Năm 1998, khi vụ án bà Dương Thị Mỹ bị sát hại tại vườn điều (vụ án "vườn điều") thuộc xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận chưa tìm được manh mối về hung thủ suốt 5 năm thì một vụ giết người, cướp tài sản khác lại xảy ra gây rúng động cả một vùng quê nghèo. Nạn nhân là bà Lê Thị Bông, thường gọi bà là Năm Tép, có dáng người to cao, khỏe mạnh.
Người phát hiện vụ án mạng là chị Phạm Thị Hồng, con gái bà Bông, vào rạng sáng 24/4/1998 sau khi từ quán về nhà. Vừa bật đèn lên, chị thét lên khi thấy mẹ nằm dưới nền nhà, chân đút vào gầm giường và từ ngực đến mặt được phủ kín bằng chiếc chăn.
Vụ án Huỳnh Văn Nén được lật lại hồ sơ sau 16 năm. Ảnh: Pháp luật TP.HCM. |
Nhận được tin báo, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT điều tra Công an tỉnh Bình Thuận lúc này là ông Đinh Kỳ Đáp đã chỉ đạo thành lập ban chuyên án, giao đại úy Cao Văn Hùng (người đang trực tiếp điều tra vụ án "vườn điều") chịu trách nhiệm chính trong tổ trinh sát.
Theo hồ sơ vụ án, Huỳnh Văn Nén được xác định là nghi phạm số một. Thời điểm này Nén được coi là “con sâu rượu” tại địa phương, lại có hành vi đốt chòi lá của người dân và trộm xe đạp bán lấy tiền mua rượu. Ngày 17/5/1998, Nén bị bắt để phục vụ điều tra.
Quá trình điều tra, Nén được cho là đã thừa nhận việc giết bà Bông. Từ đó, Công an tỉnh Bình Thuận kết luận, đêm 23/4/1998, Nén đi uống rượu cùng hai người bạn và khi về đã nảy sinh ý định đến nhà bà Bông trộm tài sản. Đến nơi, ông này đi vào bằng cửa sau, đến gần giếng nước thấy có sợi dây dù buộc trên chiếc máy bơm nên vào nhà lấy dao ra cắt với ý định sẽ dùng dây này để buộc tài sản trộm được.
Sau đó, thấy bà Bông đang giũ giường chuẩn bị đi ngủ ở nhà dưới, Nén định bụng sẽ giết gia chủ để cướp tài sản. Thực hiện ý đồ, ông ta xông đến quàng sợi dây vào cổ bà Bông. Khi nạn nhân không còn phản ứng, ông ta lột lấy chiếc nhẫn vàng bỏ vào túi áo.
Gây án xong, Nén đứng trên ghế salon lục tìm tài sản trên bàn thờ và tủ thờ nhưng không lấy thêm được gì. Ông ta mang theo sợi dây dù vứt trên đường bỏ chạy. Khi đến suối Yên Ngựa, Nén ném cả ổ khóa nhà của nạn nhân xuống suối rồi nằm ngủ. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy ông ta phát hiện chiếc nhẫn vàng cướp được đã bị mất và tiếp tục đi nhậu với người bạn.
Ngày 31/8/2000, TAND tỉnh Bình Thuận tuyên phạt Huỳnh Văn Nén án chung thân về tội Giết người, 3 năm tù về tội Cướp tài sản và 2 năm về tội Hủy hoại tài sản. Tổng hợp hình phạt Nén phải nhận mức án tù chung thân.
Trong thời gian vụ án được đưa ra xét xử, phạm nhân Nguyễn Phúc Thành đang cải tạo tại trại giam Sông Cái, tỉnh Bình Thuận, đã có đơn tố giác hung thủ giết bà Bông không phải ông Nén mà là Nguyễn và Hồ. Hai người này đều là bạn thân của Thành và nằm trong băng nhóm giang hồ chuyên tụ tập hút bồ đà, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản những tuyến xe khách chạy qua địa bàn xã Tâm Minh lúc bấy giờ để có tiền ăn chơi.
Anh Nguyễn Phúc Thành tố giác hung thủ trong vụ án là hai người bạn của mình chứ không phải ông Nén. Ảnh: Phước Tuấn. |
Đơn thư này sau đó được gửi cho cán bộ trại giam và ông Nguyễn Thận – Chủ tịch UBND xã Tân Minh. Nhận được thư tố giác của anh Thành, Công an tỉnh Bình Thuận cử điều tra viên Cao Văn Hùng đến trại giam để xác minh. Tuy nhiên, đại úy Hùng sau đó cho rằng đơn tố cáo của Thành không có cơ sở nên đã không điều tra, xác minh.
Cũng từ đó, Chủ tịch xã Nguyễn Thận và ông Huỳnh Văn Truyện (bố của Nén) bắt đầu đi kêu oan cho Nén về tội Giết người, Cướp tài sản và hướng dẫn ông Nén cách làm đơn kháng cáo. Song, khi gặp được Nén trong tại giam thì thời hạn kháng án đã hết. Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM sau đó đã không chấp nhận đơn xin giảm nhẹ hình phạt của Nén và đình chỉ xét xử phúc thẩm. Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận có hiệu lực thi hành.
Hơn chục năm qua, vị cựu chủ tịch xã Tân Minh cùng với ông Truyện đã đi khắp các cơ quan chức năng từ Nam ra Bắc để kêu xin xem xét lại vụ án của ông Nén. Đến năm 2013, người cha tiếp tục gửi đơn lên VKSND Tối cao và TAND Tối cao cùng với bản xác nhận của anh Nguyễn Phúc Thành (lúc này đã ra tù) về việc tố giác Nguyễn và Hồ là hung thủ giết bà Bông để cơ quan này xem xét.
Mới đây, hối cuối tháng 10, VKSND Tối cao đã kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận, đề nghị TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy phần tội danh và hình phạt về tội Giết người, Cướp tài sản với Huỳnh Văn Nén, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại.
Bản kháng nghị của VKSND Tối cao chỉ ra rằng, bản án của TAND tỉnh Bình Thuận kết tội Nén là "chưa đủ căn cứ vững chắc", quá trình điều tra có nhiều thiếu sót như: không thu được tang vật, khám nghiệm hiện trường chưa đầy đủ, chưa xác minh lời tố giác của anh Nguyễn Phúc Thành...
Đặc biệt, tòa cấp sơ thẩm còn vi phạm nghiêm trọng tố tụng khi VKSND tỉnh Bình Thuận đã thay thế cáo trạng ngày 27/7/2000 bằng cáo trạng ngày 16/8/2000 nhưng bản án của tòa lại căn cứ vào cáo trạng cũ.
Ngoài ra, trong thời gian điều tra vụ án bà Bông, Công an Bình Thuận cho là Nén đã khai nhận có liên quan đến việc giết bà Mỹ tại vườn điều 5 năm trước. Từ lời khai của Nén, 8 người khác trong gia đình vợ của Nén bao gồm: bố mẹ, vợ, anh, chị em bị cáo buộc đã giết bà Mỹ vì nghi ngờ nạn nhân có quan hệ bất chính với chồng bà Nhung (chị vợ Nén).
Cũng trong thời gian tiếp tục kêu oan vì bị cáo buộc giết bà Bông, Nén cùng với 8 người trong gia đình vợ bị đưa ra xét xử về vụ án "vườn điều". Trong các phiên tòa này Nén khai đã bị cán bộ điều tra đánh đập, ép cung, mớm cung nên mới thừa nhận giết người. Trải qua quá trình tố tụng kéo dài hơn 12 năm với nhiều phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, vụ án "vườn điều" đã buộc phải đình chỉ do chứng cứ và cơ sở buộc tội yếu. Tất cả các bị cáo trong vụ án này được tòa bồi thường oan sai với số tiền hơn một tỷ đồng.
Những người trong gia đình vợ Nén được trả tự do. Riêng Nén, do bị cáo buộc giết bà Bông cướp tài sản nên tiếp tục phải thi hành bản án này, đến nay đã được hơn 16 năm.
Theo VNE