Lỗ hổng phòng cháy

Thứ năm, 18/09/2014, 10:44
Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào rạng sáng 16/9 tại P.8, Q.5 (TP.HCM) làm 7 người trong một gia đình thiệt mạng đã gióng lên hồi chuông báo động về những “lỗ hổng chết người” trong công tác PCCC nhà phố ở khu dân cư.

Vụ cháy tiệm tạp hóa Phượng Hoàng, số 539, đường Hậu Giang, phường 11, quận 6 hôm 17/4 - Nguồn: ĐSPL.

Vào tháng 3/2013, cũng tại TP.HCM, vụ cháy xảy ra ở một cửa hàng bán đồ vàng mã nằm trên đường Hàn Hải Nguyên, P.10, Q.11 đã làm 3 người thiệt mạng.

Không chỉ hai vụ điển hình này mà hầu hết các vụ nhà phố bị cháy đều gây thiệt hại lớn về tài sản và để lại hậu quả đau lòng.

Đa phần người dân đều có tâm lý sợ cháy nổ, nhưng việc chủ động phòng ngừa thì ít được quan tâm mà thường "phó thác cho may rủi". Việc đơn giản nhất là trang bị bình chữa cháy tại mỗi nhà để có thể tự ứng phó cũng ít được chú ý đến. Thiếu hẳn phương tiện tại chỗ nên hầu hết trở tay không kịp khi sự cố xảy ra.

Trong vụ cháy làm 7 người thiệt mạng vừa qua, hàng xóm đã phát hiện sớm nhưng không thể dập lửa được ngay từ đầu cũng vì không có bình chữa cháy, mà phải mất thời gian chạy đến một số cơ sở khách sạn, sạp báo... gần đó để mượn. Nếu như trong mỗi nhà đều có một bình chữa cháy để huy động kịp thời, thì rất có thể sẽ hạn chế được thiệt hại về người và của trong lúc chờ lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến hiện trường ứng cứu.

Sở dĩ có “lỗ hổng chết người” này cũng cần phải nói đến trách nhiệm của cơ quan chức năng: công tác quản lý lâu nay chỉ chú ý đến phương án PCCC tại các công trình trường học, công ty, xí nghiệp, chợ, cửa hàng… nơi tập trung đông người, nhiều hàng hóa, còn đối với nhà phố, nhà dân nơi rình rập nguy cơ cháy nổ cao từ hoạt động kinh doanh buôn bán, sinh hoạt hằng ngày thì dường như chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động người dân nâng cao cảnh giác trong các đợt vận động hoặc trong các cuộc họp tổ dân phố.

Quy chuẩn xây dựng buộc phải có lối thoát hiểm đề phòng sự cố cháy nổ nhưng trên thực tế thì bị bỏ ngỏ và ai muốn làm kiểu gì thì làm. Thậm chí nhiều ngôi nhà trong khu dân cư mới có chừa lối thoát hiểm nhưng sau đó không ít trường hợp chủ nhà lại tìm cách bít kín đi vì sợ… trộm mà cơ quan chức năng cũng không hề quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh.

Cơ quan chức năng và mỗi hộ dân cần sớm có cách chặn ngay những “lỗ hổng chết người” này, bởi việc phó thác cho may rủi trong PCCC luôn để lại nhiều hậu quả đau lòng.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích