Chuyện bi hài về những người nhảy sông tự tử rồi... kêu cứu

Thứ sáu, 23/01/2015, 14:43
Hơn nửa đời người làm nghề vớt xác và cứu người nhảy sông, mỗi lần nhớ lại, vợ chồng ông Ba Chúc vừa xót xa nhưng cũng... dở khóc dở cười vì gặp rất nhiều trường hợp người tự tử kêu cứu í ới giữa dòng nước.

Nhảy cầu tự tử rồi... ôm cây chuối trôi sông

Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc (56 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hinh (54 tuổi) đã hơn nửa đời người lênh đênh trên dòng nước dưới chân cầu Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm công việc vớt xác và cứu người tự tử. Cũng chừng ấy thời gian, cả hai người đã có những kỷ niệm đáng nhớ về công việc mình đang làm.

Bất kể thời gian nào, khi hay tin có người nhảy cầu, có xác chết trôi, vợ chồng ông luôn cố gắng đến hiện trường thật nhanh với hy vọng, nếu không cứu được một mạng người thì cũng có thể đem thi thể người xấu số lên bờ lành lặn để người thân đỡ đau lòng.

Chuyện bi hài về những người nhảy sông tự tử rồi... kêu cứu 1

Vợ chồng ông Ba Chúc dành hơn nửa đời người làm công việc vớt xác, cứu người tự tử trên sông Sài Gòn.

Trong lần gặp gỡ với chúng tôi, vợ chồng ông Ba Chúc luôn nhắc lại những câu chuyện bi hài về một số trường hợp nhảy sông tự tử được ông cứu sống.

Ông tâm sự: "Hơn nửa đời người, ngoài những lần vớt những xác trôi sông, chúng tôi còn cứu sống rất nhiều trường hợp nhảy sông tự tử. Nếu tính cả vớt xác và cứu người cũng hơn 300 trường hợp rồi, trong số đó, có những vụ mà giờ nhớ, tôi vẫn không thể quên những tình tiết rất... bi hài. Có người tự tử rồi lại... kêu cứu, cũng có trường hợp định nhảy sông nhưng sợ quá, quyết định quay lại và... bị trượt chân, té rơi xuống, lại gào thét cầu cứu.

Đặc biệt, tôi nhớ nhất là có một người phụ nữ sống ở Bình Thạnh, nhảy cầu tự tử nhưng trong lúc vật lộn với dòng nước, hoảng quá, cô ấy quyết định... ôm một cây chuối trôi sông luôn".

Theo lời ông Ba Chúc, cách đây khoảng 3 năm, một người phụ nữ chừng 30 tuổi, chưa có gia đình (nhà ở khu vực Cầu Sơn, Bình Thạnh) vì làm ăn thua lỗ dẫn đến nợ nần chồng chất nên quyết định tự tử.

"Lúc đó vào sáng sớm, tôi đang lo chài lưới thì phát hiện một "thi thể" ôm cây chuối trôi nổi trên sông, xung quanh có nhiều bèo dạt theo. Tôi lấy cành cây chạm vào "thi thể" để kéo lại gần hơn, nhưng không thấy động đậy gì. Thế mà khi tới gần, tôi vừa kéo tay thì người phụ nữ này nắm lấy tay tôi kéo lại. Lúc này vợ tôi cũng có mặt, thấy vậy "rùng mình" lùi lại. Tôi lấy hết bình tĩnh, hỏi "thi thể": "Ủa... cô còn sống hả?", rồi kéo cô ấy lên thuyền cứu chữa"- ông Ba Chúc nhớ lại.

Chuyện bi hài về những người nhảy sông tự tử rồi... kêu cứu 2

Ông Ba Chúc rất tự hào về việc cứu được nhiều người.

Chuyện bi hài về những người nhảy sông tự tử rồi... kêu cứu 3

Bà Hinh (vợ ông Chúc) vẫn chưa hết sợ khi nghĩ lại giây phút cứu cô gái tự tử... ôm cây chuối.

Khi tỉnh dậy, cô gái cho biết: "Con định tự tử nhưng sợ quá... ôm cây chuối để trôi tự do luôn". Sau đó, ông Ba Chúc đón xe ôm đưa cô gái về tận nhà. Lúc đó, trong nhà cô đã có hai người tới đòi nợ, ông Ba Chúc vào nhà kể với chủ nợ việc cô gái mới nhảy sông tự tử. "Không biết ông ấy nói làm sao mà hai chủ nợ kia xóa bớt nợ và gia hạn thêm thời gian cho cô ấy" - bà Hinh tự hào nói về chồng.

Cũng trong khoảng thời gian làm công việc "trời ban" này, hai vợ chồng nhận thấy có nhiều người suy nghĩ thật nông cạn, để rồi khi từ bỏ cuộc sống mới hoảng quá... kêu cứu.

Theo ông Ba Chúc, hầu hết những người tự tử là các bạn trẻ buồn chuyện tình yêu khi lỡ "ăn cơm trước kẻng", rồi sợ gia đình nên nghĩ quẩn. Ông thở dài: "Mấy đứa còn trẻ mà dại quá. Mà cũng hài thật, khi nhảy sông tự tử, uống cả bụng nước rồi biết sợ... kêu cứu. Giờ nghĩ lại những câu chuyện đó, vợ chồng tôi chỉ biết lắc đầu".

"Biết nước dơ thế này, con không nhảy xuống đâu"

Trong những câu chuyện có phần hài hước về một số người đi tự tử, có trường hợp sau khi được cứu sống đã quay lại nhận vợ chồng ông Ba Chúc làm cha mẹ nuôi.

"Khi họ kêu cứu thì tôi không ngần ngại nhảy xuống giúp đỡ, đưa lên bờ. Đa phần những trường hợp đó đều nhận hai vợ chồng tôi làm cha mẹ nuôi. Bởi thế, nên hiện giờ, ngoài 6 đứa con gái ruột, tôi có thêm nhiều con nuôi nữa. Nhưng trong tâm, tôi cũng không muốn có những trường hợp nghĩ quẩn mà làm chuyện dại dột. Cuộc sống đáng quý lắm" - ông Ba Chúc nói.

Chuyện bi hài về những người nhảy sông tự tử rồi... kêu cứu 4

Ông Ba Chúc hy vọng nhiều người nên suy nghĩ chín chắn hơn, đặc biệt là các bạn trẻ đừng tự từ bỏ cuộc sống.

Những người được cứu sống cho rằng họ đã được hai ông bà "sinh" ra lần thứ hai nên rất muốn được gọi ông bà bằng hai tiếng "ba mẹ".

Bà Hinh nhớ lại, cách đây 1 tháng, có một cô gái xinh đẹp tên Nhàn (29 tuổi) ra cầu tự tử, không hiểu sao khi nhảy xuống sông lại kêu cứu. Sau đó, ông đánh thuyền máy ra cứu lên, đưa vào bờ. Cô gái này uống nhiều nước trong lúc hoảng loạn. Khi cô gái tỉnh lại, vợ chồng ông bà mới biết cô ấy đã có thai và sợ ba mẹ biết chuyện, nên ra sông tự tử.

"Sau khi nghe tiếng kêu cứu, vợ chồng tôi vớt lên thuyền rồi sơ cứu. Cô ấy tỉnh dậy, chúng tôi hỏi chuyện mới biết cô có thai đã một tháng rồi, sợ gia đình nên mới làm như vậy. May mắn, khi vợ chồng vừa cứu được hai người, trong đó có một sinh linh nhỏ bé. Vì còn yếu sức, nên chúng tôi giữ cô ấy ở lại thuyền trong mấy ngày, để tĩnh tâm lại mới dám đưa về nhà. Về nhà với cha mẹ xong, cô gái quay lại nhận chúng tôi làm ba mẹ nuôi để tỏ lòng biết ơn. Cứ hàng tuần lại mua ít quà ghé thăm chúng tôi" - bà Hinh trải lòng.

Chuyện bi hài về những người nhảy sông tự tử rồi... kêu cứu 5

Chuyện bi hài về những người nhảy sông tự tử rồi... kêu cứu 6

Chiếc thuyền máy do hội từ thiện tặng ông để dùng vào công việc cứu người.

Suốt cuộc trò chuyện, bà Hinh còn chia sẻ thêm chuyện khá hài hước về cô gái này: "Sau khi cô kể về chuyện buồn giữa cô và người yêu, vợ chồng tôi lại mỉm cười vì bất ngờ khi nghe cô ấy nói: "Sao nước ở đây đen ngòm vậy cô. Con đâu biết nước dơ như vậy, nếu biết, con không nhảy xuống đâu, lại uống nhiều nước nữa chứ. Giờ nghĩ lại dòng nước đen trong bụng mà kinh khủng quá". Lúc này tôi cũng không biết nói gì luôn, buồn cười về cô này lắm".

Trò chuyện với vợ chồng ông Ba Chúc, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng đáng trân quý của ông bà, sẵn sàng quên mình cứu người. Cuộc sống của vợ chồng ông quanh năm suốt tháng chỉ gắn bó với con sông này, để làm công việc đầy nhân văn, cứu người trước "miệng hà bá". Mỗi khi Tết đến, vợ chồng Ba Chúc chỉ lên bờ sum họp với các con trong ba ngày, rồi quay lại nơi chốn cũ đã gắn bó gần như cả cuộc đời để tiếp tục làm "người lái đò cứu người trên sông".

Theo Trí thức trẻ

Các tin cũ hơn