Chuyển gỗ, cọc vào hầm để gia cố. |
20 công nhân cứu hộ cứu nạn của Tập đoàn Than khoáng sản làm việc suốt đêm 19/11 để đào bới, tìm kiếm 2 người mắc kẹt trong hầm than của Công ty TNHH Tân Sơn tại xã Lỗ Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình).
Việc tiếp cận nạn nhân gặp khó khăn vì càng gần cuối, đường hầm càng nhỏ và xuống cấp, thiếu dưỡng khí. Đào đến đâu, nước, bùn đất ở phía trên lại tràn xuống, buộc nhóm cứu hộ phải tập trung gia cố đường hầm. 4 chiếc quạt gió được huy động để làm thoáng khí phía trong hầm.
Đến gần 2h sáng 20/11, nhóm cứu hộ đụng phải 2 tảng đá lớn chắn ngang hầm. Mất 3 tiếng phá đá thủ công, việc di chuyển hai tảng đá mới hoàn tất. Những bao tải đất đá được chuyền tay nhau chuyển ra ngoài miệng hầm.
Chỉ đạo tại hiện trường, đại tá Trần Văn Hoàn, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, việc đào bới không thể nhanh do vừa phải chống đỡ hầm vừa vận chuyển đất đá ra ngoài. Lực lượng cứu hộ đang cân nhắc phương án bơm nước vào hầm, sau đó dùng bơm cao áp hút bùn ra để đẩy nhanh tiến độ.
Dự kiến, sớm nhất chiều nay lực lượng cứu hộ mới có thể tiếp cận được nơi nạn nhân gặp nạn.
Từng bao đất đá từ phía trong hầm được chuyền tay nhau chuyển ra ngoài. |
Sập hầm diễn ra như thế nào?
Theo các nhân chứng, 11h trưa 18/11, 3 công nhân của Công ty Tân Sơn vào hầm than sâu khoảng 800m để thăm dò khai thác sau 2 năm bị tạm dừng. Tới độ sâu gần 700m, bất ngờ túi nước phía trên sập xuống, kéo theo khối đất đá lớn phủ kín khoảng 100m đường hầm.
Hai công nhân phía trong cùng bị đất đá cô lập hoàn toàn. Người đi sau bị dòng nước đẩy trôi ra ngoài và được lực lượng cứu hộ phát hiện khi cách miệng hầm khoảng 400m. Riêng 4 công nhân đi cách tốp đầu hơn 100m kịp chạy ra ngoài nên thoát nạn.
Đường hầm cao khoảng 1,5m sau đó ngập nước và đất đá. Nước từ phía trong chảy ra ngoài miệng hầm rất mạnh.
Vì sao hầm sập?
Phải chờ công tác cứu hộ kết thúc, cơ quan điều tra vào khám nghiệm mới đưa ra kết luận chính xác. Tuy nhiên, nguyên nhân thời tiết, mưa lũ đã bị bác bỏ, vì trước thời điểm tai nạn khu vực xã Lỗ Sơn không có mưa lớn.
Một giả thiết được nhiều người nghĩ đến là hầm xuống cấp do bỏ không hai năm nay, nhiều thanh xà cột chống đỡ đã mục nát. Hầm nằm dưới chân núi, phía trên có một số hầm khai thác khác và cũng bị hỏ hoang.
"Có thể những hầm này không được lấp đất khi dừng khai thác, vô hình trung tạo thành túi nước và gây áp lực cho hầm phía dưới", một chuyên gia nhận định.