Trong kết luận điều tra, cáo trạng và lời khai của Nguyễn Mạnh Tường tại phiên tòa sơ thẩm có nêu việc Tường đưa xác chị Huyền vào Bệnh viện Bưu điện là nhằm gọi người nhà đến thương lượng.
Nhưng vì xác nạn nhân đã cứng, người ở viện đi lại tấp nập nên kế hoạch này bất thành, thay vào đó là ném xác phi tang.
Thoạt nghe, những người quan tâm đến vụ án phần nào cảm thông sự mất hết tỉnh táo của bác sĩ Tường sau khi làm chết khách hàng. Thậm chí có người còn biện hộ hành vi vứt xác phi tang xuống sông Hồng là một phút “ma xui quỷ khiến” trong cuộc đời. Nhưng bản chất vụ án không phải như vậy…
Mặc dù đã điều tra bổ sung nhưng vai trò, trách nhiệm của bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh trong việc phi tang xác nạn nhân chưa được xác định cụ thể, gây nhiều cách hiểu khác nhau dù bản chất sự việc đã khá rõ.
Các Luật sư tham gia vụ án này dự đoán, việc mập mờ vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong cáo trạng nói trên sẽ gây khó khăn cho Hội đồng xét xử (HĐXX) khi quyết định hình phạt và ấn định mức bồi thường với từng bị cáo.
Các bị cáo tại tòa.
Tường lên “kịch bản” và “phân vai”
Thực tế, không phải chỉ đến nửa đêm, trước cổng Bệnh viện Bưu điện Tường mới nảy sinh ý định phi tang mà phương án xử lý xác chị Huyền được lên kế hoạch tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, ngay sau khi nạn nhân chết với “kịch bản” là một vụ tai nạn giao thông.
Các đối tượng định làm giả hiện trường vụ tai nạn giao thông tại đoạn đường vắng nhằm cắt đứt sự liên quan của Thẩm mỹ viện Cát Tường với cái chết của chị Huyền. Theo lời khai của bác sĩ Thành, khi lên tầng 2 thẩm mỹ viện thì thấy Tường và vợ cùng 7- 8 người khác đang bàn việc xử lý xác chị Huyền, đưa xác chị Huyền ra ngoài đường vắng rồi nhờ hai người khác đưa xác bệnh nhân đó vào trong bệnh viện cấp cứu.
Sau đó, tại quán cà phê đối diện thẩm mỹ viện Cát Tường, Tường lại nhờ Thành ngồi sau xe máy ôm xác nạn nhân từ đoạn đường đó đến bệnh viện cấp cứu nhưng Thành không đồng ý.
Đào Quang Khánh cũng được Tường “phân vai” là xe ôm chở chị Huyền đi cấp cứu. Khánh khai: “Tôi nghe thấy anh Tường bàn bạc với mọi người nội dung là bây giờ sẽ dựng lên hiện trường giả là một vụ tai nạn giao thông (…) tôi sẽ là xe ôm và chở chị Huyền vào Bệnh viện Bưu điện cấp cứu. Anh Công sẽ ngồi đằng sau xe giữ chị Huyền.
Khi chở chị Huyền vào bệnh viện cấp cứu thì bác sĩ và y tá sẽ chăm sóc, cấp cứu cho chị Huyền, lúc này sẽ có người ra hỏi tôi có quan hệ như thế nào với chị Huyền để làm thủ tục nhập viện. Lúc đó tôi sẽ bảo tôi là xe ôm và sẽ khai tên, tuổi, địa chỉ giả...” .
Tại một lời khai khác, Khánh chi tiết hơn: “Anh Tường bảo mọi người là (…) khi đưa chị Huyền vào cấp cứu thì Công sẽ đi ra ngoài, khi đó bác sĩ và y tá sẽ chú tâm vào ca cấp cứu đó. Lúc đó, sẽ còn một người làm thủ tục. Khi làm thủ tục thì sẽ khai tên, năm sinh, hộ khẩu, địa chỉ giả. Sau khi khai thông tin giả xong thì y tá sẽ bảo ký, tôi sẽ không ký và bảo y tá đó đợi một lúc để tôi đi ra ngoài gọi người nhà. Khi chạy ra ngoài, anh Tường sẽ đón tôi đi”.
Theo Luật sư của Đào Quang Khánh, để thực hiện kế hoạch này, chiếc xe của chị Huyền đã bị các đối tượng kéo cho xước, vờ là hậu quả của vụ tai nạn giao thông.
Mập mờ kẻ chủ mưu?
Dù “kịch bản” nói trên không thực hiện được nhưng với một kế hoạch xử lý xác chị Huyền được bàn ngay từ lúc chị Huyền tử vong như trên cho thấy Tường đã có chủ định, mục đích phi tang xác chị Huyền từ đầu nên Tường phải được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu việc phi tang xác.
Vì thế, nhiều Luật sư cho rằng việc cáo trạng cho rằng Tường nghe theo Khánh gợi ý đi ném xác là điều khó chấp nhận. Bản chất việc Khánh nói: “Hay là ném xác chị Huyền xuống sông” phải được hiểu là hành vi giúp sức cho Tường về thay đổi cách thức phi tang xác mới đúng bản chất sự việc.
Mặt khác, các lời khai của Tường đều thể hiện Tường rất sợ các cơ quan chức năng và gia đình chị Huyền phát hiện sự việc vì ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh của Thẩm mỹ viện Cát Tường. Đây mới là động cơ thúc đẩy Tường chứ không phải ai khác thực hiện hành vi phi tang xác cùng toàn bộ máy tính, ổ cứng, ga trải giường, camera, sổ sách.
Một chi tiết rất quan trọng mà Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại mới phát hiện để khẳng định Tường là chủ mưu phi tang xác, đó là, trong quá trình đưa xác chị Huyền lên xe đi vào bệnh viện, Tường đã dã tâm dùng cánh cửa xe để dập, ép xác chị Huyền với một lực rất mạnh để cho vừa xe và việc này khiến xác chị Huyền bị rơi xuống sàn xe.
Nếu vì mục đích đưa vào viện chờ người nhà đến thương lượng thì Tường giải thích thế nào với gia đình nạn nhân về những vết va đập, trầy xước do cửa xe tác động, do rơi xuống sàn? “Chỉ riêng hành động này cho thấy Tường quyết tâm cao độ mục đích phi tang thi thể nạn nhân”- một Luật sư nói.
Về việc xác định ai là chủ mưu, Luật sư của bị cáo Tường cho rằng Khánh chỉ là người buột miệng nói, còn Tường tiếp nhận một cách ngẫu nhiên, không có sự bàn bạc.
Luật sư của Khánh phản bác lại cách hiểu này, cho rằng Khánh là người khởi xướng, Tường chỉ là người tiếp nhận khởi xướng đó; mặt khác, quy định về đồng phạm bao giờ cũng phải có người cầm đầu, khởi xướng chứ không bao giờ hai người độc lập thực hiện hành vi, không bàn bạc.
Luật sư bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại thì cho rằng cáo trạng truy tố Tường và Khánh tội “Xâm phạm thi thể” nhưng lại chưa xác định rõ vai trò của từng người trong vụ án là vô lý.
Nhưng với những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Luật sư bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại khẳng định Khánh không thể là kẻ chủ mưu mà chỉ có thể là người giúp sức cho Tường thực hiện hành vi phạm tội.
Việc mập mờ vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong cáo trạng nói trên sẽ gây khó khăn cho HĐXX khi quyết định hình phạt và ấn định mức bồi thường với từng bị cáo. Bởi vậy, đây là nội dung mà các Luật sư đang đề nghị cơ quan tố tụng làm rõ trước khi mở phiên tòa sắp tới.