Bé G. ôm gói quà sấp ngửa chạy theo người cha tù tội.
Vỡ tan hạnh phúc
Đoàn Gia Lộc (36 tuổi) là con trai út trong gia đình có bảy anh em sống ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Được gia đình cho ăn học đàng hoàng nhưng vì tiếng yêu, Lộc đã bỏ lại tất cả để đến với cô hàng xóm Phan Thị Minh T. (SN 1980).
Để nhận được sự đồng ý của gia đình, đôi trai gái chọn cách bỏ nhà ra đi và trở về với đứa con đỏ hỏn. Dù rất giận nhưng trước sự đã rồi nhà Lộc đành nhận T. làm dâu.
Một xưởng chế biến hạt điều được mọi người trong gia đình tích cóp dựng lên cho Lộc để làm “cần câu cơm” cho hai vợ chồng. Cuộc sống dần khá giả khi cả Lộc và T. đều mát tay kinh doanh.
Nhưng từ lúc ấy Lộc bỗng trở tính, trái nết khi buông hết công việc mê đá gà. Dần dần số tài sản hai vợ chồng tạo dựng lần lượt đội nón ra đi, nợ nần chồng chất. Ra sức khuyên giải để chồng tỉnh ngộ nhưng chỉ nhận lại những trận đòn thừa sống thiếu chết giáng xuống đầu T. mỗi khi Lộc thua độ.
Hạnh phúc, tiếng cười thay bằng những cuộc cãi vã, chửi bới nhau giữa đôi vợ chồng. Nhiều lần T. viết đơn ly dị song vì thương hai con mà chị dùng dằng mãi vẫn không dứt được.
Ngày 30/11/2011, dứt khoát chia tay, T. bảo Lộc đưa giấy đăng ký kết hôn nhưng Lộc không đồng ý khiến cả hai cãi vã. Trong lúc gây gổ, thấy T. đang cầm dao làm thức ăn trong bếp, Lộc lao tới giật lấy rồi bất ngờ đâm hai nhát liên tiếp lên người vợ rồi tự sát.
Vết thương quá nặng, T. tử vong ngay trên đường cấp cứu. Lộc được cứu chữa kịp thời nên thoát chết.
Bi kịch đổ lên đầu con trẻ
Dáng người nhỏ bé, khuôn mặt non nớt, chẳng ai nghĩ G. đã 13 tuổi. Vẫn chiếc áo màu hồng cùng đôi sandan màu đỏ như tại phiên tòa sơ thẩm, bé gái nép mình bên cửa sổ tần ngần nhìn vào phòng xử.
Dù gượng gạo nhưng bé G. vẫn gắng cười để động viên cha.
Đôi mắt đượm buồn của bé gái cứ đau đáu nhìn về phía người đàn ông đang ngồi nơi hàng ghế lưu phạm.
Ngày xảy ra vụ việc, G. không có nhà nhưng cậu em trai chứng kiến tất cả. Cô bé chẳng biết em mình nghĩ gì chỉ thấy từ lúc đó thằng bé hiếu động bỗng trở nên ù lì, ít nói.
Bi kịch xảy ra, chị em G. bị chia cắt mỗi đứa một ngả vì gia đình nội ngoại ai cũng muốn nuôi cháu.
Mỗi khi nhớ nhau hai chị em chỉ gửi gắm tình thương qua điện thoại. Những lần như thế G. lại khóc ròng sau khi cúp máy. Thương em lắm, muốn được vỗ về, chăm sóc em… nhưng G. vẫn chỉ là một đứa trẻ.
Cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm, Đoàn Gia Lộc khẩn thiết xin toà xem xét để có thể về nuôi dạy các con. Trước vành móng ngựa, người đàn ông mang tội giết người gục mặt đau khổ.
Bị cáo Lộc khai nhận không hề cố ý mà chỉ lấy dao hù doạ để vợ bỏ ý định chia tay. Nhưng mọi việc ngoài tầm kiểm soát và khi dừng tay Lộc mới biết vợ đã trúng dao.
Khi được chủ toạ hỏi về các con, nước mắt tứa ra trên đôi mắt trũng sâu của người đàn ông. Không một câu trả lời chỉ có nỗi chua xót, đau đớn xen lẫn hối hận... Nỗi đau cứ nghẹn cứng nơi cần cổ gân guốc của người chồng mang tội giết vợ.
Người chết thì chẳng thể sống lại chỉ còn hai đứa trẻ mất mẹ, thiếu sự dạy dỗ của cha. Dẫu sẽ được người thân chăm sóc, yêu thương nhưng những tình cảm đó chẳng thể bù đắp những thiệt thòi, mất mát lớn lao mà các em phải gánh chịu.
Bản án chung thân được giữ nguyên, Lộc thất thểu bước đi trong nỗi thất vọng tràn trề. Nơi chiếc xe đặc chủng, anh mới nhìn rõ hơn con gái. Không biết lấy gì để miêu tả hai ánh nhìn của cha con Lộc trao nhau lúc ấy.
Cũng đến lúc phải chia tay, Lộc quay lưng để lại tiếng nấc nghẹn ngào của con trẻ. Phía sau những bản án không chỉ là sự trả giá của kẻ tội đồ mà còn là "bản án" vô hình chôn vùi cả tương lai của những đứa trẻ vô tội.
Theo Một thế giới