Ngày 24/11, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Cầu Giấy (công an thành phố Hà Nội) thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Đoàn Đình Lân (39 tuổi, ngụ ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa) để điều tra về hành vi hiếp dâm. Theo khai nhận tại cơ quan chức năng, sáng 20/11, Đoàn Đình Lân có sử dụng mạng xã hội, chủ động làm quen với sinh viên Quỳnh (19 tuổi, ngụ ở quận Đống Đa) đang theo học tại một trường đại học đóng trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Khi làm quen, Lân chủ động giới thiệu mình là nhiếp ảnh gia và ngỏ ý mời sinh viên Quỳnh làm người mẫu chụp hình. Tin lời, nữ sinh Quỳnh đồng ý nhận làm người mẫu ảnh cho Lân. 14h cùng ngày, Lân đi xe máy đến đón Quỳnh ở đầu ngõ, sau đó đưa tới một khách sạn nằm trong khu vực đô thị mới Dịch Vọng thuộc quận Cầu Giấy để “chụp ảnh”.
Khi lên phòng khách sạn, Lân dùng vũ lực hiếp dâm Quỳnh và dùng điện thoại di động quay lại hình ảnh quan hệ, với mục đích nhằm khống chế nữ sinh. Không thỏa mãn, Lân còn ép Quỳnh cho mình quan hệ lần hai, sau đó mới thả để nữ sinh này về. Được sự ủng hộ và động viên của gia đình, ngày 21/11, nạn nhân quyết đến công an phường Dịch Vọng tố cáo hành vi “hiếp dâm” của Lân.
Làng võ nhắc đến ông bố Đoàn Đình Long với sự cảm thông. Ảnh: HH. |
Ngay khi vụ việc này được chia sẻ, nhiều người đặc biệt là những người yêu võ thuật nói chung và bộ môn karate nói riêng nhanh chóng nhận ra cái tên Đoàn Đình Lân. Không ít người bày tỏ ý kiến lên án Đoàn Đình Lân về hành vi phạm tội không chỉ là dấu hiệu suy đồi đạo đức cá nhân mà còn là vết nhơ cho cộng đồng võ thuật.
Nhưng trên hết, đa số bình luận đều nhắc đến người thầy, người bố Đoàn Đình Long với sự cảm thông sâu sắc. Nhắc đến cái tên Đoàn Đình Long, trong giới Karate Việt Nam gần như ai cũng biết đến, một trong những cánh chim đầu đàn của làng không thủ đạo Việt Nam, một con người đầy tâm huyết và nghị lực trong cả cuộc sống lẫn nghiệp võ. Ông được xem như một trong những “lập quốc công thần” của làng karate Việt Nam.
Sinh năm 1947, võ sư Đoàn Đình Long vốn xuất thân từ bộ môn thiếu lâm. Đến với karate suzucho khá muộn, khoảng năm ông 31 tuổi, nhưng võ sư Đoàn Đình Long nhanh chóng xác định chọn bộ môn karate làm sự nghiệp lâu dài. 4 năm sau, lò võ karate đầu tiên của Hà Nội ra đời cũng dưới sự dẫn dắt của võ sư Đoàn Đình Long.
Năm 1992, ông được Tổng cục thể dục thể thao nay là Ủy ban thể dục thể thao mời huấn luyện cho đội tuyển quốc gia Việt Nam. Kể từ đó, ông góp phần đào tạo nên nhiều tên tuổi làm rạng danh bộ môn karate nước nhà trên các đấu trường quốc tế, trong đó phải kể đến những người học trò xuất sắc như Nguyễn Hoàng Ngân, Nguyễn Anh Tuấn…
Năm 2010, hệ phái Đoàn Long karatedo cũng chính do võ sư Đoàn Đình Long sáng lập. Hệ phái này từng được giao cho người con trai Đoàn Đình Lân làm chưởng môn. Trong suốt cuộc đời cống hiến của mình, ông nhận được nhiều phần thưởng cao quý của nhà nước như huân chương lao động hạng ba (1999), huân chương lao động hạng nhì (2001)…Ông còn khiến nhiều người đặc biệt kính phục với ý chí kiên cường, trải qua ba cuộc phẫu thuật tim, dù các bác sĩ tuyên bố hồi năm 1974, với bệnh tình tại thời điểm đó, ông chỉ có thể sống thêm từ 5-7 năm nữa.
Thế nhưng, cuộc đời võ sư Đoàn Đình Long vinh hiển bao nhiêu thì câu chuyện về người con trai Đoàn Đình Lân lại càng đáng buồn bấy nhiêu. Được sự dạy dỗ từ người bố võ sư, Đoàn Đình Lân lớn lên cùng bộ môn karate và trở thành tuyển thủ quốc gia. Tháng 5/2005, khi đang làm huấn luyện viên trung tâm thể dục thể thao quận Đống Đa, Hà Nội, Lân bị bắt vì hành vi cướp tài sản tại quận Đống Đa và bị Tòa án nhân dân quận Đống Đa tuyên phạt 30 tháng tù. Sau vụ án làm chấn động làng võ, cũng như một “vét đen” tội lỗi cho gia đình, Đoàn Đình Lân im hơi lặng tiếng một thời gian dài.
Những tưởng đã có thể tu thân dưỡng tính sau một lần lầm lỡ, thế nhưng không ai ngờ được lần này Đoàn Đình Lân lại tiếp tục đứng trước nguy cơ rơi vào vòng lao lý.
Theo Ngôi Sao