Chúng tôi gặp ông Cao Văn Hùng, nguyên điều tra viên chính trong cả hai vụ án vườn điều (năm 1993) và vụ án bà Lê Thị Bông (năm 1998), sau ngày ông Huỳnh Văn Nén được minh oan.
Tỏ ra khá xúc động, ông Hùng nói: Đến giờ này, nói tôi không suy nghĩ gì là không đúng. Tôi bị tác động tư tưởng, tâm lý khi báo chí đồng loạt đưa tin. Có những thông tin mang tính xúc phạm cá nhân tôi, xuyên tạc sự thật và mục tiêu của họ là dồn ép để cơ quan chức năng phải xử lý tôi về mặt hình sự.
Tôi khẳng định quá trình điều tra tôi không làm gì trái pháp luật. Hồ sơ vụ án thể hiện tôi đã làm vô tư. Quá trình điều tra và kết thúc điều tra, kiểm sát viên phúc cung, chưa bao giờ ông Huỳnh Văn Nén khai bị đánh đập. Đến giờ này tôi rất xúc động về việc này...
Ông Cao Văn Hùng. |
- Ông Nén cho rằng đã bị bức cung, nhục hình trong cả hai vụ án mà ông là điều tra viên chính. Ông nói gì về vấn đề này?
- Trong giai đoạn từ năm 1993 đến 1998, ở địa bàn xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận liên tục xảy ra các vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng như vụ hai ông bà Ba Cám bị chặt cả đầu lẫn tay chân, vụ anh Nguyễn Văn Thủy bị giết, sau đó là vụ giết bà Dương Thị Mỹ, bà Lê Thị Bông.
Trước tình hình phức tạp, ban giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận rất quan tâm. Mỗi vụ án xảy ra, gần như cả phòng PC16 (cơ quan điều tra lúc đó) đều tập trung tại địa bàn. Ban giám đốc đặt yêu cầu bằng mọi giá phải tìm ra thủ phạm để ổn định trật tự địa bàn.
Xảy ra vụ án bà Bông bị giết, quá trình khám nghiệm hiện trường và giám định tử thi, tôi chưa tham gia. Ba ngày sau tôi được điều động xuống cùng ban chuyên án tham gia điều tra. Chúng tôi lập kế hoạch rất cụ thể.
Chúng tôi loại trừ khả năng bà Bông bị giết do tình ái hoặc do thù tức mà nghi bị giết để cướp của. Danh sách những người tình nghi trên địa bàn được lập có Nguyễn Thọ và Hồ Văn Việt (người sau này bị Nguyễn Phúc Thành tố cáo là hung thủ giết bà Bông).
Cán bộ đi xác minh không phải tôi mà là người khác, họ cho biết Thọ và Việt đã đi khỏi địa bàn trước đó một tháng. Trên cơ sở đó, ban chuyên án đã loại trừ Việt và Thọ ra khỏi người nghi vấn. Trong danh sách người tình nghi có ông Nén.
Quá trình điều tra, ông Nén khai ra 8 địa điểm đêm xảy ra vụ án ông có mặt, tuy nhiên khi chúng tôi xác minh đều không đúng.
Kết hợp với việc trong hai năm ông Nén có 17 lần vi phạm pháp luật, ban chuyên án họp và thống nhất bắt ông Nén về tội hủy hoại tài sản nhưng để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản.
Quyết định này đã được Viện Kiểm sát phê chuẩn. Xuất phát từ lời khai bất minh về thời gian của ông Nén, chúng tôi đã đấu tranh và ông Nén nhận tội. Quá trình thực nghiệm điều tra có nhiều cấp tham dự. Việc thực nghiệm phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Sau đó chúng tôi họp hai ngành công an và kiểm sát. Tôi trình bày quan điểm trước cuộc họp và hai ngành đã thống nhất. Trên cơ sở đó, chúng tôi chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố.
Tôi khẳng định việc điều tra Huỳnh Văn Nén là tập thể điều tra viên mà tôi được giao nhiệm vụ chính. Tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận, phòng giam có hướng ra phía đi lại của cán bộ và trại viên, mọi hoạt động trong phòng hỏi cung không thể che mắt người khác.
Thứ hai, quá trình điều tra có sự giám sát của Viện Kiểm sát mà cụ thể là kiểm sát viên Đinh Văn Lai. Vì vậy, tôi khẳng định không có bức cung nhục hình trong quá trình điều tra.
- Thế còn việc xác minh đơn tố cáo của ông Nguyễn Phúc Thành khi ông Thành làm đơn trình báo ông Nén không phải là hung thủ thì sao, thưa ông?
- Khi mẹ ông Thành gửi đơn đến cơ quan điều tra, thủ trưởng cơ quan điều tra tính toán thế nào tôi không biết, nhưng đã giao cho tôi và một phó thủ trưởng cơ quan điều tra vào trại giam gặp ông Thành để xác minh.
Khi đến nơi, phó thủ trưởng cùng ngồi với tôi, sau đó bỏ ra ngoài. Ông Thành trình bày tóm tắt việc được Thọ và Việt kể cho nghe đã giết bà Bông. Khi hai người bảo “tao vừa giết bà Bông”, Thành không tin, Thọ và Việt vạch chân ra chỉ vết máu ở quần.
Tôi ghi lời khai của Thành, sau đó về báo cáo với lãnh đạo. Lãnh đạo họp và đánh giá đối với tội phạm nghiêm trọng, đối mặt với án tử hình thì tâm lý phải che giấu, nhưng hai người này giết người xong lại chỉ dấu máu để làm chứng.
Vết máu đó trái với kết quả khám nghiệm tử thi là bà Bông bị chết ngạt, không có máu. Từ đó, chúng tôi đánh giá lời khai là không có cơ sở.
- Ông Nén đi tù oan 17 năm trong cả hai vụ án, ông có thấy mình có một phần trách nhiệm hay không?
- Khi ông Nén được đình chỉ điều tra, lục lại quá trình điều tra của mình, tôi thấy mình đã làm đúng quy định, không làm gì sai để đến giờ áy náy lương tâm hay lo lắng về trách nhiệm.
Trách nhiệm của tôi đến đâu, cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, người ta làm thì tôi phải chịu. Nhưng tôi xin nhắc lại, khi vụ án xảy ra tôi không trực tiếp khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi.
Tôi chỉ tham gia giai đoạn sau khi ban chuyên án đã xác minh và kết quả xác minh đã loại trừ Thọ và Việt. Tôi kế thừa toàn bộ chứng cứ mà các anh em đã làm.
Quá trình điều tra, tôi hoàn toàn làm đúng quy định, không có gì phải ân hận. Giờ ông Nén bị oan, tôi không nói được gì. Được phân công mảng trọng án là công việc rất vất vả, tôi làm việc vì say nghề chứ không vì động cơ, mục đích gì.
- Có khi nào vì tuổi trẻ, vì muốn chứng minh năng lực, vì thành tích mà ông nôn nóng muốn phá án nhanh chóng không?
- Hồi đó người tốt nghiệp đại học đếm trên đầu ngón tay ở các tỉnh phía Nam. Học Đại học An ninh chính quy ra và về phòng điều tra như tôi chỉ có 1-2 người. Tôi được coi là hạt giống đỏ của PC16. Đồng đội quá tin tưởng, đề cao tôi quá nên lúc đó tôi như người lên mây lên gió.
Trước đó tôi hoàn thành rất nhiều án truy xét nên có lúc tôi quá tự tin về năng lực của mình. Mặt khác, vì tín nhiệm của anh em càng thúc đẩy tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Áp lực lớn hơn là địa bàn phức tạp, ban giám đốc hạ quyết tâm phải làm, “nếu không làm thì thầy trò mình đừng gọi là điều tra nữa”. Khi xảy ra vụ bà Bông, cũng vì danh dự, uy tín của công an, lãnh đạo nói “nếu vụ nào cũng tịt thế này thì còn gì danh dự công an nữa”.
Vì nhiệm vụ được giao, vì uy tín bản thân nên tôi đã làm hết sức mình. Có lẽ đến sau này tôi mới nhận thức được rằng có lẽ do say nghề quá.
Đến bây giờ, để xảy ra vụ án này, tôi không dám đổ trách nhiệm cho ai. Tôi là một trong những người tiến hành tố tụng trong vụ này, bên cạnh đó còn nhiều cơ quan như kiểm sát, công an, tòa án...
Án oan do bệnh thành tích Cơ quan tố tụng kết luận ông Nén bị oan 17 năm, trong cả hai vụ án. Câu hỏi đặt ra tại sao đến nông nỗi này và trách nhiệm của cơ quan tố tụng đến đâu? Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng trách nhiệm thuộc về điều tra viên Cao Văn Hùng hay một cá nhân nào đó. Ông Hùng vì tuổi trẻ, vì say mê nghề nghiệp và đã phải trả giá. Tuy nhiên chúng ta phải xem xét lại, một điều tra viên không thể bắt ai được, bên cạnh họ còn có thủ trưởng, còn có kiểm sát viên. Khi điều tra viên không tỉnh táo, người bên cạnh và cấp cao hơn phải kiểm sát, nhất là với các vụ án nghiêm trọng. Tiếc rằng trong vụ án hậu vườn điều, điều tra viên đã quá tự tin, kiểm sát viên cũng vậy và lãnh đạo viện kiểm sát cũng vậy. Kiểm sát viên có nhiệm vụ giám sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình điều tra vụ án, tuy nhiên họ lại không phát hiện vấn đề gì mâu thuẫn của vụ án để kiến nghị, trái lại còn ủng hộ quan điểm của điều tra viên. Ông Nén cho rằng bị bức cung, nhục hình nhưng quá trình kiểm sát không phát hiện, ra tòa hội đồng xét xử cũng bảo vệ quan điểm quá trình điều tra là đúng. Cái sai xảy ra có hệ thống chứ không phải lỗi của một mình điều tra viên. Việc làm oan ông Nén là cái sai không chấp nhận được của cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận nói chung, bản thân ông Cao Văn Hùng là điều tra viên nói riêng. Tôi không đồng ý với quan điểm của một số cán bộ hiện nay là hễ cứ thành tích thì nói do tôi chỉ đạo, lãnh đạo, còn khi có khuyết điểm xảy ra thì lại đùn đẩy trách nhiệm tại cậu ta làm thế. Đây là bệnh thành tích cần phải bị lên án. Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) |
Theo Tuổi Trẻ