Sẽ đề xuất triệu tập điều tra viên đến tòa nếu có lời khai dùng nhục hình

Thứ sáu, 11/04/2014, 07:19
Đây là những thông tin được Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho biết khi trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị thực hiện chiến lược cải cách tư pháp và nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án trong 6 tháng cuối năm vào chiều qua 10/4.

Ông Nguyễn Sơn
Ông Nguyễn Sơn - Ảnh: Hoàng Trang

* Phiên tòa sơ thẩm vụ án dùng nhục hình ở Phú Yên đang gây bức xúc trong dư luận, TAND tối cao nhìn nhận sự việc này như thế nào và sẽ làm gì sau khi Chủ tịch nước đã yêu cầu Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng Viện KSND tối cao chỉ đạo giải quyết vụ việc theo đúng quy định pháp luật?

- Sau khi xét xử sơ thẩm, chắc phía bị hại sẽ có kháng cáo và đây sẽ là thẩm quyền của TAND tỉnh Phú Yên trong phiên xét xử phúc thẩm tới đây. Qua tranh tụng tại tòa vừa rồi dư luận cho rằng có chuyện bỏ lọt tội phạm, chưa đúng tội danh. Do đó trong phiên phúc thẩm tới đây tòa phải làm rõ những vấn đề này, nếu có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì tòa có quyền khởi tố hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngành tòa án đang phải quan tâm đến việc làm thế nào để bảo vệ công lý vì được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và luật phải quy định như thế nào để tòa án thực hiện được quyền đó.

Sau khi tiếp nhận thông tin báo chí phản ánh, TAND tối cao đã có văn bản yêu cầu TAND tỉnh Phú Yên báo cáo sự việc. Đồng thời TAND tối cao cũng đã lập tổ công tác và đầu tuần tới sẽ vào Phú Yên để trực tiếp nghe báo cáo về vụ việc và phối hợp với TAND tỉnh Phú Yên xem xét lại để làm sao đảm bảo công bằng, khách quan nhất.

* Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án này?

- Về vấn đề này thì chỉ mới là thông tin phản ánh qua báo chí, chúng tôi chưa có hồ sơ vụ án trong tay nên không đưa ra nhận định gì. Hiện TAND tối cao đã chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên xem xét lại. Nếu trong vụ án này phía bị hại không có kháng cáo thì TAND tối cao sẽ chỉ đạo TAND tỉnh Phú Yên xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

* Trả lời báo chí, Chánh án TAND TP.Tuy Hòa nói rằng đã chịu “nhiều áp lực” khi xét xử vụ án này. Ông có được báo cáo không?

- Chúng tôi không nghe được thông tin gì cả. Các vụ án thông thường xảy ra hằng ngày, hằng giờ và bình quân mỗi ngày hệ thống tòa án trên cả nước xét xử khoảng 1.000 vụ án nên chúng tôi không thể nào nắm bắt hết được. Nếu dư luận báo chí nêu vấn đề thì mới đọc được thôi. Vụ án này cũng như các vụ án khác, cũng là một vụ án bình thường thôi, chúng tôi không thể nắm hết được thông tin.

* Lâu nay vẫn có tình trạng bị cáo khai tại tòa là bị nhục hình trong quá trình điều tra. Với tinh thần cải cách tư pháp, TAND tối cao có biện pháp gì để làm rõ, xem xét, giải quyết những lời khai như vậy?

- Vấn đề này phụ thuộc xây dựng bộ luật Tố tụng hình sự, ngành tòa án đang phải quan tâm đến việc làm thế nào để bảo vệ công lý vì được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và luật phải quy định như thế nào để tòa án thực hiện được quyền đó. Hiện đã có nhiều đề xuất nhưng còn chờ cơ quan thẩm quyền quyết và TAND tối cao rất quan tâm để tòa án thực hiện các quyền tư pháp, bảo vệ quyền công lý.

* Liệu tòa có thể triệu tập điều tra viên để đối chất làm rõ khi bị cáo khai đã bị dùng nhục hình, ép cung?

- Luật hiện nay không quy định nên rất khó cho thực tiễn, người ta ngại không biết giải quyết như thế nào. Tuy nhiên chúng tôi sẽ có đề xuất, kiến nghị này để làm sao tòa thực hiện được quyền tư pháp, bảo vệ công lý.

* Mới đây, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình có nói cơ chế hội thẩm nhân dân (HTND) hiện nay cũng góp phần tạo ra oan sai. Theo ông sắp tới nên đổi mới như thế nào ?

- Việc này chắc là sẽ có nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng Hiến pháp lần này không quy định HTND (ngang quyền thẩm phán nhưng vẫn giữ nguyên tắc biểu quyết theo đa số và đây chính là vấn đề là có ngang quyền hay không và biểu quyết cái gì?). HTND của mình không giống bồi thẩm ở nước ngoài nên dù bỏ ngang quyền, nhưng thực chất vẫn biểu quyết theo đa số thì vẫn là ngang quyền. Rồi cũng có ý kiến về giám sát HTND hoặc rút bớt HTND và tăng thêm thẩm phán ở các phiên tòa. Đây là hàng loạt vấn đề quan tâm. Tuy nhiên, HTND là để bảo vệ  quyền lợi của nhân dân và là quan điểm của Đảng nên cần phải được xem xét cẩn trọng.

Hủy án do nguyên nhân chủ quan chưa giảm nhiều

Theo đánh giá của TAND tối cao, từ 1/10/2013 đến 28/2/2014, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán có giảm nhưng không nhiều.

Theo thống kê, các bản án, quyết định về vụ án hình sự bị hủy 0,66%, sửa là 4,9%, trong đó hủy do lỗi chủ quan là 0,39%. Đối với các vụ án hành chính, hủy là 5,02%, lỗi chủ quan chiếm hơn 4%.

TAND tối cao đã tập trung rà soát, kiểm tra các trường hợp có đơn oan sai đối với 480 hồ sơ vụ án hình sự, 690 hồ sơ về chấp hành án phạt tù và 360 hồ sơ hoãn, tạm đình chỉ thi hành án tại TAND các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn