Vụ ông Chấn là sai phạm tư pháp lớn nhất từ trước tới nay

Thứ hai, 13/10/2014, 08:19
Để hiểu rõ hơn về hành trình giải oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị kết án chung thân và phải ngồi tù oan 10 năm, PV đã trao đổi với đại diện Cơ quan điều tra hình sự - Viện KSND Tối cao, ông Lê Minh Long - Phó Cục trưởng Cục Điều tra - Hình sự.

Lý Nguyễn Chung nhiều lần hứa đầu thú rồi lại trốn

Sau khi tiếp nhận đơn của bà Nguyễn Thị Chiến tố giác các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang đã xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án giết chị Nguyễn Thị Hoan ngày 15/8/2003, kết oan cho chồng bà là ông Nguyễn Thanh Chấn, chúng tôi thấy đơn của bà Chiến đã được nhiều cấp tố tụng xem xét giải quyết và trả lời.

Mặc dù vậy, để đảm bảo tính thận trọng Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao vẫn nghiên cứu kỹ nội dung đơn và tiến hành xác minh, kết quả thấy có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình điều tra vụ án này, các tài liệu chứng cứ thu thập được có nghi vấn hung thủ thực sự giết chị Hoan không phải là ông Chấn mà là người khác.

 - 1

Phó Cục trưởng Cục Điều tra - Hình sự (Viện KSND Tối cao) Lê Minh Long.   Ảnh: L.K

Thấy có oan sai nên Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao chính thức vào cuộc. Kết quả điều tra thấy có đủ căn cứ xác định người có hành vi giết chị Hoan là Lý Nguyễn Chung. Sau khi gây án Chung đã trốn vào miền Nam sinh sống. Cơ quan điều tra đã kiên trì vận động Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.

Cuối tháng 10/2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú. Tại Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao sau khi được động viên, thuyết phục Lý Nguyễn Chung đã thành khẩn khai nhận hành vi giết và cướp của chị Hoan hai chiếc nhẫn vàng và 54.000 đồng. Cơ quan điều tra đã báo cáo và đề nghị lãnh đạo Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án trả tự do và giải oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.

Vụ án oan sai đã xảy ra hơn 10 năm, làm thế nào mà Cơ quan điều tra có thể điều tra làm rõ Lý Nguyễn Chung là hung thủ thực sự của vụ án?

Đây là vụ án rất khó và phức tạp, sự việc xảy ra đã hơn 10 năm, đã qua nhiều cấp xét xử, việc thu thập chứng cứ chứng minh sự thật của vụ án gặp rất nhiều trở ngại khó khăn, kết quả rất mong manh. Nhưng với quyết tâm cao, thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định lựa chọn các Điều tra viên có năng lực, có kinh nghiệm để phá án.

Để vận động và bắt Lý Nguyễn Chung là việc rất khó khăn. Sau khi được vận động qua bà Lý Thị Nghiến là chị gái của Lý Nguyễn Chung, Cơ quan điều tra đã giải thích rõ quy định của pháp luật đầu thú sẽ được hưởng khoan hồng, Lý Nguyễn Chung đã hứa hẹn với gia đình 3-4 lần, nhưng rồi lại không ra đầu thú.

Chung dùng thủ đoạn liên tục thay đổi chỗ ở (hôm trước ở Đắc Lắc, hôm sau về Hà Nội, lúc thì trốn sang Trung Quốc), Chung thay đổi nhiều số điện thoại để trốn tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì vận động và cuối cùng cũng thuyết phục được Chung ra đầu thú. Mặc dù đã ra đầu thú nhưng Chung vẫn chưa khai báo đầy đủ hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra phải kiên trì cảm hóa, giáo dục, cuối cùng Chung đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Hai cán bộ làm oan cho ông Chấn đã thừa nhận hành vi

Giải oan cho ông Chấn cũng đồng nghĩa với việc chứng minh sai phạm của những cán bộ tư pháp. Cơ quan điều tra đã gặp những khó khăn, sức ép gì trong vụ án này?

Song song với việc điều tra làm rõ hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung, Cơ quan điều tra cũng đã tiến hành làm rõ hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án dẫn đến việc ông Chấn bị oan. Kết quả điều tra đã chứng minh nguyên nhân dẫn đến việc ông Chấn bị kết tội oan là do trong quá trình điều tra vụ án trên, ông Trần Nhật Luật, nguyên Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, người trực tiếp điều tra vụ án và ông Đặng Thế Vinh - Kiểm sát viên, trực tiếp thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra vụ án đã làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Trên cơ sở đó, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Trần Nhật Luật và ông Đặng Thế Vinh để điều tra và xử lý theo pháp luật.

Quá trình điều tra khai thác mở rộng, ngày 1/10/2014 Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với ông Chấn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285 BLHS. Hiện Cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ những người liên quan. Kết quả điều tra nếu đủ căn cứ chứng minh đã phạm tội thì sẽ khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm minh.

Theo ông đây có phải là vụ án oan sai lớn nhất từ trước tới nay? Nguyên nhân dẫn đến oan sai có phải là do ông Chấn bị bức cung, nhục hình?

Đây là vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến oan sai gây hậu quả nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, hậu quả khiến ông Chấn - con trai liệt sĩ - bị kết tội giết người, bị tuyên phạt chung thân và bị ngồi tù oan trên 3.000 ngày. Khi tiến hành điều tra vụ án này chúng tôi cũng chịu sức ép rất lớn, vụ án đã lâu (quá 10 năm), qua nhiều cấp từ điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, mà xét xử phúc thẩm đến 2 lần. Có rất nhiều cán bộ tư pháp tham gia giải quyết vụ án.

Quá trình điều tra vụ án, ông Nguyễn Thanh Chấn có tố cáo nguyên nhân ông phải khai nhận tội là bị bức cung. Cụ thể, trong thời gian bị bắt ông đã bị Điều tra viên Nguyễn Hữu Tân dùng nhục hình. Cơ quan điều tra đã thu thập được chứng cứ chứng minh Điều tra viên Nguyễn Hữu Tân đã thực hiện hành vi dùng nhục hình (dùng chân đá gãy tay trái của ông Chấn). Nhưng ông Nguyễn Hữu Tân đã chết do tai nạn giao thông nên không xử lý.

Về nội dung ông Chấn tố cáo bị bức cung, do sự việc xảy ra đã lâu (hơn 10 năm), xảy ra trong khu vực, không gian kép kín chỉ có điều tra viên với ông Chấn nên kết luận vấn đề này rất khó khăn, Cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Ba tổ công tác được thành lập:  Một tổ chuyên nghiên cứu hồ sơ vụ án, một tổ làm công tác điều tra thu thập chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung và minh oan cho ông Chấn, một tổ trực tiếp truy tìm và vận động Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.

Từ vụ án Nguyễn Thanh Chấn, theo ông phải có biện pháp gì để chống bức cung, nhục hình trong quá trình tố tụng hình sự?

- Theo chúng tôi để phòng chống bức cung, nhục hình trong hoạt động tố tụng hình sự, nhằm bảo vệ quyền con người đã được Hiến pháp quy định cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, cụ thể như:

Cơ bản vẫn là yếu tố con người. Ý thức, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của điều tra viên phải đặt lên hàng đầu. Do vậy, phải nâng cao năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm, thận trọng, khách quan và lương tâm nghề nghiệp của điều tra viên, kiểm sát viên khi được phân công giải quyết vụ án; Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nếu để đơn vị của mình xảy ra tình trạng bức cung, nhục hình gây oan sai.

Cần tăng cường cơ chế giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát đối với hoạt động bắt, tạm giữ, tạm giam, ghi lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can. Tạo điều kiện cho luật sư, người bào chữa được tham gia ngay từ khi điều tra viên làm việc với người bị bắt giữ. Trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật hiện đại, lắp hệ thống camera, ghi âm tại các nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác chống bức cung, dùng nhục hình; nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân... Kịp thời phát hiện những hành vi bức cung, dùng nhục hình để kiên quyết xử lý nghiêm. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là địa chỉ tin cậy để đấu tranh phòng chống các vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, trong đó có hoạt động đấu tranh phòng chống bức cung, dùng nhục hình trong tố tụng hình sự.

Xin cảm ơn ông!

Ông Trương Hòa Bình - Chánh án TAND Tối cao nhận định: “Kể cả nước có nền tư pháp tiên tiến cũng khó tránh khỏi tình trạng oan sai, Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, việc để xảy ra oan sai nhất là án oan đối với người bị buộc tội mức án cao từ 20 năm đến chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được. Việc xác định có oan sai hay không phải theo quy định của pháp luật, rất chặt chẽ.

Trong quá trình điều tra còn có sự tham gia của Viện kiểm sát phê duyệt bắt, tạm giữ, tạm giam khởi tố và truy tố trước pháp luật, thực hành quyền công tố, kiểm sát việc xét xử. Việc Hội đồng xét xử có phát hiện ra ép cung hay không là rất khó. Điều này phải được bị can yêu cầu xem xét, Viện kiểm sát đề nghị xem xét thì Tòa mới có cơ sở. Tuy nhiên, với trách nhiệm của Hội đồng xét xử, dù có đề xuất hay không, việc xét xử oan sai thì Toà án phải liên đới trách nhiệm, không thể phủ nhận được”.

Theo Dòng Đời

Các tin cũ hơn