồi bên hông nhà khóc miết, chồng thì toét cả bàn chân vì suốt ngày đạp rừng đi tìm bò.

Ba tháng ròng rã trôi qua, chuyện con bò đi không trở về cũng như cái đau cái ốm mà Yàng bắt vợ chồng Phăm phải chịu, vợ Phăm cũng nguôi ngoai dần. Thế rồi chiều hôm ấy, khi vừa từ rẫy trở về thì có người làng chạy qua hớt hải mách nước: “Ối thằng Phăm, hôm qua tao thấy nhà Rơ Mah Thái bán con bò mộng to lắm. Có cái cục thịt ở háng con bò y hệt như con bò đực của vợ chồng mày”. Nghe mách nước, Siu Phăm bừng tỉnh, chạy băng băng một chặp qua đến bên kia làng Náp. Nhưng lúc này con bò vừa được một thương lái chở ra khỏi địa bàn xã. Phăm thở hồng hộc vì mệt, phần vì tiếc nhưng cũng chẳng biết làm sao.

án tranh chấp
Siu Phăm mừng rỡ khoe cặp dây thừng sau khi đòi lại được con bò bị lạc chuồng

Từ ngày được mách nước nhà Rơ Mah Thái mới bán con bò y hệt con bò của mình, không hiểu sao Siu Phăm đêm nằm không ngủ được. Phăm cứ gác tay lên trán là lại thấy con bò của mình ở bên nhà thằng Thái. Có khi giữa đêm Phăm không ngủ được nên dậy mở cửa bước ra ngoài làng, ngẫm nghĩ coi có nên kiện thằng Thái tội bắt bò hay không? Nhưng rồi Phăm lại nghĩ: Lỡ không phải Thái bắt bò của mình, làng lại phạt vạ thì vợ chồng không biết lấy gì mà đền.

Hai cuộc tỉ thí gay cấn

Phó chủ tịch UBND xã Ia Mơr Trần Quốc Toàn nói vụ con bò đi lạc này ông là người được UBND xã giao chịu trách nhiệm trực tiếp phân xử. Quả là một vụ án khó vì tình tiết để phân định con bò thuộc về gia đình nào gần như không có gì rõ ràng. Nếu không giải quyết sớm thì cả hai bên sẽ dẫn đến việc áp dụng những hình thức phạt vạ nguy hiểm.

Hai ngày sau khi Rơ Mah Thái ở làng Náp bán đi con bò của mình, chiều đó Siu Phăm do dự mãi rồi quyết chí chạy qua nhà Rơ Mah Thái để... đòi bò. Mặc dù chú bò “từ trên trời rơi xuống” nhưng vợ chồng Rơ Mah Thái nhất quyết không chịu nhận là mình đã bán con bò đi lạc. Thái nói rằng con bò mà mình mới bán là bò hai vợ chồng nuôi được từ trước đến nay. Con bò này nuôi ở cả làng Náp ai cũng biết. Già làng cũng biết.

Tranh cãi suốt một ngày, bên nào cũng nhận là bò của mình nên chiếu theo lệ làng, cả Siu Phăm và Rơ Mah Thái được dẫn ra làng để nhờ làng phân xử. Nhưng bất hạnh cho Siu Phăm, nơi xảy ra vụ việc là làng Náp nên già làng Náp sẽ làm “chủ tọa”. Già làng hỏi vài ba câu rồi “tuyên án”: “Siu Phăm có một con bò, nhưng con bò này đi đâu không rõ. Nay thằng Rơ Mah Thái cũng có một con bò, con bò này mới được bán cho người ta. Làng thấy con bò mà Rơ Mah Thái đem bán là bò... được dắt từ trong chuồng của nhà Thái nên chắc chắn bò phải thuộc về nhà Thái”. Nghe tuyên án xong, Siu Phăm ấm ức trong người, về nhà vợ hỏi thì Siu mới vỡ lẽ: “Mình bị xử thua là đúng rồi, già làng ở làng Náp thì phải xử cho người của làng Náp thắng chớ! Phải chi xử bên làng Klả thì mình đã lấy được con bò rồi”.

án tranh chấp
Nữ già làng Ksor BLâm kể lại câu chuyện tranh chấp con bò lạc giữa Rơ Mah Thái và Siu Phăm

Ông Trần Quốc Toàn cho biết dù đã được già làng xử thua nhưng Siu Phăm vẫn ấm ức không chịu và tiếp tục đi kiện. Sau nhiều lần theo đuổi vụ kiện, già làng Náp đồng ý để hai bên đưa nhau ra “nao nhũ ia” (tiếng Kinh có nghĩa là phạt lặn nước). Hai người sẽ ra đầu suối để thi lặn nước, ai nổi trước thì người đó thua và buộc phải chịu phạt vạ cho người kia. Nhưng cả Rơ Mah Thái và Siu Phăm đều không biết lặn nước, khi cả hai đang đi khắp làng để thuê người giỏi lặn ra tỉ thí thì chuyện đến tai UBND xã. Theo ông Toàn, tục phạt vạ bằng lặn nước là một luật tục nguy hiểm được sử dụng trong việc phân xử của người Ja Rai từ trước đến nay, UBND xã đã nghiêm cấm nhưng nay lại tiếp tục được áp dụng.

Sau khi cán bộ xã “giải cứu” được đôi bên khỏi cuộc phạt vạ bằng tục lặn nước thì cả Rơ Mah Thái và Siu Phăm được mời lên trụ sở UBND xã. Tại đây, sau khi nghe hai bên trình bày rõ câu chuyện, cán bộ xã quyết định: Xã sẽ đứng ra phân xử.

Chú bò sau hai ngày được bán đi khỏi làng được các công an viên rải đi tìm, ra tận Pleiku mới dắt được bò về khi người mua đang chuẩn bị đưa bò vào lò mổ. Nhìn thấy bò của mình được đưa về buộc giữa sân UBND xã, Siu Phăm sướng rơn người nhưng không biết cách nào để lấy lại được. Về phần Rơ Mah Thái thì đinh ninh rằng chú bò đã được mình cắt một vết ở tai để làm dấu thì chắc chắn không ai có thể nhận được.

Cán bộ xã Ia Mơr vò đầu vì vụ phân xử khó, rồi chợt nghĩ ra cách: Tách hai “phạm nhân” ở hai buồng khác nhau, phát cho mỗi người một tờ giấy để làm... bài văn miêu tả về chú bò của mình. Ai miêu tả đúng hơn thì bò thuộc về người đó. Đúng một giờ sau, bài văn miêu tả của Siu Phăm dài đến hai trang giấy, miêu tả chi tiết chú bò mua của ai, dài bao nhiêu gang, có bao nhiêu cái đốm trên lưng... Nhưng phía bên kia Rơ Mah Thái cũng không kém. Rơ Mah Thái tả rằng con bò mình bán đi “có một vết sẹo ở tai” do bị cây rừng cứa vào khi còn nhỏ. Phó chủ tịch xã cầm hai bài văn đọc lên cho mọi người nghe, bài văn của Siu Phăm thuyết phục được “hội đồng” vì miêu tả đúng bảy khối u nằm dưới bụng chú bò lạc.

Nhận được bò sau hơn ba tháng mất tích, Siu Phăm mừng như đào được vàng. Siu Phăm hớn hở: “Bò của mình nuôi nên mình biết mà, Rơ Mah Thái không thật thà, làng phải phạt nó thôi”. Ông Trần Quốc Toàn thì nói sau khi xã đọc quyết định phân xử cho Siu Phăm được thắng bò, Rơ Mah Thái tâm phục khẩu phục rồi lí nhí thừa nhận: “Thấy con bò đẹp nên tưởng là được Yàng tặng”. Sau khi thua kiện, Rơ Mah Thái phải bỏ tiền ra đền lại bò và chịu để gia đình Siu Phăm phạt vạ bằng một con heo và chầu rượu ghè.

Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn