Bác sĩ liên tiếp bị hành hung: Làm sao để tránh?

Thứ tư, 08/10/2014, 11:01
Sau hàng loạt vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế chỉ cách tránh những tình huống này.

Bệnh viện tăng cường an ninh

Sau vụ bác sĩ Phạm Thanh Tùng (BV Thanh Nhàn) bị người nhà bệnh nhân hành hung, Bệnh viện Thanh Nhàn đã phối hợp với công an Thành phố Hà Nội tăng cường các chiến sĩ trực ngày đêm.

Bác sỹ liên tiếp bị hành hung: Làm sao để tránh?
X quang để tìm phần xương bị tổn thương của bác sĩ Phạm Thanh Tùng.

Trước cổng bệnh viện, luôn có hai chiến sĩ công an đứng gác và nhắc nhở những người tụ tập tại đây. Chiến sĩ Nguyễn Danh Cường (Bộ công an) cho biết: “Kể từ 24/9, chúng tôi cắt cử nhau trực tại BV Thanh Nhàn, ngày 3 ca. Mỗi ca hai chiến sĩ. Sau mấy hôm xảy ra vụ việc côn đồ tấn công bác sĩ, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo”.

Theo quan sát của phóng viên, tại phòng trực cấp cứu của BV Thanh Nhàn, bệnh nhân tới khám khá trật tự.

Tại BV Việt Đức, điểm nóng của các vụ cấp cứu tai nạn giao thông, tai nạn thương tích nên lượng bệnh nhân đến khám khá đông.  Chốc chốc lại có xe cấp cứu đưa bệnh nhân tới.

Chị Trần T.H. bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy xương đòn. Sau khi được tiếp nhận, bác sĩ nhanh chóng sơ cứu rồi chuyển chị sang viện khác. Khó khăn lắm, chị mới nhấc chân đi từng bước để ra taxi.

Khi được hỏi, bệnh nhân phải chuyển sang viện khác, họ có ý kiến hay phản đối gì không, một điều dưỡng cho biết, hiện nay bệnh viện chỉ để bệnh nhân nặng nhập viện. Nếu thấy không nguy kịch, bác sĩ sẽ chủ động chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác cho phù hợp. Sau khi nghe bác sĩ giải thích, bệnh nhân và người nhà tuân thủ y lệnh mà không có ý kiến phản đối.

Ngoài việc sắp xếp ở phòng cấp cứu có hai bảo vệ túc trực, ở cổng bệnh viện cũng luôn có hai cán bộ khác thi hành nhiệm vụ.Tương tự, lực lượng bảo vệ tại BV Nhi TW được bố trí chốt ở các cửa và phía trong khu khám bệnh.

Thạc sĩ Y học Vũ Văn Giang, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp BV Thanh Nhàn cho biết: Bệnh viện có biện pháp tích cực và kịp thời để đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện như phối hợp với công an phường Thanh Nhàn và trước đó cũng đã ký văn bản để công an phường cử cán bộ đến bệnh viện ngày hai lần.

Làm thế nào để bác sĩ không bị tấn công?

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức nói: “Trước hết, để tránh xung đột xảy ra giữa bác sỹ và người nhà bệnh nhân, bệnh viện Việt Đức luôn nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân đồng thời trau dồi y đức. Khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ, nhân viên y tế cần giải thích cặn kẽ.

Bác sỹ liên tiếp bị hành hung: Làm sao để tránh?
GĐ bệnh viện Việt Đức và Vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Y tế đều thống nhất quan điểm, để tránh mâu thuẫn, nhân viên y tế cần nâng cao tinh thần phục vụ.(Ảnh: N Tâm)

Mặt khác, bệnh viện có đội ngũ bảo vệ sẵn sàng bảo đảm trị an cho bệnh viện. Đội ngũ này được trang bị đầy đủ thiết bị dụng cụ hỗ trợ để nếu có tình huống mất trật tự xảy ra sẽ giải quyết rất quyết liệt".

Ông Quyết kể, vài năm trước, tại bệnh viện cũng có trường hợp người nhà bệnh nhân dọa nạt nhân viên y tế. Sau đó, chúng tôi đã phối hợp với công an để khống chế. Hiện nay, nếu có tình huống bất ngờ xảy ra, lực lượng bảo vệ gần đó ngay lập tức có mặt để giải quyết.

“Tôi cho rằng, một lý do gây nên những vụ ẩu đả trong bệnh viện là do nhận thức của bệnh nhân và gia đình chưa cao”, ông Quyết nói.

Còn ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng: Bất cứ hành vi đánh bác sĩ nào cũng cần lên án. Đây là hành vi mất kiểm soát ảnh hưởng đến sức khỏe thân thể, tinh thần người thầy thuốc đều phải bị xử lý đúng pháp luật.

Vụ việc đánh bác sĩ trước hết quy về tội gây rối trật tự công cộng. Nếu thương tích gây ra hơn 11% thì phải xử lý hình sự. Tại Việt Nam, đã có các văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều này.

Với đối tượng đánh bác sĩ Tùng chắc chắn sẽ có các tình tiết tăng nặng tội vì đánh người thi hành công vụ, là bác sĩ đang thực hiện công vụ cứu người.

Bác sỹ liên tiếp bị hành hung: Làm sao để tránh?
Đội ngũ bảo vệ giữ vai trò quan trọng giúp bảo đảm trị an cho bệnh viện.

Theo ông Quang, để tránh bị tấn công, điều quan trọng hàng đầu là thái độ, tinh thần làm việc phục vụ nhân dân của bác sĩ cần phải nâng cao.

Khi người bệnh đến cấp cứu, cần nhiệt tình khám chữa bệnh. Có những trường hợp, dù các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân không còn nhưng bác sĩ vẫn phải cắm ống thở, vẫn hô hấp nhân tạo, sau đó, báo cho người nhà là bệnh nhân đã chết. Như vậy họ sẽ không ý kiến gì vì bác sĩ đã hết mình cứu chữa.

Nếu trong trường hợp bệnh nhân tử vong, bác sĩ chỉ xem rồi lắc đầu đưa vào nhà xác sẽ khiến người nhà bức xúc.

Khi khám cho bệnh nhân bác sĩ nên giải thích rõ về bệnh tình. Tránh tình trạng khám cho bệnh nhân xong mà lạnh lùng không nói năng gì.

Ông Quang lưu ý, các bệnh viện cần thực hiện nghiêm các quy định về khám chữa bệnh cấp cứu. Khi bệnh nhân vào cấp cứu chỉ nên cho một người đi kèm không nên để cả nhóm người vào gây ồn ào.

Ngoài ra, mỗi cá nhân người Việt cần tuân thủ pháp luật, có ý thức tự giác cao. Như vậy, những vụ việc tấn công bác sĩ sẽ không còn xảy ra.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn