Nguyễn Hữu Vinh - chủ blog Anh Ba Sàm vừa bị bắt khẩn cấp là ai?

Thứ ba, 06/05/2014, 10:22
Được biết đến với tên blog cá nhân là Anh Ba Sàm, Nguyễn Hữu Vinh đã đăng tải các thông tin, bài viết có nội dung xấu, sai lệch về Nhà nước.

Theo thông báo của Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đăng tải trên website Bộ Công An, ngày 5/5/2014, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp và sau đó thực hiện Lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Hữu Vinh (SN 1956, thường trú tại số 5/2/4D phố Đặng Văn Ngữ, phường Trung Tự, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, chỗ ở: Phòng số 1508, Tòa nhà G03, Khu đô thị Ciputra, phường Xuân La, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội).

anh ba sàm
Nguyễn Hữu Vinh (ảnh nhỏ) và trang blog cá nhân Ba Sàm

Theo Cơ quan An ninh, Nguyễn Hữu Vinh cùng Nguyễn Thị Minh Thúy (SN 1980, ở số 411 – E1, Khu tập thể Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) bị bắt vì có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nguyễn Hữu Vinh được nhiều người biết đến với cái tên Anh Ba Sàm, được sinh ra tại Hà Nội, trong một gia đình cán bộ công chức.

Bố Nguyễn Hữu Vinh là cụ Nguyễn Hữu Khiếu (SN 1915, mất năm 2005) từng giữ các chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Ban Cán sự Đảng ngoài nước.

Nguyễn Hữu Vinh học cấp 3 tại trường Chu Văn An, sau đó thi vào trường an ninh và từng là sĩ quan an ninh nhưng sau đó không làm trong ngành nữa mà đi học ngoại ngữ và luật.

Trên trang blog cá nhân Anh Ba Sàm của mình, Nguyễn Hữu Vinh đã đăng tải một số bài viết với nội dung sai lệch về cơ quan Nhà nước.

Điều 258 BLHS:

Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn