CSGT bị tố oan do người tố có ác cảm
Sáng ngày 5/9, anh Phạm Văn Vững – làm việc tại chốt Lê Văn Lương giao với Khuất Duy Tiến, anh cho biết: “Bản thân mình bị tố oan thế thì đương nhiên rất bức xúc, mình không làm gì sai sao phải sợ bị tố, cây ngay không sợ chết đứng.
Ví dụ người vi phạm vào chốt mà sau đó bị ngất thì người ngoài nhìn vào có sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Vì vậy trong trường hợp đấy mình phải chứng mình cho họ hiểu rõ sự việc”.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân do đâu mà CSGT lại bị tố oan vậy, có thể nguyên nhân vì chính phía lực lượng chức năng hay do người dân họ có cái nhìn không thiện cảm với lực lượng này, anh Vững giải thích: “Nếu mình bị tố oan phải nhìn nhận người đi tố, thứ nhất là họ nhận thức chưa đúng, hai là họ luôn có ác cảm với cảnh sát, công an. Bởi không ai thích công an, cảnh sát cả…trừ trường hợp bị đánh hay tìm lại được đồ mất cắp, trộm. Không thì không ai yêu thích cả.
CSGT làm nhiệm vụ tại chốt Lê Văn Lương giao Khuất Duy Tiến |
Trong khi làm nhiệm vụ, CSGT được trang bị qui tắc ứng xử, cư xử đúng mực với người tham gia giao thông. Với qui tắc ứng xử thì đương nhiên phải tốt, đường lối bao giờ chả đúng, tuy nhiên người thực hiện có tốt hay không thì lại là chuyện khác.
Điều đó cũng như giải một bài toán vậy. Có người giải được và có người không giải được. Nếu học giỏi sẽ giải được nhanh và chính xác, nhưng nếu học dốt hay học trung bình thì sẽ giải mãi mà không ra”.
Không bị tố "oan" vì...
Anh Vững nói tiếp: “Về văn hóa, qui tắc ứng xử thì nhiều đồng nghiệp, bạn bè của mình nhận thức tốt. Đương nhiên muốn trở thành một công an phải có đạo đức rồi, ứng xử với người dân phải tốt nữa.
Khi người vi phạm bức xúc quá thì phải giải thích, nếu gặp người lý sự cùn thì chắc không thể nào làm gì được, phải xử lý theo quy định. Trừ trường hợp người già, phụ nữ, trẻ em, người đi cấp cứu được ưu tiên… ngoài ra còn thanh niên ngổ ngáo, đầu xanh đầu đỏ phải xử lý ngay”.
Theo anh Vững, để hạn chế việc CSGT bị tố oan thì CSGT nên hòa nhã với người dân, giải thích cho họ hiểu lỗi vi phạm của họ.
"Từ khi công tác tới giờ mình chưa bị vu oan bao giờ, mình nghĩ người ta đúng thì không xử lý được, nếu người ta có vi phạm thì mình cũng không thể đánh người.
Nếu họ hung hăng quá thì mình phải có sự phòng vệ, mình cũng không thể để người ta đánh mình được. Nếu phòng vệ không được thì phải chạy thoát thân thôi, trước tiên là bảo vệ tính mạng cho bản thân mình đã.
Ví dụ như hai nắm đấm nếu đấm vào nhau thì cả hai đều đau, một nắm đấm mà đấm vào bàn tay xòe cả hai đều không đau" - anh Vững nói rõ.
CSGT tự hoàn thiện mình, làm đúng quy trình
Nhìn nhận sự việc theo một cách khác, anh Tuấn – làm việc tại chốt Hà Đông – Văn Phú, anh Tuấn nói: “Đấy là suy nghĩ sai lệch, tâm lý chung mỗi người vi phạm đều có những lý do riêng, có thể người ta chưa hiểu hết hay vô tình nhưng tâm lý chung là cứ nghĩ CSGT thế nọ thế kia, nên nhiều khi hiểu sai về lực lượng này.
CSGT ở Hà Nội đã rất tạo điều kiện cho người tham gia giao thông trong khung giờ cao điểm, họ rất là thân thiện với mọi người.
Để hạn chế thực trạng CSGT bị tố oan, có nhiều biện pháp. Theo tôi trước tiên mỗi CSGT phải tự hoàn thiện mình, quy trình làm việc đúng thì hạn chế tình trạng đấy ngay.
Việc CSGT gọi vào đánh người chẳng giải quyết được việc gì cả, người Việt Nam yêu nhau chả hết sao mà đi đánh người ta”.
Chốt giao thông Văn Phú - Hà Đông |
“Tiếp theo lực lượng CSGT đều nắm được văn hóa, quy tắc ứng xử. Vì vậy trước tiên ứng xử với người vi phạm, người dân CSGT nói chung hết sức mềm mỏng, cương quyết đúng pháp luật.
Giao thông ở Hà Nội làm vào ban ngày nên không có những hành động thái quá được. Có rất nhiều đối tượng hung hăng, CSGT chỉ vào can ngăn thôi mà bị đánh, đấm nên với những trường hợp ấy phải xử lý nghiêm".
"Nếu người vi phạm họ không chấp hành, không hiểu thì mình phải giải thích cho họ hiểu, ví dụ có nhiều người vi phạm là người ở quê, họ không biết làn đường, phân đường…mức độ hiểu biết luật còn hạn chế, thậm chí còn đi ngược chiều nhưng CSGT chỉ nhắc nhở thôi để người ta hiểu và chấp hành, tránh tình trạng xảy ra tai nạn”, anh Tuấn khẳng định.
Theo Đất Việt