Sài Gòn trước năm 1975
Vũ Quang Hùng làm báo từ rất sớm, năm 1964, lúc mới 19 tuổi ở Sài Gòn. Ông tham gia cách mạng và từng bị chế độ cũ đày đi Côn Đảo từ năm 1973 đến tận ngày đất nước thống nhất. Sự tình cờ của số phận đã đưa ông vào chung nhà giam với các tù hình sự thời chế độ cũ ở khám Chí Hòa rồi nhà tù Côn Đảo. Từ đó ông đã quen khá nhiều giang hồ cộm cán thời chế độ cũ.
Được sự cho phép của tác giả, chúng tôi xin trích đăng “Giang hồ Sài Gòn”, bản tổng kết về cả một thời dọc ngang của dân du đãng Sài Gòn trước năm 1975, tư liệu đáng tin cậy của một nhá báo từng lăn lộn viết về một mảng tối của miền Nam trước 1975: cái gọi là “xã hội đen”, du đãng đâm chém, giựt dọc... bổ sung thêm một góc của bức tranh toàn cảnh xã hội đầy biến động ở miền Nam trước 1975.
1. Hơn 50 năm trước, quãng đầu thập niên 1960, Trương Văn Cam, tức Năm Cam, còn đứng gác cửa và lắc tài xỉu cho Bảy Xi tại một sòng bạc trên đường Lê Văn Linh, quận 4. Bảy Xi là anh vợ Năm Cam và cũng là trùm các sòng bạc thuộc khu vực quận 4 và huyện Nhà Bè.
Nếu tính trùm sòng bạc tại Sài Gòn thời đó, còn có thể kể thêm Đực Bà Tiều (Đực là con một người Triều Châu - hay gọi là người Tiều) cát cứ khu vực chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối; và Tám Lâu đứng đầu các casino quanh đường Nguyễn Công Trứ.
Tất cả các “trùm” trên đều phải chia lợi tức cho Đại Cathay, ông vua du đãng nổi tiếng nhất. Nhưng Đại Cathay không chỉ sống nhờ lợi tức từ các sòng bạc. Một nguồn thu khác đều đặn và có phần lớn hơn nhiều của Đại Cathay là tiền bảo kê từ các nhà hàng; khách sạn, vũ trường... Ngoài ra còn có tiền của một số tay tài phiệt hoặc do phải đóng “thuế giang hồ” hoặc do “ngưỡng mộ” Đại Cathay nên tự nguyện chi trả (như trường hợp “vua kẽm gai” Hoàng Kim Qui chẳng hạn).
Toàn bộ số tiền thu được; Đại Cathay đứng trả lương cho bọn đàn em, mua chuộc các quan chức (kể cả cảnh sát, trong số đó có Đại uý Trần Kim Chi, Trưởng ban Bài trừ Du đãng, cánh tay phải của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia khi ấy) và ăn chơi (nhất là nhảy đầm tại các vũ trường lớn, “boa” cho các cô ca - ve. Đại Cathay thường tự hào mình nhảy bi bốp và cha cha cha rất đẹp).
Đám đàn em thân tín nhất của Đại Cathay khi ấy có thể kể: A Chó, Hải Súng, Lâm Khùng, Lương Chột, Hùng Đầu bò, Phong, Chương, Việt Parker...
A Chó làm kinh tài cho Đại với vai trò cố vấn kinh tế. Hải Súng là kẻ trực tiếp nhận lệnh từ Đại rồi truyền xuống cho bọn đàn em thực hiện (vai trò của y tương tự Thảo “ma” trong tổ chức của Năm Cam sau này). Lâm coi như cận vệ của Đại, lúc này chưa mang tên Lâm Chín ngón (tại sao Lâm có biệt danh này sẽ được giải thích sau). Hùng Đầu bò và Lương Chột đóng vai trò “quân sư” cho Đại... Bọn còn lại hầu hết vừa là sát thủ của Đại, vừa “ăn bay”, tức cướp giật bằng xe gắn máy với tốc độ cao. Con mồi của chúng đa phần là những người vừa lãnh tiền ở ngân hàng ra, bị chúng theo dõi, chờ lúc thuận tiện liền ra tay cướp. Nếu bị rượt đuổi, chúng dùng súng bắn trả quyết liệt.
Sự thực Đại Cathay chưa bao giờ ra lệnh cho thuộc hạ sát hại bất cứ một người nào, và có lẽ đây là điểm khác biệt lớn nhất với trùm xã hội đen Năm Cam ba mươi năm sau (Năm Cam sẵn sàng giết người dù kẻ đó là bạn cũ, đối thủ làm ăn, hoặc kể cả nhân viên công lực dám ngáng đường hắn). Khi cần tấn công, bắt các băng nhóm khác qui phục để mở rộng địa bàn làm ăn, Đại và đàn em cũng không bao giờ dùng súng (mặc dù, như trên đã nói; rất nhiều tay em sát thủ của Đại có súng). Một phần vì chúng muốn tránh sự để ý của cảnh sát nhưng nguyên nhân chính vì chỉ dùng sức mạnh với “tay nghề” lão luyện khuất phục được đối thủ mới khiến bọn này thật sự “tâm phục, khẩu phục”.
Nhìn bề ngoài, Đại Cathay dễ chinh phục cảm tình người đối diện: khá đẹp trai (cao 1,64m), lại có vẻ trí thức chớ không hề bặm trợn, ăn nói nhỏ nhẹ, nhã nhặn. (Năm 1966, khi bị giam tại Chí Hòa, Đại Cathay ở phòng 3E4; tôi, khi đó cùng một số anh em sinh viên học sinh bị biệt giam tại lầu 3D và được anh em bầu làm “trưởng phòng”, nhờ vậy có thể đi lại tương đối thong thả trong khu ED vào giờ mở cửa biệt giam nên có dịp qua lại thăm Đại Cathay nhiều lần và trò chuyện khá thân mật).
2. Phần trên mới chỉ viết về các tay trùm vùng Sài Gòn, chưa hề nhắc tới khu Chợ Lớn. Khi đó đối với dân chơi, hai khu vực này tách biệt hẳn và toàn bộ khu Chợ Lớn do các băng nhóm xã hội đen người Hoa điều khiển. (Khi xưa Sài Gòn và Chợ Lớn có ranh giới là đường Cộng Hòa - bây giờ là Nguyễn Văn Cừ - tiếp đó chạy dài theo đường Lý Thái Tổ).
Nổi bật nhất trong đám xã hội đen người Hoa phải kể đến Nàm Chảy tức Tín Mã Nàm. (Sau giải phóng, một phần cuộc đời của Nàm Chảy được dựng thành tuồng cải lương “Tướng cướp Mã Ngưu” do đoàn Trung Hiếu của Công an TP.HCM trình diễn, khá ăn khách). Tín Mã Nàm hùng cứ khu Đại Thế Giới, khi ấy là khu sòng bạc ăn chơi nổi tiếng nhất của cả miền Nam, nay đã bị phá bỏ, xây lại thành Trung tâm Văn hóa quận 5, nằm tại góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Phú.
Cầm đầu vùng An Bình là Hải Phòng Kin. Còn “lãnh chúa” khu Lido - Đồng Khánh (Nay thuộc một phần khu vực đường Trần Hưng Đạo) là Quảy Thầu Hao (tức Quỉ Mặt Đen); và còn phải kể thêm Sú Hùng “chuyên trị” các đoàn múa lân.
Nhân đây xin giải thích thêm, nhiều người không rõ lắm về giới giang hồ cho rằng cầm đầu miệt Chợ Lớn là Mã Thầu Dầu. Thực ra Mã Thầu Dầu chỉ là danh từ chung chỉ đám dân chơi (Mã Thầu = mã đầu, tức đầu ngựa; ý nói đám đầu trâu mặt ngựa) mà không hề nhắc đến một cá nhân cụ thể nào.
Tuy nhiên, xã hội đen Chợ Lớn khác Sài Gòn ở chỗ họ không chỉ bao thầu các sòng bài, bảo kê nhà hàng, vũ trường, khách sạn... mà còn ăn tiền cống nạp của nhiều cơ sở sản xuất hàng giả và kinh doanh trốn thuế. Nguồn thu từ hai đầu mối sau cùng này rất nhiều vì vào thời điểm ấy Chợ Lớn nhan nhản hàng giả, hàng nhái, làm lậu (chẳng thế từng có câu “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn”).
Bọn họ còn giỏi về mua chuộc, hối lộ. Thiếu tá (sau lên trung tá) Trụ, Trưởng ty Cảnh sát quận 5, bị mua đứt, chẳng bao giờ ra lệnh điều tra các hoạt động mờ ám của đám xã hội đen (nếu có nhúng tay thì chỉ để bênh vực họ).
Một số tay tài phiệt Chợ Lớn, để việc làm ăn được thuận lợi, hàng tháng đã gom tiền “cống nạp” cho họ một cách tự nguyện, cụ thể như Lý Long Thân, Mã Hỉ... nên cuộc sống của dân giang hồ Chợ Lớn tương đối thong thả, ung dung, ít phải “ăn bay” để kiếm thêm tiền tiêu xài và do đó cũng ít “sóng gió” hơn so với mạn Sài Gòn. Ít ra là đến khoảng đầu năm 1964...
3. Vào khoảng thời gian này, thế lực của Đại Cathay có thể nói đã tới hồi cực thịnh dù Đại chưa đến 25 tuổi. Quân tướng dưới trướng Đại từ các nơi qui tụ về đông đúc đến hàng ngàn, riêng số sát thủ cũng kể tới số trăm. “Đông, vui nhưng hao”, càng nhiều binh tướng càng khó phân chia lợi nhuận và một ngày đẹp trời nọ, cố vấn kinh tài A Chó hiến kế với Đại Cathay: “Vùng Sài Gòn chúng ta đã khai thác gần hết tiềm năng rồi. Nay muốn khấm khá chỉ còn cách duy nhất là lần qua địa bàn Chợ Lớn. Bên ấy kinh tế phát đạt, dân người Hoa lại dễ bắt nạt. Nếu chúng ta mở rộng được thế lực qua ngả Chợ Lớn thi khỏi lo gì tiền bạc, có thể tính kế làm ăn lâu dài.”
Đại Cathay càng nghĩ càng thấm thía gợi ý của quân sư A Chó. Hơn nữa đây còn là dịp để Đại phô trương thanh thế, “thống nhất giang hồ thành một cõi”, nên dù biết đụng đến đất làm ăn của dân chơi người Hoa không phải dễ xơi, thậm chí máu đổ đầu rơi, cuối cùng Đại Cathay vẫn gật đầu đồng ý.
Và, thế là vụ tranh giành “lãnh thổ” lớn nhất, cuộc chiến hao binh tổn tướng nhất và kéo dài nhất trong lịch sử giới Chợ Lớn từ xưa đến nay bắt đầu... Nhưng trước khi đi vào tình tiết cụ thể, xin vắn tắt nói thêm về bốn tay “đại cao thủ võ lâm” đã thành danh trên chốn giang hồ hơn 30 năm về trước: Đại, Tỳ, Cái, Thế.
Đại Cathay vừa được đề cập khá kỹ và tay trùm du đãng này đã đi vào “Lịch sử dân chơi” với nhiều huyền thoại pha lẫn thực tế, kể cả cái chết bí ẩn của anh ta (có thể coi bài trong các số tiếp theo).
Có điều ít người biết hồi nhỏ Đại Cathay từng bị bắt nhốt vào trường giáo dục thiếu niên. Tại đây, Đại đã nổi tiếng liều lĩnh, trong một lần cướp sòng bạc (chơi ban đêm, dưới ánh đèn dầu ngay trong trại), Đại tung mền úp đèn, quơ tiền, ai dè mền bắt đầu bốc cháy, quấn vào ngang người dưới của Đại khiến anh ta bị phỏng khá nặng nguyên phần từ bụng dưới trở xuống.
Tỳ vốn là võ sư, tên thật Huỳnh Tỳ, trước hùng cứ tại rạp Olympic, đường Hồng Thập Tự (nay là Trung tâm Văn hóa TP.HCM, đường Nguyễn Thị Minh Khai) - nơi đoàn Kim Chung “Tiếng Chuông Vàng” dùng làm rạp hát (sau 1975, Tỳ đã vào chùa thắp nhang thề từ bỏ chốn giang hồ, về nhà làm nghề mua bán và sau đó vẫn giữ được lời thề).
Cái họ Wòng vốn gốc là dân Nùng; còn Thế tên thật Lâm Thế, thường gọi Ba Thế. Khi ấy Cái và Thế cùng nhau coi khu vực từ Lê Lai dọc qua ngã tư Quốc tế đến khu Dân Sinh (Wòng Cái chết trong thùng xe bánh mì sau bệnh viện Sài Gòn vì bị ma túy hành hạ trong đêm Noel 1978. Còn Ba Thế tập hợp số đàn em còn rơi rớt lại tính “cướp cú chót” vào thời gian gần Tết Trung thu năm 1976, nhưng vụ cướp không thành và Ba Thế bị bắt, số phận sau ra sao không rõ).
Vào thời điểm Đại Cathay tính “bành trướng lãnh thổ” sang khu Chợ Lớn, cả ba cao thủ Tỳ, Cái, Thế đều đã qui phục Đại, thêm vào đó là hai tay sừng sỏ khác: Của Gia Định, trùm du đảng khu Gia Định mênh mông với biệt danh “hùm xám Gia Định”; và Minh Casino, vốn cầm đầu rạp Casino và luôn cả khu vực quanh chợ Bến Thành.
4. Xin nhắc lại, nghe theo lời quân sư A Chó, để mở rộng địa bàn, Đại Cathay dùng “tiên lễ hậu binh”. Trước hết, Đại Cathay lần lượt gặp các trùm dân chơi người Hoa, phân tích tình hình và nói chuyện phải quấy, hy vọng qui tụ toàn bộ giới – Chợ Lớn về một mối duy nhất.
Đánh giá sơ bộ các đối thủ, theo phương châm “dễ trước, khó sau”, Đại Cathay lần lượt cử người gặp Hải Phòng Kin, Quảy Thầu Hao, Sú Hùng.
Phần vì đã nghe danh tiếng Đại Cathay, phần thông cảm với “đồng nghiệp”, phần nữa cũng ngại đụng chạm, cả Hải Phòng Kin, Quảy Thầu Hao, Sú Hùng đều đồng ý cho Đại “góp phần hùn” (tượng trưng, thực tế chỉ bằng miệng) vô khu ăn chơi giải trí Chợ Lớn và chia tỉ lệ phần trăm cho dân chơi Sài Gòn.
Bây giờ mới tới “khúc xương khó nhá” nhất: Tín Mã Nàm.
Khu vực Đại Thế Giới của Tín Mã Nàm vốn đã nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, đến lúc Bình Xuyên quản lý lại càng mở mang phát triển hơn. Chỉ duy nhất thời Ngô Đình Diệm ra lệnh dẹp “tứ đổ tường” (cờ bạc, trai gái; thuốc sái, rượu chè), Đại Thế Giới thoạt đầu co cụm lại. Nhưng chính phủ Ngô Đình Diệm vừa đổ, Đại Thế Giới không những chỉ trở thành sòng bài lớn nhất miền Nam mà còn vang danh cả khu vực Đông Nam Á. Tiền bạc vô như nước, đương nhiên bọn đứng “mặt rô” phải đông. Dưới trướng Tín Mã Nàm là các “cao thủ” với cánh tay phải là Xú Bá Xứng chuyên coi về tài chánh, cờ bạc; về đâm thuê chém mướn phải kể đến Bắc Kỳ Chảy và Cọp Chảy đứng đầu bảng bảo kê. Nhất là Bắc Kỳ Chảy vốn là dân gốc người Nùng từ Móng Cái di cư vào đầu quân cho Tín Mã Nàm.
Hầu hết băng bảo kê Đại Thế Giới xuất thân từ các võ sĩ ở đội múa lân, ai nấy đều tinh thông quyền cước, dao, kiếm, giáo, côn; cả nội công lẫn ngọai công không phải tầm thường.
Ỷ vào binh hùng tướng mạnh, vả lại quyền lợi quá lớn mà lòng tham vô đáy, Tín Mã Nàm gạt phăng đề nghị của Đại Cathay:
- Ở lây anh em lông lắm, chia phần lâu còn đủ ăn.
Lần đầu tiên bị từ chối thẳng thừng, Đại Cathay lên giọng đe dọa:
- Không chia phần tôi, e sẽ xảy ra chiến tranh và bất lợi cho Nàm Chảy đấy.
Ai dè Tín Mã Nàm không những không lộ vẻ sợ hãi mà còn thách thức:
- Muốn lánh thì lánh. Ngộ lâu có ngán!
Kịch chiến mở màn Cả hai bên đều biết “chiến tranh” là điều xảy ra nội nhật nay mai, nên đều tích cực chuẩn bị cho trận sống mái. Phía Tín Mã Nàm đương nhiên thiên về thế thủ. Tất cả các sạp báo, quán ăn, tiệm cà phê quanh khu vực Đại Thế Giới đều biến thành chỗ cất giấu vũ khí. Không bao giờ đàn em dưới trướng Tín Mã Nàm đi hoặc ngồi quán một mình hoặc đôi ba người, mà luôn từ năm bảy người trở lên, sẵn sàng ứng cứu lẫn nhau.
Còn Đại Cathay lập tức triệu tập binh tướng, lên kế hoạch tập kích. Ba Thế mới về đầu quân cho Đại Cathay chưa bao lâu, chưa lập được chiến công hiển hách nào, hăng hái:
- Để thằng Bắc Kỳ Chảy cho tôi!
Tuy là một trong “tứ đại cao thủ” nhưng Ba Thế trắng trẻo, đẹp trai, từng được hề Ba Hội đoàn Kim Chung đặt biệt danh “bạch diện thư sinh” nên Đại Cathay ngần ngại:
- Thằng Nùng đó ghê lắm. Bọn Nùng toàn đi lính nhảy dù và thiết giáp... Thôi được, thằng Lâm phải theo sát hỗ trợ cho Thế!
5. “Giờ” G” được xác định là khoảng 9h sáng, giờ băng Tín Mã Nàm thường tụ tập ăn điểm tâm tại các tiệm, quán phía trước Đại Thế Giới.
Vậy là một buổi sáng đẹp trời nọ, trên 100 “giang hồ hảo hớn” rần rần rộ rộ kéo đến khu vực Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo) – Nguyễn Hoàng (nay là Trần Phú) – Nguyễn Tri Phương. Đạo quân do đích thân Đại Cathay dẫn đầu, có đủ mặt anh hào: Huỳnh Tỳ, Wòng Cái, Lâm Thế, Hải Súng, Lâm, Chương Khùng, Việt Parker, Của Gia Định, Minh Casino... Hai xe hơi du lịch và mấy chục xe gắn máy hiệu Gobel, Push, Brumi, Ishia (hồi ấy chưa có xe gắn máy Nhật, mà chỉ toàn xe máy hiệu Sach của Đức) chở đôi phóng như bay, bất ngờ đồng loạt thắng lại trước khu Đại Thế Giới. Các thanh niên trên xe nhào xuống, ai nấy kẻ rút đao, kiếm; người móc côn, lưỡi lê, ào vô các tiệm quán bên đường, cứ nhè các thanh niên đang ngồi uống cà phê hay ăn hủ tíu mà đâm, chém tới tấp bất kể đó có phải đám lâu la của Tín Mã Nàm hay không.
Sau một thoáng ngỡ ngàng, nhóm thanh niên này lập tức trấn tĩnh lại, hò hét lấy khí thế, chạy vô phía trong quán, cũng lấy đao, kiếm, côn nhị khúc... cất giấu sẵn, múa may đánh trả không chút sợ hãi. Bà con bán quán vốn quen biết đám Đại Thế Giới, lại cũng gốc người Hoa, nên ủng hộ “bồ nhà” vỗ tay và la lối trợ oai vang dội cả mấy con đường. Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu coi mòi đã căng thẳng, khó phân thắng bại.
Trong lúc hai bên kịch liệt giáp chiến, Ba Thế đảo mắt tìm Bắc Kỳ Chảy. Kia rồi! Đối thủ của hắn đang cầm một thanh “mã” vung loang loáng, chỉ huy một nhóm năm tên tả xung hữu đột. Ba Thế cầm đao xộc thẳng tới trước mặt Bắc Kỳ Chảy, quát lần:
- Mày ngon đấu tay đôi với tao!
Bắc Kỳ Chảy không thèm trả lời, chỉ “hú” một tiếng, múa thanh mã xông lại đón đường đao của Ba Thế. Qua lại được vài hiệp, đám giang hồ do Lâm dẫn đầu ùa tới khiến Bắc Kỳ Chảy không dám nghênh chiến nữa, bỏ chạy.
Đang hăng, Ba Thế rượt đối thủ bén gót. Hình như đã có chủ ý, Bắc Kỳ Chảy chạy tạt vào rạp hát Hào Huê (nay nằm trên đường Trần Phú, gần góc đường Trần Hưng Đạo). Đời nào để con mồi thoát thân, Ba Thế lao theo. Ai ngờ hắn vừa lọt vô rạp hát thì nghe đánh rầm ở phía sau: Hai tên đàn em Bắc Kỳ Chảy phục sẵn ngay tại phía trong cửa rạp hát đã kéo cửa sắt, khiến cả bọn lâu la của Ba Thế rớt lại phía ngoài cửa.
Thấy đối thủ đã sa bẫy, Bắc Kỳ Chảy vung thanh mã tấu, cười gằn:
- Phen nay nị chết nhen con!
Hai tay đàn em của gã ngườl Nùng cũng kẻ rút côn nhị khúc, đứa cầm kiếm lăm lăm, sấn tới. Ba Thế hốt hoảng lượng định tình thế, áp sát lưng vô tường làm điểm tựa, xuống tấn, cầm ngang dao thủ thế, chân không ngừng di chuyển dần lại phía cửa sắt...
Phía ngoài, Lâm đã đuổi tới rạp Hào Huê, nhưng cánh cửa sắt đã khép lại, hắn chỉ thấy phía trong Ba Thế một chống ba, tính mạng mong manh như ngàn cân treo sợi tóc. Lâm nhanh trí, lấy đầu nhọn con dao phở mà hắn dùng làm vũ khí lách vô dưới khẻ hở chốt cửa, khẽ nâng lên.
“Tách” một tiếng, chốt đã nâng lên, Lâm vừa đưa tay trái kéo cửa sắt mở ra thì nghe sau gáy lạnh buốt: Một nhát kiếm đã chém trúng sau đầu hắn. Lại nghe tiếng quát phía sau, mũi con dao phở vẫn còn dính trong kẹt cửa khiến tay phải Lâm không thể nào quài dao lại đỡ, đành liều mình, buông tay trái đang vịn cửa lên che ót. Lưỡi kiếm bén ngót lần này tiện đứt lìa ngón tay cái của Lâm (và Lâm mang biệt danh Lâm Chín ngón kể từ đó).
Bên trong rạp Hào Huê, Ba Thế không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng thoát ra ngoài, vừa kịp lúc đám giang hồ Sài Gòn hàng chục người xông tới tiếp cứu khiến nhóm Chợ Lớn phải tháo lui, tẩu tán vào các hang cùng ngõ hẻm và các nhà, quán quen thuộc, trong phút chốc biến mất sạch.
Hậu quả của trận thư hùng mở màn cho giới giang hồ hai phe Sài Gòn – Chợ Lớn này là mỗi bên đều có khoảng trên dưới 20 người bị thương nặng nhẹ, tuy nhiên không ai tử thương.
Theo Xa lộ Pháp luật