Thêm chiêu lừa nợ cước điện thoại

Thứ sáu, 11/04/2014, 11:15
Ngày 10/4, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) CA TP.HCM cho biết vừa bắt quả tang Yang Ti An (39 tuổi, người Đài Loan, Trung Quốc) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bảng tên Yang Ti An sử dụng để lừa nạn nhân - Ảnh: G.Minh

Đây là người mới nhất trong số gần 30 người bị PC46 bắt giữ liên quan tới đường dây lừa đảo bằng chiêu thông báo nợ cước điện thoại.

Theo PC46, ngày 4/4, một nhóm người gọi tới số máy điện thoại bàn của bà P.T.T.T. (ngụ Q.Tân Bình) thông báo nợ cước điện thoại. Sau đó, họ lừa bà T. rằng bà đang nằm trong vòng điều tra của Công an tỉnh Tây Ninh do có liên quan tới một đường dây rửa tiền xuyên quốc gia. Bằng nhiều chiêu thức dụ dỗ, đe dọa, khủng bố tinh thần, nhóm này đã buộc bà T. chuyển 600 triệu đồng vào tài khoản mang tên Nguyễn Hoàng Sơn (tại Ngân hàng Sacombank).

Sau khi chuyển tiền vào tài khoản nói trên, bà T. nghĩ mình bị lừa nên trình báo công an và cơ quan điều tra đã kịp thời phong tỏa tài khoản khiến nhóm lừa đảo chưa kịp rút tiền.

Do không rút được 600 triệu đồng nói trên, nhóm lừa đảo tiếp tục liên lạc, yêu cầu bà T. chuyển tiếp số tiền 200 triệu đồng vào một tài khoản khác. Bà T. không đồng ý, nhóm này đề nghị bà giao tiền mặt cho một “cán bộ kiểm sát thuộc Viện Kiểm sát nhân dân TP”.

12 giờ ngày 5/4, tại điểm hẹn giao tiền trên đường Lý Thường Kiệt (P.8, Q.Tân Bình), Yang Ti An đóng vai cán bộ Viện kiểm sát, có đeo bảng tên ghi “Việt kiểm sát nhan dan tốt hanh pho ho chi minh” (?). Khi giao nhận tiền, Yang Ti An yêu cầu bà T. ký vào tờ “biên bản kiểm chung tài sản”, sau đó giao lại cho bà T. để lấy tiền mang đi thì bị bắt.

Tại PC46, Yang Ti An khai đang làm việc ở một công ty kinh doanh ôtô cũ tại Đài Loan, có nợ tiền của nhiều người nên nghe lời dụ dỗ của một người qua Việt Nam thực hiện chiêu lừa nói trên. Yang Ti An khai người cầm đầu tên A Xương, người này làm hộ chiếu, xin visa cho Yang Ti An vào Việt Nam và giao đầu mối tại Việt Nam để liên lạc, thực hiện việc lừa đảo...

PC46 cho biết hiện đã khởi tố bảy vụ án, 26 bị can, trong đó có sáu người Đài Loan, Trung Quốc. Trong số này, Nguyễn Hoàng Sơn (32 tuổi, ngụ TP.HCM), người làm thẻ ngân hàng bán cho nhóm lừa đảo, bị khởi tố về hành vi lừa đảo. Hàng chục nạn nhân đã bị lừa khoảng 20 tỷ đồng.

Mặc dù Công an TP đã thông báo về thủ đoạn lừa đảo này tới từng hộ dân nhưng nhiều nạn nhân vẫn tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo. PC46 đã có văn bản kiến nghị ban giám đốc Công an TP ra quy định buộc cảnh sát khu vực chịu trách nhiệm thông báo tới từng hộ dân chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo này. Nếu khu vực nào có người dân bị lừa, cảnh sát khu vực ở đó sẽ phải kiểm điểm, chịu hình thức xử lý.

Nên từ chối cuộc gọi báo nợ cước qua điện thoại

Một cán bộ của PC46 khuyến cáo các công ty viễn thông tại Việt Nam không thông báo nợ cước qua điện thoại, do đó khi nhận điện thoại thông báo về nợ cước, người dân nên từ chối cuộc gọi, không tiếp tục nghe để tránh bị đe dọa, gây hoang mang dẫn tới việc bị lừa gạt.

Quy định của các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam hiện nay không làm việc qua điện thoại, khi cần làm việc phải có giấy mời, giấy triệu tập. Trường hợp thu giữ tài sản, vật chứng, tiền bạc... của cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, phải có quyết định và lập biên bản thu giữ. Người dân cần lưu ý không tự ý chuyển tiền vào tài khoản của người khác sau khi nghe điện thoại thông báo nợ cước điện thoại hay bất cứ lý do gì.

Theo Tuổi trẻ

Các tin cũ hơn