Anh trai nạn nhân Nguyễn Thị Lan |
Xác người dưới ba tấc đất
“Trong một lần lên cơn thèm rượu, thấy có người trong xóm đang muốn mua nắp giếng bằng xi măng để làm giếng nhà mình, trong sân nhà cái Lan (chị Nguyễn Thị Lan, SN 1970 - em gái anh An) lại có cái giếng cạn bỏ không bị lấp, nghĩ thế nào tôi liền đi đến nhà nó để cậy miệng giếng đem bán lấy tiền để thỏa cơn nghiên rượu. Đến nơi, tôi mới bất ngờ phát hiện có dòng chữ “chị Lan” viết bằng sơn đỏ ở tường nhà em gái. Quanh quẩn chơi ở đó có mấy đứa trẻ nhà hàng xóm đang dùng sơn đỏ mà các công nhân quét cột mốc Quốc lộ 6 còn thừa viết lên tường. Lạ là ở chỗ do vết chữ còn mới, sơn chưa khô mà chảy xuống phía dưới chữ “Lan” dài như một mũi tên đúng vào cái giếng cạn bỏ không nhà cái Lan. Dòng chữ đỏ màu máu khiến tôi chợt rùng mình và linh cảm điều chẳng lành…” - anh Nguyễn Duy An kể lại -
“Khi đào xuống lòng giếng khoảng hơn 2m, tôi chạm phải tiếng khục và không thể đào thêm. Khi gạt qua lớp đất mỏng, hiện ra trước mắt tôi là một lớp bê tông dày. Đến khi lớp bê tông vừa bị phá thì tôi giật mình khi phát hiện một chiếc gối đã hoen ố màu ở bên dưới và nhận ra đây là chiếc gối của nhà cái Lan. Tôi tiếp tục đào sâu xuống dưới và phá lớp bê tông thứ hai thì tôi khựng người lại, ú ớ không nói lên lời khi hiện ra trước mắt là 1 đốt xương tay người đeo 1 chiếc nhẫn và đó chính là chiếc nhẫn cái Lan được mẹ tặng trong ngày cưới”… Và dưới lớp bê tông bí ẩn đó, 1 xác người hiện ra và không khó để anh An nhận ra người xấu số đó chính là em gái mình.
Manh mối đắt giá
Ngay sau khi anh An phát hiện xác chị Lan, sự việc đã được báo lên Công an xã Lâm Sơn. Ông Nguyễn Mạnh Tỳ (SN 1955), ở thôn Rổng Tằm, xã Lâm Sơn ngày đó là Phó Chủ tịch xã kiêm Trưởng Công an xã kể lại: “Việc chị Lan mất tích đã được chúng tôi ghi nhận khi bà Nguyễn Thị Hy là mẹ chị Lan trình báo.
Chúng tôi đã gặp chồng Lan là Phạm Văn Thắng (SN 1966) để hỏi thì được cho biết chị Lan đi chơi, không có tin tức gì và cũng không liên lạc được với chị. Sau này, khi mọi người báo phát hiện xác người dưới giếng, chúng tôi đã lập tức phong tỏa hiện trường và kéo anh An lên khỏi miệng giếng trong trạng thái run cầm cập.
Sau khi khai quật tử thi, lực lượng pháp y Công an tỉnh Hòa Bình xác định nạn nhân tử vong bởi 2 vết thương ở gáy và đầu gây vỡ hộp sọ và đốt sống sau gáy do hung khí là 1 vật có sức nặng. Kiểm tra giường ngủ của nạn nhân, khi lật các thanh gỗ dát giường lên những vết máu khô vẫn còn hằn rõ...
Tiếp cận quán karaoke Thắng Lan của vợ chồng nạn nhân đã không có người ở nhiều ngày nay và Thắng cũng đã biến mất. Tuy nhiên, theo người dân thôn Lam Sơn, ngoài vợ chồng Thắng Lan sinh sống tại quán thì còn có 1 cô gái là nhân viên phục vụ của quán - đây chính là manh mối quan trọng để truy tìm nghi can”...
1 người 2 cái tên
Không ai có thể ngờ rằng chồng chị Lan - người đàn ông trông có vẻ ngoài hiền lành đã từng có tới 3 tiền án. Anh ta có tên là Phạm Trung Thủy. Quãng thời gian trốn nã từ năm 1992 đến năm 1998, Thủy đã đổi tên thành Phạm Văn Thắng, chuyển về sống ở thôn Lam Sơn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Ngày 7/3/1985, Phạm Trung Thủy bị TAND quận Ba Đình, TP Hà Nội xử phạt 9 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Đến ngày 2/10/1985, Thủy lĩnh thêm 4 tháng tù cũng vì tội danh này. Sau đó, tháng 1/1991, Thủy bị tuyên án 5 năm tù về 2 tội chứa mại dâm và môi giới mại dâm. Ngày 10/6/1992, Thủy bỏ trốn khỏi trại giam. Đến ngày 23/1/1998, Thủy bị Công an TP Hà Nội bắt lại theo lệnh truy nã toàn quốc. Lần bị bắt lại này, y còn bị TAND tỉnh Hà Tây (cũ) xử phạt 10 năm tù về tội cướp tài sản.
Ông Bùi Văn Lẫm (67 tuổi), khi đó là Trưởng thôn Lam Sơn nhớ lại: “Đó là một thanh niên cao, hơi gầy, da trắng và rất hiền lành. Anh ta bảo quê ở Hải Phòng nhưng muốn lên đây làm ăn. Sau này chúng tôi mới biết anh ta tên Thủy chứ hồi đó mọi người đều gọi là Thắng vì anh ta giới thiệu như vậy”.
Quá trình sinh sống tại đây và 2 người đi đến hôn nhân. Thay tên và sống ở vùng đất mới, Thủy tin rằng mình khó bị phát hiện nên bàn với vợ mở 1 quán café kiêm karaoke. Sau khi mở quán Thủy nhớ đến người quen là chị Nguyễn Thị Tâm ở thị xã Hòa Bình nên tháng 6/1997 đã rủ chị Tâm về làm nhân viên cho mình. Làm việc một thời gian ngắn ở quán, chị Tâm bị cha mẹ yêu cầu phải bỏ việc vì họ nghi ngờ cơ sở kinh doanh của Thủy có nhiều điểm không lành mạnh.
Tội ác man rợ
Đến tháng 9/1997, Thủy lại rủ chị Tâm quay lại làm cho mình và được chị đồng ý. Thời gian đó, Thủy tâm sự với Tâm rằng quan hệ giữa hai vợ chồng hắn đang rạn nứt vì chị Lan ngoại tình; mỗi khi hắn khuyên răn vợ thì chị Lan lại đe dọa sẽ tố giác việc Thủy trốn trại với cơ quan công an.
Chiều 10/11/1997, trong lúc ngồi tâm sự với nhau Tâm hỏi: “Anh đang suy tính điều gì à?” thì Thủy đáp: “Tối nay, anh sẽ giết con Lan”. Tối hôm đó, khi quán hết khách, Lan và Thủy vào buồng trong đi ngủ trước, còn Tâm lo dọn dẹp. Đến 2h sáng, khi đó trời mưa to như trút nước, Thủy thấy vợ đã ngủ say liền đi ra ngoài vườn lấy chiếc xà beng vào buồng đập mạnh một nhát vào gáy chị Lan; nghĩ Lan chưa chết, Thủy tiếp tục dùng xà beng đập thêm một nhát vào đầu. Gây án xong, Thủy đi ra ngoài gọi Tâm dậy và cả hai khiêng xác chị Lan ra chiếc giếng cạn bỏ hoang ở bên trái hiên nhà ném xuống đó rồi lấp đất che kín để phi tang tội ác. Khi quay lại buồng, thấy chiếc gối mà chị Lan kê đầu lúc ngủ dính nhiều máu Thủy bảo Tâm ném luôn xuống giếng để tiếp tục lấp đất lên trên, và dặn nếu có ai hỏi chị Lan đi đâu cứ bảo chị đi chơi với bạn ở Lâm Đồng.
Sáng ngày hôm sau, Thủy đi xe máy xuống Bãi Lạng mua 2 bao xi măng về đổ xuống giếng. Hai ngày sau, thấy không an tâm nên Thủy mua thêm 2 bao xi măng nữa về đổ thêm vào nơi che giấu tội ác và bơm nước để xi măng nhanh chóng đông lại rồi phủ đất lên trên. Sau khi gây án, Thủy chích máu cho vào rượu và bảo Tâm uống thề không bao giờ tiết lộ bất kỳ điều gì về tội ác đã gây ra. Bị ám ảnh về tội ác của Thủy gây ra và lo sợ Thủy sẽ giết luôn mình để bịt đầu mối nên Tâm đã xin về nhà.
Tháng 1/1998, Thủy đưa Tâm về Hà Nội thuê trọ và đi làm tại một nhà hàng. Đến ngày 23/1/1998, Thủy bị Công an TP Hà Nội bắt theo lệnh truy nã về tội Trốn khỏi nơi giam giữ. Khi biết Thủy bị bắt thì Tâm đã quay về quê. Đến tháng 3-/999, Tâm đính hôn với một người đàn ông ở huyện Hoài Đức và…
Trả giá
Một chiều cuối tháng 3/1999, tại một nhà hàng chuyên phục vụ ăn uống tại huyện Từ Liêm, TP Hà Nội xuất hiện 2 vị khách lạ. Đó là Trung tá Nguyễn Xuân Dung, (khi ấy mang cấp bậc Thượng úy, là CSHS của CAH Lương Sơn) cùng 1 đồng đội có mặt tại đây để dò hỏi tung tích về một cô gái tên Nguyễn Thị Tâm (SN 1981), ở xóm 1, xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (cũ), là nhân viên phục vụ của quán karaoke Thắng Lan.
Ở thời điểm này, Tâm đã xin phép về quê để chuẩn bị cưới chồng. Ngày 6/4/1999, Nguyễn Thị Tâm đã được đưa về trụ sở Công an tỉnh Hòa Bình để phục vụ điều tra. Tại trụ sở công an, Nguyễn Thị Tâm đã khai ra hung thủ sát hại chị Nguyễn Thị Lan chính là Phạm Văn Thắng. Kết hợp với thông tin từ Công an TP Hà Nội, Ban chuyên án làm rõ Phạm Văn Thắng tên thật là Phạm Trung Thủy (SN 1966), nguyên quán ở thôn Trung, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội.
Ngoài ra, Phạm Trung Thủy còn có hộ khẩu thường trú tại thôn Lam Sơn, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thời điểm Tâm bị đưa về trụ sở công an, Thủy đang thụ án tại Trại giam Văn Hòa về tội Trộm cắp tài sản. Ngày 8/4/1999, Thủy đã phải khai ra tội ác giết vợ của mình.
Ngày 16/12/1999, phiên tòa xét xử 2 bị cáo Phạm Trung Thủy và Nguyễn Thị Tâm đã diễn ra tại trụ sở TAND tỉnh Hòa Bình. Cáo trạng truy tố Phạm Trung Thủy về hai tội giết người và trốn khỏi nơi giam giữ, còn Tâm bị truy tố về tội không tố giác tội phạm. Ngày xét xử vụ án, do Tâm mới sinh con nhỏ được 10 ngày nên xin vắng mặt có lý do và được HĐXX chấp thuận xử vắng mặt. Tâm bị tuyên phạt 2 năm tù giam nhưng cho hưởng án treo và 3 năm thử thách. Đối với Phạm Trung Thủy, HĐXX đã tuyên phạt mức án tử hình và bị xử bắn tại một cánh đồng hoang của xã Lâm Sơn vào sáng sớm một ngày tháng 3/2001.
Theo ANTĐ