Những con hẻm “giang hồ” nổi tiếng Sài Gòn

Thứ sáu, 09/05/2014, 08:54
Lúc sinh thời, trong một lần “lạm bàn” chuyện hẻm, cố võ sư – đại lực sĩ Hà Châu – người có cả cuộc đời lăn lộn với Sài Gòn xưa bảo rằng, trong suy nghĩ của ông, hẻm như là một tấm gương phản chiếu cuộc sống. Có những lúc hẻm hóa  mảnh “đất lành” ôm ấp thiện dân, song đôi khi hẻm trở thành “lãnh địa” của đám giang hồ tứ chiếng.

Hẻm dữ một thời

Không riêng gì cố võ sư Hà Châu, nhiều người đứng tuổi mà tôi có dịp tiếp xúc đều thừa nhận rằng, tình hình an ninh trật tự ở miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng thời trước giải phóng rất phức tạp.

Tình trạng tham nhũng trong lực lượng cảnh sát cộng với lối sống “không biết ngày mai” của những tay lính chiến Việt Nam Cộng hòa đã vô hình chung làm cho cái xã hội vốn “rối” lại càng “rối” hơn.

Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến Sài Gòn xưa trở thành miếng “mồi ngon” để các băng nhóm giang hồ khắp Nam kỳ lục tỉnh kéo về đây cát cứ.

Những con hẻm “giang hồ” nổi tiếng Sài Gòn

Những con hẻm, một phần không thể thiếu trong cấu trúc đô thị của Sài Gòn trở thành địa điểm lý tưởng để giới giang hồ mặc sức vẫy vùng. Và trong ký ức của nhiều người, đây chính là giai đoạn mà hẻm Sài Gòn là một “con hổ dữ” thực sự.

Ông là một võ sư, đồng thời là một tay ăn chơi có tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975.

Ông đồng ý dẫn tôi lướt qua một vài địa điểm mà theo ông đó chinh là “thiên đường” trú ngụ của giới giang hồ Sài Gòn trước đây với một điều kiện, đừng công khai danh tánh trên mặt báo.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé qua là khu vực Cống Bà Xếp (nay thuộc phường 7, Q.3), nơi có có Ga Sài Gòn nhộp nhịp ngày đêm. Ông cho biết, những con đường như Nguyễn Thông, Kỳ Đồng, Trần Văn Đang,  Rạch Bùng  Binh… cách đây non nửa thế kỷ chỉ là những con hẻm nhỏ hẹp và lạnh lẽo.

Có cái lạnh đến từ những gian nhà ẩm thấp song cũng có không ít đến từ những ánh nhìn sắt lẹm của đám du côn người đầy hình xăm vằn vện.

Hệ thống hẻm khu cống Bà Xếp ngày ấy ngót ngét gần chục con chính và vài trăm hẻm nhỏ thông nhau, đan xen như mắc cửi.

Điểm bắt đầu của những con hẻm này là đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng tháng 8 ) và điểm cuối là kênh Nhiêu Lộc (nay là đường Hoàng Sa – Trường Sa). Một đầu giáp đường, một đầu giáp kênh nên nơi đây được xem là “địa lợi” để giới giang hồ xây cứ địa.

Với địa thế này, nếu bị cảnh sát hoặc các băng nhóm khác truy lùng, chỉ cần một vài phép “ẩn thân” là có thể  từ đường Lê Văn Duyệt chui tọt ra kênh Nhiêu Lộc và biến mất chỉ trong vòng vài phút.

Thời điểm thập niên 50 – 70 của thế kỷ trước, Sài Gòn nổi lên rất nhiều tay giang hồ cộm cán. Nhiều người trong số đó đã chọn khu Cống Bà Xếp làm nhà đúng nghĩa.

Có một chuyện nhỏ truyền tụng trong giới giang hồ trước đây rằng, ngoài những con hẻm quê hương ở khu vực Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) ra, thì hẻm Cống Bà Xếp là nơi tên tướng cướp vang danh một thời Điền Khắc Kim cảm thấy an toàn nhất.

Thậm chí Điền Khắc Kim còn thuê hẳn một căn gần kênh Nhiêu Lộc để ở cùng bồ nhí với mục đích chính là dễ bề lẫn trốn khi bị truy đuổi. Và không ít lần, nhờ nó mà tên tướng cướp khét tiếng này đã thoát thân. Vài năm sau ngày giải phóng, Bảy Sy – một thuộc hạ thân tín của Nam Cam – cũng đã "kéo quân" về những con hẻm ở đây lập sòng bạc hoạt động ngày đêm. Những con hẻm nơi đây chỉ thực sự bình yên khi băng nhóm Năm Cam bị triệt phá.

Ngoài vai trò là nơi trú ẩn lý tưởng, hệ thống hẻm khu Cống Bà Xếp còn là thị trường tiêu thụ ma túy tương đối lớn thời đó.

Thắng “cóc” – một con nghiện đã giải nghệ mà tôi có dịp tiếp xúc cho biết, từ khoảng năm 1995 về trước, ma túy ở khu vực này hầu như được buôn bán công khai. Chỉ cần dừng xe ở đầu các con hẻm là có người ra tận nơi tiếp thị, hướng dẫn đưa tiền và nhận ma túy.

Nằm đối diện với khu cống Bà Xếp có một hệ thống hẻm nổi tiếng cũng không kém, đó là khu Chuồng Bò. Con đường chính dẫn vào khu vực này hẻm 285 CMT8, điểm  kết thúc là khu vực công viên Kỳ Hòa (quận 10).

Xin được nói thêm một chút về "hỗn danh" Chuồng Bò, một số ý kiến cho rằng trước đây khu vực này được người Pháp dùng để làm nơi nhốt bò làm thực phẩm cho binh lính và tên gọi này xuất phát từ đó.

Song không ít người lại cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ một nhà giam theo kiểu “chuồng bò” Côn Đảo do người Pháp xây dựng nằm bên trong Biệt Khu Thủ Đô (nay là Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) nhằm giam cầm tù chính trị.

Trở lại với những chuyện liên quan đến hệ thống hẻm trong khu vực này.

Theo ông Năm P., một tay giang hồ nổi tiếng khu vực quận 5, quận 10 trước và sau giải phóng (giờ đã giải nghệ và tham gia hội đoàn ở một quận trung tâm) cho biết, với lợi thế nằm sát nách Biệt Khu Thủ Đô đầy "nguy hiểm" nên hệ thống hẻm khu vực này được giới giang hồ xem là "an toàn" nhất.

Thực tế trong suốt hai thập kỷ trước và sau ngày đất nước thống nhất, nơi này là “thánh địa” để bọn buôn bán ma túy lẻ, gái mại dâm trú ẩn và hoạt động.

Một người dân ở đầu hẻm cho biết, ngày trước cứ 10 người vào trong những con hẻm này thuê nhà thì có đến 6 -7 phần là con nghiện hoặc gái mại dâm.

"Tiếng dữ đồn xa", nhiều kẻ trốn lệnh truy nã và buôn bán ma túy đã kéo vào đây "lập nghiệp". Thậm chí, một tên đàn em trong đường dây buôn bán ma túy Sênh - Phên - Vũ Xuân Trường quê tận Hải Phòng còn vào hẻm 285 mua hẳn một căn nhà cao tầng để sản xuất và buôn bán ma túy.

Để bảo vệ những kẻ buôn ma túy, gái mại dâm... một đội quân bảo kê cũng kéo về đây tranh giành lãnh địa. Ông Năm P. cho biết thêm, nhiều năm trước chuyện đánh nhau tranh giành lãnh địa diễn ra như cơm bữa. Chuyện một tuần xảy ra 4 -5 vụ là bình thường.

Trong số những "đại ca" ở khu vực này nổi lên cái tên Dũng Ba Chiến. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều kẻ chọn con đường "tắm máu" để làm giàu, cách trên chục năm Dũng Ba Chiến cũng đã bị các đối thủ thanh toán.

Sau nhiều năm đắm chìm trong vô số các tệ nạn, khu vực hẻm Cống Bà Xếp, khu Chuồng Bò giờ đã đổi thay. Hẻm rộng và thông thoáng hơn nhiều. Tình hình an ninh trật tự đã đi vào ổn định, sự bình yên đã thực sự trở về với chủ nhân đích thực của nó - những thiện dân.

Rời khu Cống Bà Xếp, khu Chuồng Bò chúng tôi tìm đến một khu hẻm khác "dữ dằn" cũng không kém, đó là khu Mã Lạng (Q.1).

Với 3 cửa ngõ chính dẫn vào là hẻm 165, 245 Nguyễn Trãi, 177 Cống Quỳnh, khu Mả Lạng từ năm 2000 trở về trước được xem là một chợ trời ma túy lớn nhất cả nước. Nhiều gia đình trong cái "ma trận" hẻm này có đến 2 - 3 đời sống bằng nghề buôn bán ma túy.

Những gia đình nổi tiếng thời đó phải kể đến là nhà bà B. với hơn 10 người tuổi đôi mươi nhưng phải "đi án" hết phần đời và vài đứa còn lại đã "dựa cột" từ lâu.

Bà N. "kém" hơn một chút với 6 đứa phải "xé lịch dài hạn" bao gồm con ruột, con rễ và con dâu...

Một con hẻm ở Sài Gòn ( ảnh minh họa từ Internet)

Anh Bách - bạn tôi - một cư dân ở hẻm 165 kể, ngày đó mỗi lần ra đường, có xích mích gì với ai cứ xưng dân Mả Lạng rồi cứ thản nhiên mà đi!

Còn nhớ cách đây hơn chục năm, mỗi lần có việc, Bách cương quyết bảo tôi tới đầu hẻm 165 đứng đợi, anh sẽ cho người đưa đón. Bởi không có người quen đi kèm, khách vào hẻm rất dễ bị nghi  là "đề lô" của công an, bị "tẩn" cho một trận ra trò...

Mãi đến những năm đầu thế kỷ 21, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, chợ trời ma túy Mả Lạng mới từng bước được xóa bỏ. Lộ trình bình yên của những con hẻm nơi đây mới thực sự bắt đầu.

Những trái tim nơi cuối hẻm

Do bị "ám ảnh" bởi những con hẻm mà tôi vừa dẫn chứng nên một số người tỏ ra "dị ứng" với hẻm và những con người của hẻm.

Điển hình như một vài đồng nghiệp nữ của tôi, mỗi dịp có chuyện phải đi chung cứ nằng nặc bảo phải hứa là hạn chế đi vào hẻm nhỏ.

Giải thích về sự tiện lợi của hẻm trong thời buổi kẹt xe, xăng tăng giá...hẻm như là một giải pháp tối ưu (tránh kẹt xe, giảm chi phí xăng, không khí trong lành...) các cô ậm ừ cho qua chứ đến giờ vẫn chưa thật sự "tâm phục khẩu phục".

Thôi thì, cứ để cho các cô ấy sống "trong sợ hẻm" còn tôi thì vẫn như ngày ngày  "luồng lách" ngược xuôi để "minh oan cho hẻm" vậy.

Trở lại với câu chuyện về cố võ sư Hà Châu, lúc sinh thời ông có một học trò người Pháp thuộc dạng khá giả. Nhiều lần, thấy ông khó nhọc đi về căn nhà trong hẻm nên mời ông đến ở một căn nhà mặt tiền sang trọng nhưng ông cương quyết từ chối. Ông bảo mình đã quen với khung cảnh yên bình nơi con hẻm nhà mình và chỉ có nó mới tạo ra cho một võ sư ở tuổi xế chiều như ông một cảm giác an toàn...

Một người họ hàng của tôi sống trong một con hẻm nhỏ ở quận 3 cũng đồng quan điểm với cố võ sư Hà Châu khi cương quyết "bám trụ" căn nhà cấp 4 của mình, mặc cho mấy đứa con sẵn sàng chi tiền tỷ đồng mua nhà mặt tiền, tầng cao cửa rộng.

Ông chia sẻ với tôi : "Sinh ra ở miền Tây, cả đời tham gia cách mạng giờ rất cần cuộc sống yên bình, cần một tình làng nghĩa xóm thực sự...Những điều mà ở cái xứ Sài Gòn phồn hoa này, chỉ có những con hẻm mới có...".

Hẻm chứa đựng bao điều thú vị (Ảnh minh họa từ Internet)

Thực vậy, chỉ có ở đó ông mới có vài người "bạn già", có một bà bán tạp hóa quen mặt, một chị hàng xóm có món ngon hay "mang sang biếu bác ăn lấy thảo...".

Từ đường Nguyễn Oanh (Gò Vấp), phải hơn chục lần "xẻ ngang tắt dọc" tôi mới tìm được nhà của chị Trương Thị Hồng Tâm - tức Tâm "si đa" - người vừa mới ra mắt quyển hồi ký đầy cảm động cách đây không lâu.

Tuy nhiên, tôi tìm đến chị lần này không vì quyển sách ấy mà vì căn nhà trọ trong hẻm của chị - nơi có những trái tim không lành lặng đang nương tựa vào nhau.

Chị Tâm bảo, cả cuộc đời chị gắn bó với những con hẻm. Từ khu Thị Nghè (Q.1) cho đến những con hẻm ở Q.10, Gò Vấp... đâu đâu cũng in dấu chân của chị.

Lẫn trốn, trú thân cũng có; đi tìm, cảm hóa những mảnh đời cùng cảnh ngộ cũng có...

Những trải nghiệm đó giúp chị tin rằng, những con hẻm - nơi chị thông thuộc - mới  là nơi mà vòng tay của chị có đủ độ ấm để che chở và bảo vệ những trái tim non nớt nhưng mang đầy thương tích của nhóm con nuôi mình.

Nhìn những đứa trẻ mồ côi ríu ra ríu rít xum vầy trong vòng tay của một bà mẹ nuôi nghèo tiền bạc, giàu lòng nhân ái, tôi phần nào cảm nhận được những gì chị nói.

Thông qua một người bạn, tôi tình cờ biết được ông Ông Thanh Hùng - một người đàn ông được nhiều người quý mến ở hẻm 350 Bùi Hữu Nghĩa (Bình Thạnh).

Tuổi cao, không còn sức lao động song bằng số tiền ít ỏi từ việc cho thuê một căn nhà trong hẻm nên 7 năm nay, cứ đều đặng mỗi tuần, ông nấu và mang hơn 750 suất ăn sáng đến tặng bệnh nhân nghèo bệnh viện Ung Bướu, người già ở trung tâm Thạnh Lộc và một vài nơi khác.

Hôm tôi đến, con hẻm "từ thiện" - theo cách gọi của một số người, nhộn nhịp như không khí giỗ chạp ở quê.

Ông Hùng bảo, lúc mới "ra nghề từ thiện" người không đông như thế này đâu. Chỉ vài người trung niên và lớn tuổi thôi!

Giờ thì khác xưa nhiều, 200 "đứa con" - theo cách ông gọi những sinh viên tình nguyện - thay phiên nhau giúp đở nên ông cũng bớt phần vất vả.

Cộng với việc những người hàng xóm sẵn lòng góp sức bằng cách cho mượn nhà để bày biện thực phẩm, chỗ nghỉ cho các tình nguyện viên, hơn 20 mét "mặt tiền" hẻm để đặt bếp nấu nên công việc đã "trơn tru" hơn.

Nhìn những người bạn trẻ, cứ mỗi tối thứ bảy lại kéo nhau đến hẻm 350 thức thâu đêm nấu cháo làm từ thiện ông Hùng vui lắm. Bởi với ông, ngoài việc chia sẻ một phần khó khăn vật chất với người nghèo ra, ông tin rằng công việc này giúp cho những người trẻ cảm nhận được khó khăn, sống có ích hơn sau này.

Và với ông, đó chính là những điều quý nhất mà "con hẻm từ thiện" của ông mang lại...

Không có một thống kê chính thức, song ước lượng thành phố có đến gần một triệu con hẻm lớn nhỏ. Ngoài việc đóng vai trò như là "mạch máu" trong cơ thể, hệ thống hẻm Sài Gòn còn là nơi sinh sống chủ yếu của hơn 2/3 dân số thành phố.

Để tìm hiểu và cảm nhận nó, cả đời chúng ta chưa chắc đủ...

Thôi thì, mỗi người hãy tự tìm cho mình một hướng nghĩ vậy!

Riêng với tôi, những ngày rong ruổi tìm tư liệu cho bài viết này tôi mới thực sự hiểu và yêu hẻm nhiều hơn.

Bởi không chỉ toàn chuyện "đen" giống như khu Cống Bà Xếp, Chuồng Bò hay Mả Lạng ngày xưa, hẻm sâu còn đó rất nhiều những trái tim nhân hậu...

Theo MTG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích